Trên đồng đất đời người - Kỳ cuối: Đất vỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt qua những ngáng trở trì kéo, đồng đất Ayun Hạ chuyển mình bước vào “cuộc cách mạng lần thứ 2”. Những “vua lúa” được nông dân tự tôn với những kỷ lục về sản lượng và năng suất có lẽ không thua kém phú hộ ở các châu thổ lớn. Nhưng không chỉ “vua lúa”, với bệ phóng thủy lợi Ayun Hạ, đồng đất này còn xuất hiện những “vua cá”, “vua rau” báo hiệu một cuộc cách mạng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang diễn ra sôi động.
Người “ngự” trên 200 tấn thóc
Khi nghe ở tổ 13 (thị trấn Phú Thiện) có gia đình ông Nguyễn Lâm Thoa mỗi năm làm ra tới 200 tấn thóc, tôi không khỏi bán tin bán nghi. Là vì con số ấy đến các phú hộ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng dễ gì có được. Bây giờ thì cái cơ ngơi của ông với 2 sân phơi lúa rộng 600 m2, kho thóc sức chứa 100 tấn, 2 máy dầm đất, 1 máy tuốt để phục vụ cho 13 ha ruộng nước, 10 ha đất màu đã lặng lẽ khẳng định con số kia hoàn toàn là sự thật.
Vốn quê ở Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đất chật người đông, thiên tai triền miên, gia đình ông Nguyễn Lâm Thoa mỗi năm được hợp tác xã chia cho vỏn vẹn 500 kg thóc. Miếng cơm đã thiếu, cọng rau ăn có khi phải lấy bèo tây muối dưa thay. Bức bách, năm 1985, gia đình ông gia nhập đoàn quân kinh tế mới đến Phú Thiện. Chỉ 1.500 m2 đất thổ cư và 2 sào đất ruộng được chia nhưng nung nấu ý chí thoát nghèo, gia đình ông đã cần cù bám đất, lao động sáng tạo. Không chỉ thoát nghèo sau vài năm đến vùng đất mới, ông còn tích lũy được vốn để mua thêm đất, mở rộng sản xuất. Cuộc sống của gia đình ông cứ theo đất đai mà tiến dần lên… Ông bảo, 200 tấn thóc gia đình ông thu được là bằng cả số thóc xóm Thượng quê ông ngày xưa gộp lại. Có thể tiền lãi bán thóc ông nói khoảng 500 triệu đồng so với dân làm cây công nghiệp chưa phải là lớn, nhưng con số 200 tấn thóc thì có lẽ không ai là không ấn tượng. Không đơn thuần ý nghĩa biểu đạt của số học, nó là sự hàm chứa hơi thở phì nhiêu của một đồng đất, là sự sung mãn của những mơ ước trong lớp lớp va đập của lịch sử kết tinh nên.
 Anh Nguyễn Đức Thắng được coi là “Vua cá giống” ở vùng Ayun Hạ. Ảnh: N.T
Anh Nguyễn Đức Thắng được coi là “Vua cá giống” ở vùng Ayun Hạ. Ảnh: Ngọc Tấn
Và bây giờ thì tôi đã biết không chỉ mỗi mình ông Nguyễn Lâm Thoa. Ông Thắng ở thôn Thắng Lợi (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cũng là một “Vua lúa” khác. Với 15 ha đất lúa hai vụ, mỗi năm, gia đình ông thu hơn 200 tấn thóc. Còn nhớ ngày trước, Thái Bình được mệnh danh “quê lúa”, năng suất đạt 5 tấn đã được coi là thần tượng thì với đồng đất Ayun Hạ bây giờ, đấy chỉ mới là năng suất bình quân của một vụ. Thế nên, nếu tôn vinh “vua lúa” về mặt năng suất thì trên đồng đất Ayun Hạ bây giờ không hiếm những nông hộ giữ “ngai”. Từ con số 10-15 tấn/ha đã được coi là kỷ lục, bây giờ có hộ đã đạt tới 17-18 tấn/ha. Nể phục hơn nữa, có hộ như ông Thái ở thôn Thanh Bình (xã Ia Peng) còn khẳng định với tôi rằng, năng suất ruộng nhà ông đạt hơn 19 tấn/ha/năm… Điều đáng nói là không chỉ với những nông dân người Kinh có kinh nghiệm canh tác lúa nước truyền đời, nông dân Jrai mới quen với văn minh lúa nước cũng không kém xa là mấy. Hộ ông Rơ Mah Dmeo (thôn Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) chẳng hạn, có hơn 3 ha lúa nước, năng suất vụ Đông Xuân đã đạt hơn 8 tấn/ha. Hay hộ ông Nay Blok cũng ở xã này, năng suất đạt hơn 8 tấn... Ayun Hạ quả là đồng đất “trời ban”.
