Trao đời sống mới cho sách cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ai đã biết các hiệu sách cũ trước đây sẽ cảm thấy có phần lạ lẫm khi bước vào Gia Lai Tâm Như (20 Phạm Ngọc Thạch, phường Đống Đa, TP. Pleiku) khi sách được trao đời sống mới.

Không phải là sách xưa nhuốm màu thời gian, phần lớn sách tại đây đã qua sử dụng nhưng còn khá mới và luôn có những chủ đề cần thiết dành cho người muốn kiếm tìm.

Khách hàng chọn mua sách tại cửa hiệu sách cũ Gia Lai Tâm Như. Ảnh: L.N

Khách hàng chọn mua sách tại cửa hiệu sách cũ Gia Lai Tâm Như. Ảnh: L.N

Theo tìm hiểu của P.V, Gia Lai Tâm Như là hiệu sách cũ duy nhất còn duy trì hoạt động tại Pleiku hiện nay. Chị Phạm Thị Phương Thanh-Chủ hiệu sách cũ-cho hay, chị mở tiệm này bắt nguồn từ việc mê đọc. Đợt dịch Covid-19, nhờ ở nhà có 2 kệ sách với khoảng 1.000 cuốn mà chị không cảm thấy bức bối trong thời gian giãn cách. Đọc hết số tác phẩm này, chị mua thêm những cuốn sách “cũ người, mới ta” và bán đi số sách trên kệ, dần dà manh nha ý tưởng mở một hiệu sách cũ.

Không lạ bởi chị Thanh thuộc thế hệ 8X, thời niên thiếu từng thích thú đi lùng mua sách xưa hay thuê truyện, tiểu thuyết về đọc. Việc mở hiệu sách cũ giúp chị thỏa niềm say mê vì lúc nào cũng có sách mới để bầu bạn, đồng thời giúp những người mê sách có thể sở hữu tác phẩm yêu thích với mức giá rất mềm.

Chị Thanh cho biết, trong 3 năm qua, sách cũ được đổi mới liên tục nhờ nguồn sách thu mua từ các tiệm sách cũ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả từ những người mê sách tại Gia Lai. Hiện tại, phòng khách của gia đình được chị tận dụng để trưng bày sách, trông như một thư viện thu nhỏ với khoảng 5.000 cuốn. Sách được sắp xếp, bày biện với đủ thể loại, từ sách kinh doanh, sách văn học, truyện thiếu nhi, trinh thám đến sách tâm lý và kỹ năng sống, nuôi dạy con, tôn giáo, nông nghiệp… Trong số đó có nhiều cuốn mới cứng nhưng giá chỉ bằng khoảng 50%, thậm chí 20% giá bìa.

Đơn cử như một số tác phẩm “Tôi là Bê Tô”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Chú bé rắc rối” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có giá từ 30.000 đồng đến 55.000 đồng/cuốn. Một số tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng như “Cánh buồm đỏ thắm” giá 19.000 đồng, “Tiếng gọi của hoang dã” 35.000 đồng, “Cuộc đời của Pi” 49.000 đồng… Những ai mê các bộ truyện tranh như Doraemon, Conan, One Piece, Bảy viên ngọc rồng… cũng có thể thỏa thú giải trí bằng cách thuê về đọc dần.

Dù thời đại số đã làm thay đổi nhiều cách tiếp nhận nhưng vẫn có một lượng lớn độc giả mê đọc sách theo lối truyền thống. Lặng lẽ dạo giữa các kệ sách, chị Nguyễn Thị Kim Oanh-Giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Ia Grai) chọn được một số tập truyện tranh thiếu nhi cho con và vài cuốn sách chuyên môn cho mình. Chị chia sẻ: “Sách ở đây còn khá mới, đa dạng về thể loại, đáp ứng nhu cầu của người mê đọc nhưng vẫn giúp tiết kiệm chi phí. Theo tôi, đây là một địa chỉ rất hữu ích”.

Chị Phạm Thị Phương Thanh trong một chuyến thăm, tặng quà học sinh vùng khó năm 2023. (ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Phạm Thị Phương Thanh trong một chuyến thăm, tặng quà học sinh vùng khó năm 2023. (ảnh nhân vật cung cấp)

Không chỉ duy trì cửa hiệu với thời gian mở cửa từ 9 giờ đến 19 giờ 30 phút tất cả các ngày trong tuần (kể cả các ngày lễ, Tết), chị Thanh còn dành thời gian quản lý trang web tại địa chỉ sachcugialai.com và Fanpage “Sách cũ Gia Lai Tâm Như” nhằm đáp ứng nhu cầu mua sách online. Khách hàng có thể vào truy cập danh mục sản phẩm để tìm kiếm cuốn sách cần mua; theo dõi các tin bài liên quan đến sách, giới thiệu sách, sự kiện xuất bản…

Tài khoản Trương Diệp Diệu Thy đánh giá: “Page bán sách rất nhiệt tình, giá cả phải chăng, nhiều loại sách… Ủng hộ shop dài dài ạ!”. Tài khoản Phạm Thị Thu Hiền cũng nhận xét: “Sách mới và chị chủ rất dễ thương, chị sẵn sàng tư vấn và chia sẻ điều hay mà chị đã áp dụng thành công từ sách”. Điều khiến độc giả hài lòng hơn thế chính là chủ tiệm đã gạn lọc số “sách giả” ở đầu vào, đảm bảo cung cấp đến khách hàng sản phẩm chất lượng.

Chị Thanh cũng chia sẻ, bên cạnh mua bán và trao đổi sách, cửa hiệu còn khá thành công trong việc tạo dựng “không gian văn hóa” thông qua việc cung cấp dịch vụ sắp xếp, bố trí sách quán cà phê, thư viện trường học, thư viện lớp, thư viện nhà văn hóa cộng đồng với kinh phí và dự toán theo yêu cầu.

Tuy thu nhập từ sách cũ không cao, cũng không ổn định song đáng quý là 2 năm trở lại đây, chị Thanh thường mang truyện, sách cũ đi tặng lại cho học sinh nghèo ở những địa phương khó khăn. Mỗi nơi chị đến, ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ khi đón nhận từng cuốn truyện đẹp mắt, hấp dẫn khiến chị hiểu rằng mình cần cho đi nhiều hơn nữa. Bị thuyết phục bởi hoạt động ý nghĩa, bạn bè chị gom góp thêm vở, quần áo, giày dép, bánh kẹo… gửi tặng kèm.

“Nếu bạn cần trao đổi sách giáo khoa cũ thì hãy gửi lại sách giáo khoa của bé và đổi lấy bộ khác cho con học. Hoặc cần bán lại bộ sách cũ của con em mình, hãy liên hệ với chúng tôi”-chị Thanh nói. Để rồi, số sách giáo khoa đã thu gom sẽ được trao tận tay học trò nghèo như món quà thương yêu đến từ một người thiện tâm hiểu rõ giá trị của tri thức.

Có thể bạn quan tâm

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...