Làm “sống lại” những trang sách cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến với nghề đóng sách như một cái duyên, chàng thanh niên trẻ Trần Trung Hiếu, 25 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết tâm theo đuổi đam mê của bản thân dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau gần 5 năm, anh đã tự tay làm và phục chế hơn 200 quyển sách đồng thời hợp tác với nhiều nhà sách trong các dự án đặc biệt.
Cuốn sách như được hồi sinh dưới đôi bàn tay tài hoa của chàng trai trẻ.

Cuốn sách như được hồi sinh dưới đôi bàn tay tài hoa của chàng trai trẻ.

“Phải lòng” nghề đóng sách

Nằm sâu trong một con ngõ của cụm làng nghề Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội, căn xưởng nhỏ của Trần Trung Hiếu vẫn luôn sáng đèn. Đây cũng là nơi đã thắp lên và nuôi dưỡng niềm đam mê với công việc phục hồi sách cổ của anh trong suốt 5 năm qua.

Có thể nói, cả tuổi thơ của Hiếu gắn liền với các chương trình khoa học, tài liệu về thiên nhiên, động vật và con người. Anh luôn tò mò về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của các loại máy móc. Niềm đam mê hội họa của anh cũng đã được bộc lộ ngay từ nhỏ. Khi còn đang là một cậu học sinh cấp 2, anh đã cùng với bạn sáng tác và vẽ một loạt các bộ truyện với ý tưởng của riêng mình. Đây cũng là lý do khiến anh quyết định thi vào khoa Nội thất của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên, do chưa có sự tìm hiểu và định hướng cụ thể về ngành nghề mình đang theo đuổi, Trung Hiếu dần cảm thấy chán nản và việc học bắt đầu sa sút. Chia sẻ về quãng thời gian này, Trung Hiếu tâm sự: “Thời gian học đại học diễn ra vô cùng tệ với mình. Sức khỏe tâm lý từ từ rơi xuống vũng lầy. Đây thật sự không phải là chốn dành cho mình”.

Giữa lúc tuyệt vọng ấy, anh đã được một người bạn giới thiệu đến công việc làm sổ tay để tiết kiệm chi phí. Bằng những video hướng dẫn trên YouTube, anh đã dần tìm thấy niềm đam mê thật sự của bản thân và hoàn thành được những cuốn sổ tay đầu tiên. Từ đây anh cũng bắt đầu tìm hiểu nghề đóng sách thông qua kênh Bookbinder’s Chronicle. Càng đi sâu vào nghiên cứu, anh lại càng say mê với cách mà các nghệ nhân Pháp tạo ra một cuốn sách. Các bài học mà Trung Hiếu đã tìm thấy trên YouTube và website như mở ra cho anh cả một chân trời mới phía trước. Có thể nói, nghề đóng sách chính là “sợi dây vô hình” giúp Trung Hiếu vực dậy sau quãng thời gian theo đuổi ngành học mà mình thật sự không yêu thích.

“Trong một lần tìm kiếm các kiến thức cho ngành nghề, mình đã vô tình thấy được một video rất cũ trên YouTube. Đó là một phóng sự về xưởng đóng sách của John Newman & Son. tại Dublin, Ireland. Tại đây mình thấy được cách một xưởng đóng sách chuyên nghiệp hoạt động ra sao, các dụng cụ mình chưa từng biết, thuật ngữ mình chưa nghe bao giờ, tất cả đều thật mới lạ, thật đẹp mắt.

Nhưng có một khung cảnh khiến mình ấn tượng hơn cả là lúc bác Dessie Smith mạ các cạnh giấy của cuốn sách với vàng thật. Cắt cạnh, bôi dung dịch mạ, rồi cắt và đặt các tấm vàng lên trên bề mặt cạnh sách rồi đánh bóng nhẹ với viên đá mã não. Tất cả những công đoạn trên bác làm thật trôi chảy. Nhìn ánh mắt của bác tập trung, sáng lên bởi ánh vàng lấp lánh khiến cho mình phải thốt lên: Đây chính là nghề mà mình muốn theo đuổi!”, Trung Hiếu chia sẻ.

Trần Trung Hiếu bên các dụng cụ đóng sách. Ảnh: nhân vật cung cấp

Trần Trung Hiếu bên các dụng cụ đóng sách. Ảnh: nhân vật cung cấp

Tiếp tục hay từ bỏ?

Hành trình sống và theo đuổi đam mê của bản thân với Trung Hiếu chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi lẽ, đây không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở Việt Nam mà là của các nước châu Âu và Trung Đông. Sau chiến tranh, những người thợ Pháp rời đi, người Việt vẫn có thể đóng sách, nhưng tiêu chuẩn ngày một thấp dần, và hầu như không ai có khả năng đóng một cuốn sách chuẩn theo kiểu Pháp. Đó cũng chính là thiệt thòi lớn nhất của anh khi không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để truyền dạy những kiến thức về nghề. Tuy nhiên, may mắn là Trung Hiếu có vốn tiếng Anh khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài.

