Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024)

Tổng Bí thư Trần Phú: Những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú là sự nghiệp cách mạng cao cả. Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, biểu hiện rõ nhất ở lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc...

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trần Phú-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tình thương yêu đồng chí, đồng bào; kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú đã truyền thêm sức mạnh cho đồng chí, đồng bào vững bước vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành được những thành quả như ngày hôm nay.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán: xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời tại Phú Yên, ông về Quảng Trị ở với anh, chị ruột và năm 1914 được một người họ hàng giúp đỡ cho ra Huế ăn học. Mùa hè năm 1922, ông đỗ đầu kỳ thi thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, sau đó đi dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Năm 1925, đồng chí Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước và cách mạng. Sau đó, Hội đổi tên thành Hội Hưng Nam, rồi Việt Nam Cách mạng Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng. Tháng 1-1930, những người phái tả trong Tân Việt Cách mạng Đảng đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Ngày 11-11-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm đi tìm đường cứu nước đã từ Liên Xô trở về Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm xúc tiến việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức đầu tiên ở Việt Nam có xu hướng xã hội chủ nghĩa. Cuối tháng 7-1926, đồng chí Trần Phú gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tại đây, đồng chí Trần Phú được dự lớp huấn luyện chính trị khóa II gồm 15 học viên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy về con đường cách mạng Việt Nam. Sau khi được kết nạp vào Thanh niên và Cộng sản Đoàn ở Quảng Châu, đồng chí Trần Phú được cử về Trung Kỳ hoạt động. Tháng 12-1926, do bị mật thám Pháp vây ráp nên đồng chí đã quay trở lại Quảng Châu rồi được cử sang Trường Đại học Phương Đông Liên Xô đào tạo trở thành cán bộ lãnh đạo cách mạng sau này. Đồng chí Trần Phú học tại đây từ tháng 1-1927 đến tháng 11-1929 và được nghiên cứu “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”.

Đoàn viên, thanh niên tham quan nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Chương

Đoàn viên, thanh niên tham quan nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Chương

Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú về Hải Phòng và bắt đầu đi khảo sát thực tế tại một số địa phương để nắm tình hình, chủ yếu là nắm phong trào công nhân và nông dân. Đầu tháng 7-1930, sau khi đi khảo sát tại một số địa phương, đồng chí Trần Phú từ Hòn Gai về Hà Nội, được bổ sung vào Trung ương lâm thời; được tổ chức bố trí đến ở và làm việc tại nhà số 90 phố Thợ Nhuộm. Tại đây, đồng chí được Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam phân công viết dự thảo Luận cương chính trị. Luận cương chính trị của Đảng năm 1930 là sản phẩm của trí tuệ tập thể, trong đó, đồng chí Trần Phú là người trực tiếp soạn thảo.

Tháng 10-1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, đồng chí Trần Phú thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lâm thời trình bày “Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương” (gọi tắt là “Luận cương chính trị”), trong đó phân tích tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; những đặc điểm về tình hình Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương.

Luận cương xác định rõ nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và địa chủ; lập chính phủ công nông; tịch ký hết thảy ruộng đất của các thế lực thống trị, giao ruộng đất ấy cho trung nông, bần nông, quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông. Giai cấp công nhân phải có nhiệm vụ đoàn kết và lôi kéo giai cấp nông dân về với mình; sung công hết thảy các sản nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc; bãi bỏ các sưu thuế hiện thời, lập ra thuế lũy tiến; ngày làm công 8 giờ, sửa đổi sự sinh hoạt cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ. Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết; lập quân đội công nông; nam nữ bình quyền…

Vấn đề mấu chốt bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Đông Dương là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Luận cương đã chỉ ra rằng, cách mạng muốn giành được thắng lợi thì bên cạnh đường lối đúng, cần phải có phương pháp cách mạng đúng. Về vấn đề khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền về tay Nhân dân, luận cương nhấn mạnh, phải nâng nó lên thành một khoa học và nghệ thuật, đúng với “khuôn phép nhà binh” và phải có thời cơ, điều kiện. Luận cương còn chỉ rõ cách mạng Đông Dương muốn giành thắng lợi phải chịu sự liên hệ mật thiết với cách mạng thế giới và cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa. Cũng tại hội nghị này, Đảng Cộng sản Việt Nam được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Luận cương được Hội nghị Trung ương (tháng 10-1930) thảo luận sôi nổi và nhất trí thông qua.

Đánh giá về Luận cương chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bản Cương lĩnh (tức Luận cương) cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác, thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta-Đảng của giai cấp công nhân, không ngừng được củng cố và tăng cường” .

Cũng tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, đồng chí Trần Phú rời Hương Cảng vào cuối tháng 11-1930 để về nước cùng Trung ương lãnh đạo Đảng và phong trào cách mạng, trọng tâm là đi vào tổ chức quần chúng đấu tranh, củng cố, phát triển Đảng.

