Trăn trở làng phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ là những người không may mắc bệnh phong, cuộc sống hầu như gói gọn trong không gian làng. Dù nỗi đau vẫn còn hiện hữu, nhưng nhiều người trong số họ đã nỗ lực tự vươn lên.

Chiều cuối năm, từng đợt gió mạnh thốc qua những căn nhà nhỏ của các hộ dân bị bệnh phong thuộc thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Không gian trầm lắng. Thảng hoặc, tôi gặp đôi ba người lớn tuổi rủ rỉ chuyện trò trước hiên nhà. Cạnh đó, vài đứa trẻ con lăng xăng chạy nhảy. Nhiều người vẫn gọi đây là làng nhưng thực chất chỉ là nơi sinh sống của 11 hộ gia đình bị bệnh phong, nằm khá biệt lập và là một cụm dân cư thuộc thôn Tây Hồ.

 Cán bộ xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) thăm hỏi, động viên những người dân bị bệnh phong ở thôn Tây Hồ. Ảnh: T.T
Cán bộ xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) thăm hỏi, động viên những người dân bị bệnh phong ở thôn Tây Hồ. Ảnh: T.T


Dẫn tôi đến thăm một số gia đình trong làng, ông Đỗ Đức Học-Trưởng thôn Tây Hồ-cho biết: Những người bị bệnh phong quần tụ sinh sống ở đây đã lâu. Ngày trước, bà con thường chọn nơi cư trú bên sườn đồi, cuối suối, như là một cách tránh sự kỳ thị của xã hội. Sau ngày đất nước thống nhất, dân làng phong mới chuyển về vùng đất mới bằng phẳng hơn và ít xa xôi cách trở. Làng hiện có 11 hộ với 35 khẩu.

Trong ngôi nhà nhỏ được các Mạnh Thường Quân xây tặng từ năm 2010, bà HBloan đưa mắt nhìn ra xa, đôi mắt đượm buồn. Bà chia sẻ: “Trong làng chỉ còn 16 người bị di chứng do bệnh để lại, chân tay tàn tật. Còn bọn trẻ sau này khi sinh ra được Nhà nước hỗ trợ thuốc phòng bệnh nên khỏe mạnh. Đây không chỉ là niềm vui của mỗi gia đình mà là niềm vui chung của cả cộng đồng. Chúng vẫn đến trường đi học bình thường, nhưng chỉ học hết THCS rồi nghỉ để làm rẫy phụ giúp gia đình”.  Theo bà HBloan, cuộc sống của phần lớn những người lớn tuổi như bà chủ yếu chỉ quẩn quanh trong làng, rất ít khi đi ra ngoài, một phần bị bệnh tật, một phần sợ mọi người kỳ thị.

 


Bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm luôn quan tâm, giúp đỡ 11 hộ gia đình trong làng. Nhưng điều chúng tôi trăn trở là làm sao để động viên con em họ, những người không bị bệnh vượt lên chính mình. Chúng tôi cũng trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng nhận con em những người bị bệnh phong vào làm việc”.

Cách nhà bà HBloan không xa là nhà ông Siu Hing. Ông Hing bị mất 1 chân, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đó không phải là điều ông lo lắng nhất. “Mình buồn vì bệnh tật thì ít mà buồn lo cho con cháu nhiều. Những thanh niên trong làng không bị bệnh, nhưng chúng vẫn tự ti, không chịu ra ngoài tìm việc. Cả làng chỉ có mấy đứa đi làm thuê cho người khác. Số còn lại cứ quanh quẩn trong làng rồi lại lấy vợ, lấy chồng, sinh con nên cuộc sống khó khăn hơn”-ông Hing bày tỏ.

Rời thôn Tây Hồ, chúng tôi lên xe đến làng Tang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Đường về làng nay được trải nhựa, nhiều thanh niên trong làng làm công nhân cho Công ty 74. Trò chuyện với chúng tôi, già làng Kpuil Hin cho biết: “Làng có 38 hộ/135 khẩu, trong đó có 19 người bị di chứng của bệnh phong nên không có khả năng lao động. Trong làng hiện có 9 người làm công nhân cho các công ty cao su. Nhờ làm công nhân mà cuộc sống của họ đã khấm khá lên, con em được học hành đầy đủ”. Còn ông Ksor En thì cho hay: “Làng mình nay đổi thay nhiều rồi. Nhờ sự giúp đỡ của bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và Công ty 74 nên cuộc sống đã khấm khá”.

Chúng tôi tìm gặp anh Rơ Mah Ping-người đầu tiên của làng chủ động xin vào làm công nhân cạo mủ cao su. “Bố mẹ mình bị bệnh phong, nhưng mình và con cái không bị bệnh. 4 năm trước, được sự động viên của cán bộ Đội sản xuất 19 (Công ty 74), mình đã mạnh dạn xin làm thợ cạo mủ cao su. Khi làm công nhân, mình mới hiểu mọi người ai cũng đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ, không ai coi thường mình. Có chăng thì bản thân tự ti, không tin tưởng ở chính mình mà thôi”-anh Ping tâm sự.

Nghe anh Ping chia sẻ, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của chị Siu Pheng ở thôn Tây Hồ. Lấy chồng lúc 18 tuổi, vợ chồng có 1 đứa con nên cuộc sống trở nên vất vả hơn. Không cam chịu số phận, chị đã đi tìm việc để có thu nhập. Chị nói: “Nếu cứ ở nhà quanh quẩn, làm vườn và chờ nhà hảo tâm đến giúp đỡ thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Vậy nên, mình bàn với chồng phải tìm việc, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền để nuôi con. Trong quá trình đi làm việc, mọi người ở làng khác cũng không coi thường mà ngược lại, họ luôn giúp đỡ”.

 

 THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Cha mẹ hãy thực sự là người thầy đầu tiên của con, dạy cho trẻ những thói quen tốt. Ảnh: MINH HUỆ

Nền tảng của giáo dục gia đình

(GLO)- Người xưa có câu “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn”, ngụ ý thể hiện tầm quan trọng của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Có lẽ, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, gia đình là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành tính cách và nhân cách của một con người.

Gia Lai: Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B từ ngày 17 đến 30-4

Gia Lai: Triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B từ ngày 17 đến 30-4

(GLO)- Ngày 26-3, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ kết hợp trao trả hồ sơ cán bộ đi B nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) với chủ đề “50 năm độc lập, thống nhất đất nước: Trỗi dậy miền đất Bazan”.

Y-bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh động viên chị Siu Bếp (bìa trái, làng O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) cố gắng cho con nằm viện điều trị. Ảnh: N.N

Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

(GLO)- Chứng kiến những bệnh nhân nghèo, khó khăn không có tiền điều trị, đội ngũ y-bác sĩ tại các bệnh viện trong tỉnh Gia Lai đã không ngần ngại đứng ra giúp đỡ, trở thành điểm tựa cho bệnh nhân an tâm điều trị.

Xã anh hùng vươn mình phát triển

Xã anh hùng vươn mình phát triển

(GLO)- Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về thăm lại xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Vùng đất anh hùng năm xưa giờ đây đã “thay da đổi thịt” với những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, điện-đường-trường-trạm kiên cố, đời sống người dân khởi sắc từng ngày.