“Vua cá giống” và người đưa cây rau ngót từ thôn đi khắp nước
Năm ngoái lên công tác ở huyện Đak Hà (tỉnh Kon Tum), tôi có dịp đến thăm cơ sở nuôi cá Tá Tiến. Nhìn cơ ngơi rồi nghe kể chuyện làm ăn, tôi quả quyết ông này phải liệt vào hàng “Vua cá” Tây Nguyên. Đem chuyện kể với Nguyễn Đức Thắng-Giám đốc Hợp tác xã cá giống Ia Peng (huyện Phú Thiện), anh cười: “Ông Tá vẫn lấy nguồn cung cấp cá giống ở đây mà”. Thì ra cái lớn của ông Tá Tiến là nhờ liên kết chứ việc tự sản xuất thì phải nhường anh Nguyễn Đức Thắng.
Quê Thắng ở Bắc Ninh, nơi nuôi cá vốn là nghề gia truyền. Năm 2000, trong một dịp vào thăm bà con ở Ia Peng, thấy tiềm năng nuôi cá trời cho của Ayun Hạ, Thắng đâm mê và quyết định chuyển gia đình vào đây lập nghiệp. Khởi đầu với 2.000 m2 mặt nước, mất 3 năm thua lỗ, cuối cùng thì Thắng đã thành công. Dù đã làm “bá chủ” cả vùng Ayun Hạ trong việc cung cấp cá giống lẫn cá thịt, Thắng vẫn chưa tự bằng lòng. Được sự gợi ý và động viên của chính quyền, năm 2017, Nguyễn Đức Thắng đã đứng ra thành lập Hợp tác xã cá giống Ia Peng với 22 xã viên. Dù chưa đầy năm, hợp tác xã non trẻ của anh đã cho những tín hiệu lạc quan: sản xuất 35 tấn cá giống, 3 tấn cá thịt. Lợi nhuận bình quân của xã viên đạt 120 triệu đồng/ha-gấp hơn 2 lần trồng lúa. Những con số này chưa dừng lại ở đây khi hợp tác xã đang chuẩn bị mở rộng liên kết để phát huy hết tiềm năng của một vựa cá trời cho.
Đến thời điểm này, Ia Peng có thể tự hào là xã duy nhất trên đồng đất Ayun Hạ có 2 hợp tác xã đều là mô hình làm ăn hiệu quả. Sau cá giống là hợp tác xã  rau an toàn. Nói “rau an toàn”, thực tế chủ lực của hợp tác xã này là cây rau ngót. Thoạt đầu nghe nói “mô hình”, tôi hơi coi thường: Rau ngót thì có gì xa lạ mà cứ phải “mô hình”. Thế nhưng đến tận nơi “mục sở thị” rồi nghe Giám đốc Đàm Thanh Hải kể mới thấy mình nông nổi: làm giàu trong cơ chế thị trường bây giờ đâu cứ phải những ý tưởng to tát, cao xa…
Quê ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), theo cha mẹ đi kinh tế mới lập nghiệp ở thôn Thanh Bình năm 1987, Hải cũng như bao nông dân khác chỉ biết mỗi cây lúa nước. Cái ăn thì thừa nhưng tiền thì luôn thiếu. Xoay xở lúc nông nhàn chỉ có cách trồng ít rau màu nhưng rồi rau màu ai cũng trồng, chẳng biết bán cho ai. Những lúc mang rau ế đi đổ, một câu hỏi cứ vít nặng tâm trí Hải: Làm thế nào để những nhành rau thấm bao mồ hôi, công sức của người làm không bị rẻ rúng? Rồi tự mình trả lời: Phải có thị trường. Nhưng thị trường tất nhiên là không thể trên trời rơi xuống. Phải đi tìm…