Một ngày cuối tháng 12-1930, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì để bàn việc đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận cho đảng viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền của Đảng. Về công tác tuyên truyền, Tổng Bí thư Trần Phú và Thường vụ Trung ương triệu tập hội nghị chấn chỉnh công tác giao thông liên lạc từ Trung ương đến các xứ ủy, khu ủy, tỉnh ủy… và từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản, đến một số đảng cộng sản. Sau hội nghị, Trung ương bắt tay xây dựng cơ sở trên một số tàu thủy chạy tuyến Sài Gòn-Đà Nẵng-Hải Phòng và từ Sài Gòn đi một số nước.

Trụ sở của Trung ương cũng chuyển từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Ngày 20-1-1931, tại một căn nhà ở phố Lơ Grăng đờ la Liray (Sài Gòn), Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập hội nghị bàn về công tác vận động công nhân Đông Dương. Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì hội nghị và đọc bài phát biểu nêu bật những nhiệm vụ công tác vận động công nhân của Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Ban Công vận Trung ương gồm 4 người, do đồng chí Trần Phú làm Trưởng ban. Tiếp đó, đồng chí Trần Phú cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng bắt tay vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 2.

Tháng 3-1931, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 họp tại nhà số 236 đường Risô (Sài Gòn) do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì. Đồng chí đã đọc báo cáo, phân tích một cách sâu sắc tình hình cách mạng ở Đông Dương và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn mới; phân tích về tình hình lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và các đoàn thể quần chúng. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng.

Lúc này, địch khủng bố ngày càng gắt gao. Nhiều cán bộ của Đảng bị bắt. Tổng Bí thư Trần Phú cũng bị mật thám Pháp bắt vào sáng 18-4-1931. Báo chí thực dân nhanh chóng đưa tin về sự kiện này. Chính quyền Đông Pháp giải đồng chí về giam ở bót Pôlô, gần khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn. Bọn mật thám khét tiếng gian ác dùng đủ mọi cực hình như: cho điện giật, treo ngược lên xà nhà mà đánh, đốt cháy da thịt hòng buộc đồng chí phải khai báo ra tổ chức Đảng. Tiếp đó, chúng giải đồng chí về bót Catinat, là cơ quan tra tấn lớn nhất của mật thám Nam Kỳ.

Nhưng tất cả những cuộc tra tấn dã man đều không làm lay chuyển được ý chí cách mạng của đồng chí Trần Phú. Tuy sống trong tù ngục của thực dân Pháp nhưng đồng chí Trần Phú và các chiến sĩ cộng sản Đông Dương vẫn hoạt động bí mật, tìm mọi cách liên lạc với tổ chức của ta ở bên ngoài, thông tin cho nhau biết âm mưu của địch để có biện pháp đối phó. Sống nơi tù ngục bị đọa đày, tra tấn cực hình làm cho sức khỏe của Trần Phú ngày càng giảm sút, bệnh tật mỗi ngày nặng thêm.

Đến tháng 8-1931, sức khỏe của đồng chí bị suy sụp, cai ngục đành phải đưa tới nhà thương Chợ Quán để khám bệnh. Lúc này, bệnh lao của đồng chí đã rất nguy kịch. Đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng vào sáng 6-9-1931, khi mới 27 tuổi. Trước khi nhắm mắt, Tổng Bí thư Trần Phú căn dặn lại các đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

Sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú là sự nghiệp cách mạng cao cả. Hoạt động cách mạng tuy chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đồng chí Trần Phú sớm trở thành người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh và có những cống hiến to lớn cho Đảng, dân tộc và sự nghiệp cách mạng Đông Dương. Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Trần Phú luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, biểu hiện rõ nhất ở lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, ở tình thương yêu sâu sắc với Nhân dân lao động.

Trong mọi hoạt động, đồng chí luôn gắn bó keo sơn với quần chúng, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Tinh thần của Tổng Bí thư Trần Phú vẫn sống mãi. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi khắc ghi trong những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Khoảng 20 tấn hàng hóa, quà Tết sẵn sàng “vượt sóng” đến các Nhà giàn DK1

Khoảng 20 tấn hàng hóa, quà Tết sẵn sàng “vượt sóng” đến các Nhà giàn DK1

(GLO)- Công tác vận chuyển khoảng 20 tấn hàng hóa thiết yếu, quà Tết của Nhân dân cả nước gửi tặng cán bộ, chiến sĩ các Nhà giàn DK1, tàu trực và huyện Côn Đảo đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng cho hải trình dài ngày đi chúc Tết các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Ảnh: M.C

Phụ nữ Gia Lai: Một năm nhiều dấu ấn

(GLO)- Với việc không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Gia Lai đã tạo ra nhiều dấu ấn và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chị Ksor H’Biên (thứ 5 từ trái sang) vui mừng khi được trao “Nhà nhân ái”. Ảnh: H.T

Công đoàn Gia Lai: Một năm nhiều dấu ấn

(GLO)- Năm 2024, các cấp Công đoàn trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực vượt khó, tạo được nhiều dấu ấn. Không chỉ được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, hoạt động của tổ chức Công đoàn còn được các doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) hưởng ứng tích cực.