Triêm Tây, chuyện xưa chuyện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trở lại thăm “bản chính” Triêm Tây ở hạ lưu Thu Bồn, nơi kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc từng gửi gắm nhiều tâm huyết để chăm chút cho di sản làng quê, để cảm nhận những dịch chuyển âm thầm sau lũy tre làng...
 
Triêm Tây ở hạ lưu Thu Bồn, nơi kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc từng gửi gắm nhiều tâm huyết để chăm chút cho di sản làng quê ẢNH: T.Đ.T
Triêm Tây ở hạ lưu Thu Bồn, nơi kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc từng gửi gắm nhiều tâm huyết để chăm chút cho di sản làng quê ẢNH: T.Đ.T
Triêm Tây 60 năm trước
Những năm 1965 - 1967, cụ thân sinh tôi làm nghề chăn nuôi vịt đẻ và ấp trứng vịt, sản xuất vịt con giống. Cụ đấu giá cồn bãi ven các sông, từ Cẩm Lệ, Câu Đê (Đà Nẵng) đến hạ lưu Thu Bồn (Quảng Nam) để thả vịt. Từ bờ sông Triêm Tây dọc xuống Cẩm Kim bên kia sông Thu Bồn là khu vực bãi cát thoai thoải, dày đặc hến, tép… là các loại thực phẩm thích hợp cho loại vịt đẻ lấy trứng.
Một cái cồn nổi rộng vài héc ta sát làng Triêm Tây là nơi ông cụ tôi dựng lên cái chòi để làm chuồng nhốt vịt và một căn nhà tranh để vừa ở cho người làm công, vừa làm kho chứa lương thực, trứng. Cứ mỗi 5 ngày, cha tôi lái chiếc xe lam từ Đà Nẵng chạy xuống sân vận động Cẩm Hà, Hội An (bây giờ sông đã lở, phần còn lại là chợ cá), thuê ghe chở lương thực sang Triêm Tây và chở trứng qua sông đưa về lò ấp.
Lúc ấy, từ chòi vịt vào ấp Triêm Tây là một bãi cát rộng và rừng thông chạy dọc sông. Dân cư trong làng làm nghề dệt chiếu, làm ruộng hoặc đánh bắt cá. Vài đứa trẻ chăn bò thỉnh thoảng ghé vào trại vịt xin nước uống. Những người lớn tuổi thì ghé trại trò chuyện với cha tôi. Đời sống tuy nghèo nhưng yên lành và đối xử với nhau rất tử tế.
Vào mùa hè, tôi theo cha và mấy bạn ông từ Sài Gòn về đến thăm trại vịt. Cha tôi luộc ít trứng, làm vài con vịt để lấy thịt và đánh tiết canh đãi khách, mời thêm vài vị chức sắc trong làng. Những lúc đó, tôi thường chống cái ghe nhỏ đi dọc bờ và ghé vào mấy lùm bói, nhặt những trứng vịt đẻ ngày trong bóng râm mang về trại. Vịt thường đẻ tầm 4 - 5 giờ sáng. Một số ít “nín đẻ”, sáng ra, sau khi đi lặn mồi no bụng thường vào nằm trong các lùm bói “đẻ ngày”. Tôi được vài chục trứng loại này về vào bán cho… mẹ tôi để mua sách vở hoặc ăn quà vặt.
 
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc (trái) trao đổi với một giảng viên Đại học Đà Nẵng tại Triêm Tây ẢNH: T.Đ.T
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc (trái) trao đổi với một giảng viên Đại học Đà Nẵng tại Triêm Tây ẢNH: T.Đ.T
Triêm Tây năm 2009
Liên tiếp những trận lụt từ các năm 1999, 2000 đến 2007, bờ đất phía tây nam của làng lở sâu vào hàng chục mét, nhiều vườn tược nhà cửa của người dân bị chìm xuống nước. Cộng với nạn khai thác cát vùng hạ lưu Thu Bồn khiến cho tình trạng xói lở thêm trầm trọng. Gần 150 hộ dân trong thôn sống trong cảnh nơm nớp bị mất đất sản xuất và nhà sập. Cái đảo nhỏ ông cụ tôi làm chòi nuôi vịt năm nào không rõ bị lũ cuốn đi hay bồi chung vào làng, chẳng còn dấu vết gì. Huyện Điện Bàn và xã Điện Phương lúc đó đã lên kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn vì bất lực trong việc chống sạt lở.
Tôi quen biết kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc trước đó không lâu, khi anh từ Pháp về Hà Nội cùng kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị trùng tu công trình Nhà hát Lớn. Anh Quốc đưa vợ con về Hội An thành lập khách sạn Hà An và rủ tôi đi chơi Triêm Tây, Trung Phước. Ở Triêm Tây, anh nói sẽ lập kế hoạch chống xói lở để giữ làng và mua lại mấy căn nhà hoang mà dân đã bỏ lại vì sắp đổ xuống sông để làm du lịch nông thôn. Đề án của anh được xã và huyện chấp nhận. Tôi từng viết bài Viện sĩ về làng giữ đất hồi năm 2010, giới thiệu kiến trúc sư - Viện sĩ hàn lâm kiến trúc Paris Bùi Kiến Quốc là em ruột chuyên gia kinh tế Bùi Tiến Thành, em chú bác ruột của nhà thơ Bùi Giáng… Ông rời nước Pháp về Quảng Nam và trở thành người đi giữ làng, theo cách nói của một nông dân ở thôn Triêm Tây.