Ý đã quyết, Hải bắt đầu một cuộc khảo sát từ Bình Định, ra Đà Nẵng, tới tận Hà Nội rồi quay vào TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Với chuyến khảo sát kéo dài cả tháng ấy, Hải nhận thấy rau ngót là thứ khả dĩ cạnh tranh được nhất. Rau ngót trồng ở Ia Peng do đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng, lá dày, giòn, sắc xanh đậm và ngọt; sức đề kháng sâu bệnh tốt nên không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Rõ là vậy nhưng vấn đề là làm thế nào để người tiêu dùng nhận thấy và tin? Để trả lời, Hải lại dấn thân vào một chiến dịch tiếp thị mới. Mất 5 tấn rau trị giá 35 triệu đồng, chưa kể tiền vận chuyển, nơi hờ hững, nơi hắt hủi, cuối cùng thì người dùng lẫn các chủ vựa cũng nhận ra. Thành công từ  nhọc nhằn gian khổ của riêng mình nhưng Hải vẫn sẵn sàng chia sẻ. Anh đứng ra thành lập hợp tác xã. Từ 29 xã viên ban đầu, nay đã có 40 xã viên. Cây rau ngót bình dị của Đàm Thanh Hải giờ đã có mặt trên quầy rau của hàng chục tỉnh, thành phố từ Bắc chí Nam. Mỗi ngày, hợp tác xã xuất đi hàng chục tấn rau ngót, riêng TP. Hồ Chí Minh đã tiêu thụ 7 tấn/ngày. Lợi nhuận của hợp tác xã mỗi năm đạt trên 10 tỷ đồng; xã viên đạt 200-300 triệu đồng/ha. Ia Peng trở thành vùng chuyên canh rau ngót lớn nhất cả nước…
*
*    *
Ngồi bên chân dòng kênh tuôn nước ào ạt qua cánh đồng  chấp chới sắc vàng của một vụ gặt đang sắp sửa, trong cảm xúc không đầu không cuối, tôi nhớ lại cái cảm giác hoang hoải khi lần đầu đặt chân đến Ayun Hạ: Một sắc vàng thảo dã miên man giữa loi thoi dăm căn nhà sàn xiêu vẹo, run rẩy sau những làn khói đốt đồng. “Cách sinh nhai thì đào đất trồng cấy, không có cày bừa…”. Dòng chép về Vua Lửa trong Sử quán triều Nguyễn đã quá trăm năm đến thời điểm ấy, đồng đất này gần như vẫn còn nguyên. Ayun Hạ đã tạo nên một cuộc cách mạng chuyển lay tận gốc rễ những gì cũ kỹ, trìu kéo con người; tiếp cho nền văn minh nương rẫy những nấc thang mới của văn minh lúa nước. Không chỉ với hiện tại, dù bao nhiêu sự tiếp biến trên đồng đất này thì dòng nước Ayun Hạ vẫn là bệ phóng…
Chợt nhớ cái buổi chiều ngồi uống rượu với Đinh Nhiêu-người đã cược tính mạng mình để đưa Yang Hri xuống đồng. Ghè rượu thơm nồng hương gạo mới, cá chép đánh dưới ao nhà vàng rụm từng thớ vảy. “Uống phép” một ngụm, ông chuyển cần cho tôi sau tiếng “khà” sảng khoái: “Các anh thấy đấy, cuộc sống bây giờ sướng quá. Muốn cơm có cơm, muốn cá có cá, cần gì phải mơ tưởng nơi đâu!”. Trong bao nhiêu là lời ngợi ca hoa mỹ to tát về Ayun Hạ, đấy mới là lời ca đích thực nhất tôi được nghe.
Gió đồng Ayun Hạ vẫn miên man thổi vào khứu giác tôi cái hương mùa mới dậy. Tưởng như ché rượu cần tôi uống còn phảng phất đâu đây mùi thơm của hạt gạo đầu mùa...                                    
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.