Tôi đi làm công nhân - Kỳ 2: Thấp thỏm vào đời thợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khăn gói đi Bắc Ninh vẫn không tìm được việc chính thức, tôi chấp nhận làm thời vụ có hợp đồng qua công ty môi giới tuyển dụng. Lần đầu làm công nhân, tôi biết thế nào là dây chuyền sản xuất, tăng ca thêm giờ...
 
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tác giả (bìa phải) làm quen với công nhân nhà máy - Ảnh: TÂM LÊ
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tác giả (bìa phải) làm quen với công nhân nhà máy - Ảnh: TÂM LÊ
“Nhận biết giá trị của lao động, giá trị bản thân. Chơi với người giỏi, bạn sẽ giỏi theo họ. Đua theo những kẻ ăn chơi, bạn sẽ đánh mất tuổi trẻ, tương lai là con số không tròn trĩnh.
Nhân viên đào tạo
Làm thời vụ hay dài cổ đợi?
Một tháng sau tuyển dụng không thành ở KCN Bắc Thăng Long, tôi nhận được cuộc gọi của nhà tuyển dụng. Họ nói có công việc chính thức ở Bắc Ninh, lương tốt, nộp hồ sơ đi làm ngay. Tôi hiểu số điện thoại của mình đã bị chia sẻ, nhưng tò mò công việc nên đồng ý.
Theo chỉ dẫn, tôi đến văn phòng tuyển dụng có tên rất kêu: Công ty tuyển dụng nhân lực quốc gia D., nằm trên trục đường chính KCN Vsip Bắc Ninh, thuộc xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.
Nhiều lao động từ các tỉnh lên đã ngồi xếp hàng, người nộp đơn, người rút đơn, người chờ đào tạo. Ba nhân viên nhận, trả hồ sơ tất bật với công việc. "Ai làm thời vụ thì nộp hồ sơ đi làm ngay tuần này, ai làm chính thức phải đợi" - một trong số họ thông báo.
Một vài gương mặt nhăn nhó, ôm hồ sơ đứng lên ra về. Tôi nán lại nghe ngóng thêm, nhân viên nọ giải thích làm thời vụ nhưng vẫn đầy đủ chế độ và ký hợp đồng, đóng bảo hiểm ba tháng. Tôi đồng ý nộp hồ sơ và ký cam kết các điều khoản theo yêu cầu.
Bản chế độ báo mức lương cơ bản 4.750.000 đồng/tháng, thêm mức phụ cấp tổng khoảng trên 5 triệu. Như thế lương thời vụ cao hơn lương cơ bản của hợp đồng chính thức khoảng 250.000 đồng.
Trên giấy tờ cho thấy D. là một trong số các nhà thầu của công ty chúng tôi sắp vào làm việc. Số lao động nhà thầu này tuyển dụng được, mọi chế độ, nghĩa vụ quyền lợi của người lao động sẽ do nhà thầu nắm quyền quản lý.
Tôi phải chở theo vali đồ đạc đi tìm phòng trọ. Một lao động nam cũng chưa có nơi trọ, lại không có phương tiện nên tôi rủ đi cùng, cậu ta cảm ơn bằng giọng Nghệ An đặc sệt. Vòng vèo cả sáng, trưa nghỉ ăn cơm xong, chúng tôi lại gõ cửa các xóm trọ nhưng đều cháy phòng. Đi sâu vào khu dân cư độ 4-5km, có một phòng trống duy nhất. 
Tôi gọi hẹn phòng, nhưng ngày mai mới được vào ở. Cậu bạn đi cùng lưỡng lự về việc làm, ý cậu ta không muốn làm thời vụ. Cậu bảo tôi tìm chỗ qua đêm, còn cậu ta đón xe lên Hà Nội và có thể sẽ tìm việc khác để làm.
Tôi tìm nhà nghỉ ở gần văn phòng tuyển dụng, sáng mai cho tiện đi phỏng vấn. Trời mưa nhẹ và gió giao mùa. Buổi sáng không khí dịu mát hơn. Buổi phỏng vấn diễn ra khá nhanh, nhân viên tuyển dụng niềm nở nhận hồ sơ.
 
Giờ cơm tại căngtin là khoảng thời gian trò chuyện vui vẻ của công nhân - Ảnh: TÂM LÊ
Giờ cơm tại căngtin là khoảng thời gian trò chuyện vui vẻ của công nhân - Ảnh: TÂM LÊ
Làm quen với cửa từ an ninh
7 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở văn phòng tuyển dụng để nhận thẻ vào công ty. Có rất đông lao động, chừng hơn 100 người, số lao động này đã nộp hồ sơ trước cả tháng.
Hai nhân viên nữ đi đầu dẫn đoàn xuống nhà máy sản xuất, có tên công ty F., một trong ba công ty lớn nhất KCN này với khoảng hơn 5.000 công nhân đang làm việc. Mỗi người được làm một thẻ từ, thẻ này được cho biết rất quan trọng, tích hợp toàn bộ điểm của người lao động được phép đi qua trong nhà máy.
Hai ngày tiếp theo chúng tôi được nhân viên của công ty sản xuất trực tiếp đào tạo, làm quen với dây chuyền máy móc. Nội dung gồm phần định hướng phát triển bản thân, phần sản xuất linh kiện điện tử và phần an ninh.
Phòng lớn chứa hơn 200 lao động trong đợt tuyển dụng lần này, và không chỉ có một nhà thầu D. của chúng tôi, có tới 3 nhà thầu khác đưa người lao động tới với những cái tên nghe rất lạ: M (Man), T (Tốc độ xanh), L.A.