Trong cuốn sách nghiên cứu kiến trúc Phong cách Đông Dương (Indochina Style) do NXB Marshall Cavendish ấn hành, tác giả - kiến trúc sư người Mỹ, bà Barbara Walker đã có mấy trang viết về một đồng nghiệp bất ngờ gặp được ở Hội An, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc như sau: “Ông Quốc là người Hội An nhưng sống ở miền nam nước Pháp từ giữa những năm 1950. Ban đầu ông quyết định về quê nhà với mục đích duy nhất là làm một ngôi nhà theo kiểu dân chài bên sông Thu Bồn, hằng ngày uống trà và không làm gì cả, chỉ để thưởng thức cái không khí thanh bình tĩnh lặng của quê hương khi đã ngoài 60 tuổi...”.
Còn lúc đó, ông nói với tôi: “Từ năm 1998, tôi bắt đầu các “công trình nháp” liên quan đến làng quê và sông nước ở Cẩm Thanh và Trung Phước. Có lẽ, vì cái tuổi Giáp Thân, mạng thủy nên cái gì tôi nghĩ đến trong các công trình thiết kế đều gắn liền với sông nước. Những ngôi nhà truyền thống và những dòng sông, những chiếc thuyền nhỏ... bắt đầu lên bản nháp trên sa bàn trước khi được triển khai ra thực địa...”. Triêm Tây bắt đầu từ đó.
Ông mua lại hơn 10 ngôi nhà và vườn tược của dân, giữ nguyên kiến trúc dân gian, kể cả bàn thờ, giếng nước, đền miếu và các lối đi rợp bóng tre... Lại tiếp tục kè bờ sông chống lở, xây thêm vài hồ bơi, nhà ngắm sóng bằng chính vật liệu địa phương và huấn luyện nông dân trẻ làm du lịch theo kiểu homestay. Bờ sông, những chiếc thuyền, lũy tre... là những di sản văn hóa Việt Nam phải được giữ lại. Kể cả những nghề truyền thống ở đây như dệt chiếu, trồng tỉa hoa màu, đan lát ở đây cũng là những gì du khách phương Tây muốn thưởng ngoạn, tìm hiểu.
“Họ đến đây để ở lại trong những ngôi nhà truyền thống và sinh hoạt cùng người dân trên đồng ruộng, trên sông nước. Nếu Cẩm Thanh, Trung Phước là các “bản nháp” thì Triêm Tây là bản chính mà tôi sẽ chăm chút đầu tư và đón khách”, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc chia sẻ.
Trước khi mở cửa đón khách từ tháng 6.2013, trưởng thôn Triêm Tây Nguyễn Văn Bòng nói với tôi: “Toàn thôn có gần 700 dân thuộc 147 hộ thì hơn một nửa làm nghề dệt chiếu và số còn lại làm nghề nông. Bờ sông Thu Bồn phía tây của thôn mỗi năm lở sâu vào cả chục mét. Dự án này sẽ giúp Triêm Tây sớm thay đổi hình ảnh một làng quê nghèo khó, con em sẽ được đào tạo làm du lịch... Nhưng quan trọng là ông Quốc đã giúp chúng tôi giữ được đất làng”.
Triêm Tây sau dịch Covid-19
Khách đến Triêm Tây thường là khách có tiền. Trong giới nhà giàu đến đây, có những đạo diễn, nhà văn nổi tiếng như Oliver Stone, Le Ly Hayslip mà tôi đã gặp. Cũng có các nhóm sinh viên Oslo và Bắc Âu, các đoàn nghiên cứu từ UNESCO, nghiên cứu về môi trường quốc tế… Hơn 20 nhân viên làm việc với ông Quốc ở đây, đến năm 2020, nhiều người đã thành thạo tiếng Anh.
Bỗng dưng, Covid-19 ập tới…
Cuối tháng 9, khi mọi giãn cách ở Hội An và Đà Nẵng được xóa bỏ thì khách vẫn chưa tới Triêm Tây. Nhưng không ai trong số họ nghỉ việc. Vì là dân địa phương, họ vẫn làm việc và nhận lương đầy đủ. Gia đình họ cũng được ông Quốc trợ giúp nhu yếu phẩm. Họ chuyển qua chở đất, thợ hồ, thợ điện và trồng cây. Khi tôi trở lại Triêm Tây, ông Quốc đang hoàn tất một khu chợ quê, mấy cụm nhà mới chìm trong màu xanh của cây lá bản địa, trong đó có những căn phòng rộng có thể tổ chức các hội thảo từ 15 - 20 người. Lại trồng thêm các loại cỏ chống xói lở và gia cố vật liệu, bờ kè dọc 500 m bờ sông. Lại làm thêm một hồ bơi mới…
Ngoài kia, chiếc cầu bê tông hiện đại nối từ Cẩm Hà sang Triêm Tây với vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng do Bộ GTVT đầu tư cũng sắp hoàn tất.
Trong lúc đưa tôi đi thăm mấy công trình mới, ông Quốc nói: “Giữ được làng Triêm Tây và mở ra nhiều khu du lịch sinh thái làng quê là lý do để nhà nước đầu tư cây cầu. Nhưng cầu chưa hoàn thành thì giá đất đã lên vùn vụt. Người dân nay có thể bán cái vườn của họ được tiền tỉ rồi. Giao dịch đất đai đang nườm nượp. Rồi có cả cờ bạc đi theo nữa. Nhưng những người làm việc với tôi trong làng thì vẫn gắn bó ở đây. Họ có thể bán bớt khu vườn để lo cho tương lai con cháu, nhưng họ vẫn gắn bó với làng mình, với chúng tôi để chờ đón du khách sau đại dịch…”.
Theo Trương Điện Thắng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.