Theo đó, các công ty dược phẩm có 30 ngày để điều chỉnh giá và Chính phủ sẽ có hành động tiếp theo để giảm giá nếu những công ty này không đạt được trong thực hiện mục tiêu đề ra.
Tại một cuộc họp báo, ông Trump tuyên bố chính phủ sẽ áp thuế nếu giá thuốc tại Mỹ không ngang bằng với các quốc gia khác, đồng thời ông hướng đến mức cắt giảm từ 59-90%. Mỹ hiện là quốc gia có mức giá thuốc kê đơn cao nhất thế giới, thường cao gần gấp 3 lần so với các quốc gia phát triển khác.
Nếu các công ty dược không đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, chính quyền sẽ ban hành quy định để đưa giá thuốc về mức quốc tế và xem xét một loạt biện pháp khác, bao gồm nhập khẩu thuốc từ các quốc gia phát triển và áp hạn chế xuất khẩu.
Sắc lệnh cũng yêu cầu Chính phủ xem xét triển khai các chương trình bán thuốc trực tiếp đến tay người tiêu dùng với giá tương đương các quốc gia khác.

Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức bị phản đối dữ dội từ ngành công nghiệp dược phẩm. Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ (PhRMA) cho rằng: Việc áp dụng giá ngoại nhập sẽ làm giảm hàng tỉ USD từ ngân sách chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare mà không đảm bảo cải thiện khả năng tiếp cận thuốc.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PhRMA-ông Stephen J. Ubl, cho biết: Chính sách này có thể làm suy yếu đầu tư nghiên cứu và phát triển trong nước, đồng thời khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump quyết tâm hạ giá thuốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng cố gắng điều chỉnh mức giá này nhưng bị tòa án ngăn chặn.
Trước đó, vào tháng 4, Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh hành pháp trao thêm quyền cho các bang trong việc nhập khẩu thuốc giá rẻ từ nước ngoài và thúc đẩy cải thiện cơ chế đàm phán giá nhằm giải quyết tình trạng giá thuốc cao tại thị trường nội địa.