Những bức ảnh quý về Vua Lửa Siu Luynh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những bức ảnh về Vua Lửa thứ 14 Siu Luynh của nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc và Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong có nhiều giá trị về nghệ thuật và tư liệu. Có thể nói, đây là những bức ảnh đẹp nhất chứa đựng nhiều thông tin bổ ích về chân dung, hoạt động của một vị Vua Lửa lúc sinh thời. Cùng với hiện vật, những bức ảnh giúp tái hiện bức tranh buôn làng dân tộc Jrai xưa với những nhân vật đầy sắc màu cổ tích, huyền thoại.
Siu Luynh là Vua Lửa cuối cùng, “đóng đô” ở làng Plei Ơi (nay thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện).
So với các vị Vua Lửa tiền nhiệm, ông Siu Luynh được chụp khá nhiều bức ảnh. Bởi vì, những năm 90 của thế kỷ trước, phương tiện nhiếp ảnh đã trở nên phổ biến. Máy chụp phim âm bản cho ra những bức ảnh đẹp không kém máy ảnh kỹ thuật số. Những chuyến đi điền dã của các nhà nhân học hay nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn thu thập được các tư liệu chứa đựng nhiều thông tin chân thực, sinh động về văn hóa tộc người. Trong thời gian đó, cuộc sống buôn làng chưa có nhiều biến đổi, từ kiến trúc nhà cửa, kiến trúc nhà mồ, điêu khắc gỗ đến trang phục, lễ hội cũng như việc canh tác nương rẫy, cảnh quan thiên nhiên, núi rừng. Các nhà nhân học, nhiếp ảnh lúc đó có may mắn sưu tầm, ghi lại một cách chân thực cuộc sống buôn làng in đậm sắc thái Tây Nguyên.
Chân dung Vua lửa Siu Luynh. Ảnh: Trần Phong
Chân dung Vua lửa Siu Luynh. Ảnh: Trần Phong
Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc là người thực hiện bộ ảnh đen trắng khá đầy đặn (gồm 20 bức) về Vua Lửa Siu Luynh. Bộ ảnh đăng tải trên công trình nghiên cứu: “Văn hóa, xã hội và con người Tây Nguyên” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2005). Bộ ảnh mang đậm chất tư liệu dân tộc học với nhiều thông tin thú vị về “hành trạng” của Vua Lửa lúc sinh thời. Với chú thích ảnh theo lối “mô tả dân tộc học”, những bức ảnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc là câu chuyện dài bằng ảnh về Vua Lửa Siu Luynh. Người thứ hai chụp nhiều bức ảnh về Vua Lửa Siu Luynh là NSNA Trần Phong. Anh là một trong số các nghệ sĩ sớm gắn bó với buôn làng Jrai, Bahnar và thực hiện nhiều bộ ảnh, bức ảnh có giá trị nghệ thuật và tư liệu.
Cách đây gần 35 năm, NSNA Trần Phong theo chân những người làm công tác văn hóa về Plei Ơi và vùng văn hóa phía Đông Nam tỉnh Gia Lai để chụp ảnh. Trong bộ ảnh có Vua Lửa Siu Luynh, cụ Siu Banh (đã mất), ông Nay Quách-nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum (đã mất), Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc (đã mất)... Theo NSNA Trần Phong, cụ Siu Banh ở buôn Broăi (xã Ia Tul, Ayun Pa; nay là xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) là người thường hay thay mặt Pơtao Apui thực hiện các nghi lễ cầu mưa. Bộ ảnh của NSNA Trần Phong khắc họa được nhiều chi tiết độc đáo về Vua Lửa Siu Luynh. Bức ảnh chân dung Siu Luynh với phong thái của một “vị vua” mang hồn cốt của già làng Tây Nguyên, miệng ngậm ống điếu, khoác chiếc áo truyền thống, đầu chít khăn thổ cẩm. Ảnh Vua Lửa ngồi xếp bằng, đang tiến hành nghi lễ cúng sức khỏe, mắt nhắm khấn cầu thần linh, tay bê một bát nước thiêng đặt trên miệng ché rượu cúng. Bên cạnh là già Siu Banh, người được Vua Lửa đích thân cúng bái để chúc phúc, cầu may, mong cho sức khỏe dồi dào. Bức ảnh tư liệu khác là Vua Lửa nâng ly cùng với các vị đang tham dự buổi lễ. Một bức ảnh tư liệu ghi lại ngôi nhà sàn đơn sơ của Vua Lửa Siu Luynh, mái lợp tôn đã bị rỉ sét, vách che bằng tre nứa, cầu thang bắc lên sàn nhà là một cây gỗ nhỏ. Ngôi nhà của Vua Lửa cuối cùng là một phần trong Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Plei Ơi. Nhìn qua ảnh ta thấy nơi ở của Vua cũng bình thường như mọi người trong buôn làng, không có gì sang trọng hơn.
Vua Lửa Siu Luynh (bên phải) làm lễ mừng thọ cho già làng Siu Banh. Ảnh: Trần Phong
Vua Lửa Siu Luynh (bên phải) làm lễ mừng thọ cho già làng Siu Banh. Ảnh: Trần Phong
Vua Lửa (Pơtao Apui) là một hiện tượng đặc trưng của cộng đồng dân tộc Jrai trên vùng đất Tây Nguyên. Vua Lửa là “lãnh tụ tinh thần”, thực hành các nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian. Càng lùi về quá khứ, câu chuyện về Vua Lửa càng nhuốm màu huyền thoại. Đó cũng là yếu tố làm nên bí ẩn và hấp dẫn của văn hóa Tây Nguyên.
TẤN VỊNH
 

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.