Trên bến sông xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) kể rằng: Xưa kia, cư dân Jrai vùng hạ lưu sông Ba thường mời các Vua Lửa (Pơtao Apui) ở thung lũng Ayun Hạ đến làm lễ cầu mưa. Hình ảnh các Vua Lửa cùng không khí hội hè trong nghi lễ nông nghiệp quan trọng bậc nhất của người Jrai vẫn còn in đậm trong trí nhớ của vị già làng đã đi qua 85 mùa rẫy này. 
Già làng Bhung dẫn chúng tôi ra bến nước sông Ba đoạn qua xã Ia Rmok, nơi từng in dấu chân các Vua Lửa. Con đường dẫn ra bến nước ngang qua rẫy thuốc lá xanh tốt. Gần bến nước có cây gạo cổ thụ tỏa bóng mát rượi. Một phần bộ rễ khổng lồ nhẵn nhụi của cây gạo lộ thiên trên mặt đất, dấu vết bao thế hệ người Jrai từng ngồi nghỉ chân.
Chiều xuống, mặt trời như trái cam khuất dần sau dãy núi. Đám trẻ con theo chân già làng ùa đến gốc cây gạo ngồi xuống bộ rễ nô đùa. Tuy vậy, già làng Rơ Ô Bhung khá e dè khi lại gần cổ thụ. Ông nói cây gạo là nơi trú ngụ của các vị thần. Xưa kia, trước khi các Vua Lửa hành lễ, họ thường đứng dưới gốc cây để xin phép thần linh. Người Jrai ở xã Ia Rmok thường mời Vua Lửa về làm lễ cầu mưa vào đầu mùa trồng trỉa hàng năm. Nhưng kể từ khoảng năm 1968, lễ cầu mưa không còn được tổ chức thêm lần nào nữa, đánh dấu sự đứt gãy của một trong những nghi lễ độc đáo, quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp vùng hạ lưu sông Ba.
Già làng Rơ Ô Bhung được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú đợt 1-năm 2015. Ảnh: Hoàng Ngọc
Già làng Rơ Ô Bhung được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt 1-năm 2015. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng không khí hội hè của lễ cầu mưa vẫn khắc sâu trong ký ức vị già làng. Đó là nghi lễ được chuẩn bị kỹ càng và tổ chức linh đình nhất của cư dân Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba mà ông từng chứng kiến. Già làng Bhung kể: “Lễ thường được tổ chức vào tháng 4 hàng năm khi bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa. Trước khi làm lễ, người dân các buôn họp bàn mấy đêm mới đi tới thống nhất. Mỗi buôn cử 1 già làng lên thung lũng Ayun Hạ mời Vua Lửa. Các già làng thường cưỡi ngựa đi từ sáng sớm, sau đó quay trở về để báo cáo kết quả”.
Không khí chờ đón Vua Lửa được già làng Bhung mô tả đầy háo hức: “Theo nghi thức cổ truyền, Vua Lửa không bao giờ cưỡi ngựa hay cưỡi voi mà buộc phải đi bộ trong tư thế hai tay giữ nghiêm nên rất mất thời gian. Từ thung lũng Ayun Hạ xuống tới Krông Pa thường mất mấy ngày. Vua Lửa đi tới đâu lập tức có tin báo tới đó. Người dân ai cũng háo hức, nhà nào cũng mong được đón và nấu cho Vua Lửa ăn. Nhà nào có được may mắn đó, họ sẽ kể miết”.
Bến nước Ia Rmok từng in đậm dấu chân các Vua Lửa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bến nước Ia Rmok từng in đậm dấu chân các Vua Lửa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Già làng Bhung cho hay, xưa kia, nơi đây từng có một bến nước cách gốc gạo cổ thụ không xa. Đó cũng là nơi Vua Lửa làm nghi lễ hô mưa gọi gió. “Vào ngày diễn ra nghi lễ, ai cũng mặc trang phục truyền thống chỉnh tề. Sau khi Vua Lửa làm các nghi thức cầu mưa, cầu thần linh ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, sức khỏe, bình an, đội cồng chiêng rước Vua Lửa về nhà già làng. Bộ chiêng dùng để rước Vua Lửa phải là chiêng sar 7 chiếc, là bộ chiêng quý của người Jrai. Có lần mình tham gia đội cồng chiêng đón rước. Người đánh trống, người đánh chiêng dàn đội hình đi trước, Vua Lửa đi giữa, còn người dân lũ lượt theo sau múa hát từ bờ sông về tới nhà già làng Kpă Klok (Ơi Pri). Dân các buôn thì mang rượu tới nhà già làng chung vui. Tại đây, mọi người ăn uống vui vẻ suốt 3 ngày đêm sau đó mới làm lễ tiễn biệt Vua Lửa”-già làng Bhung nhớ lại.
Ngày nay, người Jrai ở Krông Pa vẫn tổ chức cầu mưa nhưng chỉ trong phạm vi gia đình, trước khi xuống giống vụ mới. Tâm nguyện của già làng Bhung là phục dựng nguyên bản lễ cầu mưa và duy trì trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng, góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống đã gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp suốt chiều dài lịch sử.
Già làng Bhung được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trên lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian trong đợt xét tặng năm 2015. Ông cho biết, bây giờ không còn các Pơtao Apui có quyền năng hô mưa gọi gió, nhưng với vốn tri thức dân gian đang nắm giữ, ông có thể tái hiện lại nguyên bản các nghi lễ truyền thống, góp tiếng nói trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.