Các nhân viên đào tạo của công ty tỏ ra chuyên nghiệp, có lẽ họ đã trải qua nhiều lượt đào tạo công nhân đến rồi đi ở công ty. "Các bạn cần xác định mục tiêu phát triển của mình, phấn đấu để đạt được mức lương cao. Nhận biết giá trị của lao động, giá trị bản thân. Chơi với người giỏi, bạn sẽ giỏi theo họ. Đua theo những kẻ ăn chơi, bạn sẽ đánh mất tuổi trẻ, tương lai là con số không tròn trĩnh..." - giọng của nhân viên gây thu hút nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ 9x và 10x.
Những công nhân có kinh nghiệm làm ở nhiều nơi xì xào bàn luận: "Ở công ty khác không đào tạo kỹ vậy đâu, công ty này lớn nên họ dạy bài bản vậy". Sản phẩm chúng tôi sản xuất sẽ là một thiết bị điện tử.
Phần giảng cuối cùng nhấn mạnh về an ninh, không chỉ an ninh nhà máy, mà phần thông tin sản phẩm phải được bảo mật. An ninh nhà máy được bảo vệ bằng nhiều lớp cửa từ, họ lưu ý công nhân không vào nhầm cửa. Cửa không quẹt được thẻ có thể bị nhốt cả ngày, thậm chí vài ngày trong bóng tối không ai biết. Lối thoát hiểm, sự cố mất điện, công nhân sẽ di chuyển theo đường có đèn sáng xanh tự động dọc hành lang dẫn.
Giờ nghỉ ăn cơm, ngày đào tạo vẫn được trả lương và ăn trưa miễn phí. Chúng tôi di chuyển đến phòng ăn khá xa, trên hành lang chính rộng được trang trí đẹp mắt. Ai nấy xếp thành hàng, nhận phần ăn cùng hàng trăm công nhân khác, quản lý và nhân viên của công ty cũng ăn ở đây.
Phần ăn khá đa dạng, có 5 cửa cho công nhân lựa chọn: cơm thịt kho, cá kho, cơm rang, cháo, bún. Thức ăn cũng được thay đổi cách chế biến mỗi ngày để tạo sự ngon miệng.
Buổi chiều thực hiện bài thi kiểm tra đánh giá của công ty, đúng như nhà tuyển dụng căn dặn. Họ vẫn cử người theo sát chúng tôi, tiếp tục ký kết các giấy tờ hợp đồng, bảo hiểm, làm thẻ ATM và phát đồng phục bảo hộ.
Mỗi người nhận một bộ gồm áo, mũ, dép, tất cả đều có tác dụng chống phóng tích điện. Riêng con gái được nhận thêm hai chiếc áo ngực. Trang phục của cả nam và nữ được cảnh báo phải đảm bảo không có kim loại, và một mật khẩu của tủ cá nhân.
Ngày thứ hai là một ngày đặc biệt, chúng tôi mặc đồng phục công nhân gọn gàng, đẹp mắt. Nhưng qua khâu kiểm tra cửa từ thì cười ra nước mắt, vậy mà ở đây người ta cảnh báo một ngày tối thiểu phải qua 18 lượt cửa từ, trong đó đi ăn qua 6 lượt, đi vệ sinh 4 lượt.
Nhân viên của nhà thầu theo sát chúng tôi, nhắc nhở từng người một. Thậm chí họ còn cầm sẵn kéo trên tay để cắt bỏ kim loại nếu có chuông kêu. Làm cho không khí có phần nghiêm trọng với những công nhân mới.
Mọi người bắt đầu xếp hàng lần lượt qua cửa từ, thi thoảng tiếng rú đèn đỏ cảnh báo lại vang lên, có công nhân vẫn ngơ ngác chưa biết kim loại nằm ở đâu trong người. Có bạn nữ mếu máo phải lột cả áo lót trong cùng, có bạn nam kêu trời vì bị cắt tan cái quần đắt tiền. Nhẫn, vòng cổ, kẹp tóc đều bị tháo hết. Tôi có hai quần vải cúc nhựa, sắp cho "nghỉ hưu" nay bỗng lại có ích.
Những công nhân qua được lớp cửa từ bắt đầu vào khu vực sản xuất. "Hồi hộp quá" - một công nhân trẻ thốt lên. Chúng tôi vẫn phải đi qua nhiều lớp cửa nữa, cửa có hai bảo vệ đứng canh.
Âm thanh ồn ào tăng dần, hàng ngàn công nhân trong mỗi dây chuyền đang làm việc một cách nhịp nhàng. Dây chuyền của chúng tôi ở khu vực trong cùng, tôi được xếp vào khoảng giữa dây chuyền lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm, có máy móc phụ trợ oai vệ. Tôi công đoạn thứ 27 trên 38, kiểm tra khi bật nguồn. Gần 100 công nhân trong một dây chuyền, mỗi người là một mắt xích. Chúng tôi bắt đầu thực hành trên sản phẩm thử nghiệm.
Dây chuyền bật lên trôi chậm chậm về phía cuối, nhiều tiếng ồ lên khoái chí. Những công nhân dạn dày kinh nghiệm biết rằng sẽ có khó khăn, áp lực đang chờ phía trước nhưng lúc này cảm xúc thật khó tả. Còn tôi đã trở thành một công nhân thực thụ rồi!
***************
"Có bát canh khoai ngon lắm, sẻ đôi cho Lam rồi, ăn đi cho nóng". Tôi rưng rưng nước mắt trước tấm lòng của những người thợ nghèo dành cho nhau!
Kỳ tới: Bát canh chia nhau ở xóm trọ nghèo
TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.