Bên cạnh những khó khăn về quá trình tìm kiếm tư liệu, việc tìm mua các dụng cụ và đối mặt với sự phản đối của gia đình cũng là áp lực lớn đối với Trung Hiếu. Khi mới bắt đầu theo nghề, Trung Hiếu mới chỉ là một cậu sinh viên năm thứ hai, khá nhút nhát, rụt rè và không đủ kinh tế để theo đuổi đam mê. Trung Hiếu chia sẻ, anh đã phải chắt chiu số tiền sinh hoạt ít ỏi được mẹ cho hằng tuần cùng với tiền bán sổ tay để có chi phí mua dụng cụ. Những ngày đầu đến với nghề đóng sách là quãng thời gian dài anh lân la ở khắp các tiệm sách, tiệm da thuộc quanh Hà Nội để tìm kiếm nguyên liệu. Thậm chí, đã đôi ba lần Trung Hiếu bị lừa tiền khi tìm mua dụng cụ. “Để mà nói là mình mất gì khi theo đuổi nghề này thì chắc chỉ mất tiền, rất nhiều tiền để mua dụng cụ thôi. Có bao tiền thì mình sắm dụng cụ hết bấy nhiêu. Mua dụng cụ, săn những món đồ cổ và cũ cũng là một thú vui của nghề nên mình cũng hài lòng, có đồ thì mình lại càng cải thiện chất lượng sản phẩm thôi”, Trung Hiếu vui vẻ chia sẻ.

Luôn giữ tinh thần lạc quan, quyết tâm sống với đam mê và không ngừng học hỏi chính là kim chỉ nam giúp Trung Hiếu giữ vững được tình yêu với nghề đóng sách. Từ những cuốn sổ tay ban đầu, Trung Hiếu dần được khách hàng tìm đến và tin tưởng giao cho anh những cuốn sách quý để anh “hồi sinh” chúng. Hiện tại anh đang là chủ của một xưởng đóng sách và tham gia vào nhiều dự án phục hồi sách cổ của nhiều nhà sách lớn. Chia sẻ về thành quả này, Trung Hiếu bộc bạch: “Với mỗi một lần mình làm, là thêm một lần mình hiểu rõ hơn về các cách thức, từ ngữ chuyên ngành, cũng như nể phục tài năng của các nghệ nhân quốc tế. Dần dà mình lấn sâu đến mức đam mê này lớn hơn cả việc vẽ vời, không thể dứt chân ra được”.

“Chữa bệnh” cho sách

Theo Trung Hiếu, cần phải trải qua năm công đoạn để có thể hoàn thiện một cuốn sách bao gồm: đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí. Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng và đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao từ người thợ. So với việc tạo ra một cuốn sách mới thì việc “chữa bệnh” cho một cuốn sách cổ thường khó hơn rất nhiều. Bởi lẽ, hầu hết những quyển sách được mang đến có tuổi đời cao, chúng không chỉ mang giá trị về mặt vật chất mà còn chứa đựng câu chuyện lịch sử và có ý nghĩa đặc biệt đối với chủ nhân của chúng. Vì vậy, người thợ cần phải thật sự chú tâm và dành hết tâm huyết của mình để phục chế. “Có những cuốn sách có tuổi đời 100, thậm chí 200 năm, đây có thể là một trong những cuốn sách duy nhất còn sót lại, hoặc chí ít cũng có một không hai trong lòng của chủ sở hữu chúng. Vậy nên sức nặng là rất lớn”, Trung Hiếu cho biết.

Trung bình, Trung Hiếu thường mất khoảng một tuần làm việc để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Thời gian này sẽ kéo dài hơn đối với những cuốn sách phức tạp. Nếu phía khách hàng yêu cầu trang trí và thiết kế thì phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng mới hoàn thiện xong.

Với Trung Hiếu, một cuốn sách hoàn hảo phải là một cuốn sách vừa có độ chắc chắn, bền chặt ở cấu trúc, kết cấu và phải vừa có sự uyển chuyển, sắc sảo ở từng đường nét, hoa văn. Bởi vậy, Trung Hiếu thường rất kỹ lưỡng và khắt khe trong việc lựa chọn nguyên liệu. Với những quyển sách có giá trị hoặc yêu cầu độ thẩm mỹ cao, Trung Hiếu sẽ sử dụng vàng để mạ sách, hoa văn cũng được lựa chọn và thực hiện thật chi tiết, tỉ mỉ.

Đến nay, Trung Hiếu đã có gần 5 năm gắn bó với nghề đóng sách. Hiếu sẽ mở một buổi tọa đàm cho riêng mình trong năm nay để mang những giá trị tuyệt vời của sách đến với tất cả mọi người cũng như khơi gợi niềm yêu thích của công chúng đối với nghề đóng sách. Trung Hiếu khẳng định: “Mình tin rằng chừng nào niềm đam mê với tri thức của nhân loại còn tồn tại thì sách, và nghề đóng sách sẽ vẫn đi song song. Cho dù ở thế giới số hóa như hiện tại sách đã có những hình thức mới mẻ hơn thì một cuốn sách thật cầm trên tay vẫn luôn là một điều tuyệt vời. Nghề đóng sách cũng đã chuyển sang từ một nghề mang tính “công nghiệp” thành một ngành nghệ thuật thực thụ với các nghệ sĩ trên toàn thế giới, mỗi người một vẻ. Mình tin rằng các bạn trẻ Việt Nam một ngày không xa cũng sẽ ghi dấu mình trên các đấu trường quốc tế”.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.