Triều Tiên nói Mỹ nên dừng chính sách thù địch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên ngày 15/2 cho biết, Bình Nhưỡng một lần nữa yêu cầu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch, đồng thời khẳng định Triều Tiên nghiên cứu - phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM) là chính đáng nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia.

lanh-dao-trieu-tien-kim-jong-un-phat-bieu-tai-binh-nhuong-hom-29-1-anh-afp.jpg
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại một sự kiện ở Bình Nhưỡng hôm 29/1. Ảnh: AFP

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện mới đây, Tướng Không quân Gregory Guillot, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Bắc Mỹ, cảnh báo rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un "có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu trên khắp Bắc Mỹ". Ông nhấn mạnh với việc Triều Tiên phát triển loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, thời gian chuẩn bị phóng sẽ được rút ngắn đáng kể, điều này làm suy giảm khả năng Mỹ phát hiện và cảnh báo sớm trước khi tên lửa được phóng.

Phát biểu của Tướng Guillot được xem là ủng hộ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có cam kết của cựu Tổng thống Donald Trump về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ toàn diện "Iron Dome" để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công. Gần đây, ông Trump đã ký sắc lệnh thúc đẩy việc sản xuất và cung cấp các hệ thống theo dõi và đánh chặn tên lửa, đồng thời phát triển khả năng ngăn chặn tên lửa sớm. Lầu Năm Góc đang hoàn thiện các chi tiết để bổ sung yêu cầu này vào ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2026.

Mỹ đã phát triển và đưa vào hoạt động một đội gồm hơn 40 tên lửa đánh chặn tại Fort Greely, Alaska và Căn cứ Không gian Vandenberg, California, nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên chỉ trích phát ngôn của ông Guillot là “sự thêu dệt”, đồng thời nhấn mạnh: “Biện pháp duy nhất để giải tỏa những quan ngại về an ninh quốc gia là việc Mỹ phải từ bỏ những uy hiếp về quân sự, cũng như chính sách thù địch đối với Triều Tiên”.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên cũng đề cập quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và quân đội Hàn Quốc diễn ra vào tháng 3 tới, khẳng định sẽ tăng cường năng lực phòng vệ để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Hiện tại, chưa có phản ứng từ phía Mỹ đối với tuyên bố của Triều Tiên.

Có thể bạn quan tâm

Vụ đâm xe và lời hứa hẹn của ông Trump tại hội nghị Munich về hòa bình cho Ukraine

Vụ đâm xe và lời hứa hẹn của ông Trump tại hội nghị Munich về hòa bình cho Ukraine

(GLO)- Ngày 14/2, tại thành phố Mumich, Đức đã diễn ra hội nghị an ninh toàn cầu kéo dài trong 3 ngày, với sự tham gia của nhiều nhân vật hàng đầu của các quốc gia trên toàn thế giới. Theo CNN, nhà chức trách Đức đã tăng cường ít nhất 5.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh sự kiện này.