(GLO)- Việt Nam và Lào là 2 quốc gia có chung hàng ngàn cây số đường biên giới, ngàn đời 2 dân tộc luôn bên nhau, chung tay gây dựng cơ đồ, cùng đấu tranh sinh tồn, phát triển, rồi có những giai đoạn lịch sử cùng chống một kẻ thù xâm lược. Mối quan hệ giữa 2 nước, 2 dân tộc Việt Nam-Lào được coi là mối quan hệ đặc biệt, điển hình, hiếm có, mẫu mực, thủy chung son sắt.
Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương (sau là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Đảng Nhân dân Lào (sau đó là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào), mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào được Bác Hồ, người sáng lập, rèn luyện và xây dựng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Tỉnh lỵ Attapeu (Lào). Ảnh: Đ.M.P |
Lào và Việt Nam là những quốc gia đa dân tộc, bà con các dân tộc sống 2 bên dãy Trường Sơn, biên giới của 2 nước kéo dài trên 2.430 km, bao đời hòa thuận, gắn bó, không có sự hiềm khích, nô dịch, thù hằn. Ba nước Việt-Lào-Campuchia cùng chịu chung bao cuộc xâm lăng của ngoại bang. Qua những cuộc chung lưng đấu cật chống kẻ thù chung đã làm cho sự gắn kết của các dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương, vốn đã gắn bó keo sơn, càng thêm keo sơn gắn bó. Khác với Việt Nam và Campuchia, Lào là một quốc gia không có biển, nhưng lại có những ưu thế khác. Bao la rừng và phù sa bởi những dòng sông, đặc biệt là dòng Mê Kông triệu triệu năm bồi đắp, xứ sở được mang tên là Lane Xang (Triệu Voi) này giàu tài nguyên, cho nên “không ít kẻ ngoại bang nhòm ngó”.
Trong hồi ký của mình, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã mô tả vài khía cạnh về những lĩnh vực mà ông thấy được qua các cuộc “vi hành” trên xứ Đông Dương này. Trong đó, Paul Doumer thẳng thắn thừa nhận, đại ý là thực dân Pháp đã từng “ngỏ ý” đến xứ An Nam và Đông Dương từ thế kỷ XVII, XVIII chứ không đợi đến các nhà truyền giáo đặt chân vào và cho đến năm 1858 quân đội Pháp mới nổ phát súng đầu tiên, đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà-Đà Nẵng, để sau đó chính thức đặt nền cai trị cả xứ Đông Dương bằng vũ lực vào năm 1858 (Việt Nam), 1863 (Campuchia) và 1893 (Lào). Từ đó, Đông Dương trở thành... thuộc địa của Pháp. Và cũng kể từ đó, người Đông Dương nói chung và 2 anh em, 2 dân tộc Lào-Việt bước vào giai đoạn lịch sử, bước ngoặt mới-chung tay chống thực dân Pháp xâm lăng.
Một số điển hình các cuộc phản kháng, nổi dậy mà cho tới ngày nay, các thế hệ người Việt cũng như Lào có thể chưa quên qua những trang sử hào hùng của dân tộc mình, đó là: Cuộc khởi nghĩa chống lại sự cai trị của chính quyền Pháp kéo dài 36 năm (1901-1937) ở vùng Hạ Lào, do các tộc trưởng cầm đầu: ông Kẹo và Com-ma-đăm đã cùng lãnh đạo các bộ tộc Lào trong vùng đứng lên, bằng vũ khí thô sơ, lập vùng căn cứ, xây dựng, huấn luyện “dân quân” để chống Pháp lâu dài, bền vững. Cuộc khởi nghĩa này có sự chung sức, đồng lòng, hợp tác của người Xê Đăng ở vùng Bắc Tây Nguyên Việt Nam. Rồi sau đó, cuộc nổi dậy nhanh chóng trở thành phong trào lan rộng khắp vùng Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào vào những năm 1918-1922, do ông Chạu-phạ-pắc-chay đứng đầu lãnh đạo.
Những cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp điển hình nói trên chứng minh cho sự đồng lòng chung tay, chung sức đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của 2 dân tộc Lào-Việt anh em từ thời giặc Pháp vừa đặt chân đến mảnh đất Đông Dương.
Với truyền thống yêu nước, yêu dân tộc cộng với sự giao thoa về văn hóa nên khi có kẻ thù chung, 2 dân tộc dễ cùng đồng cảm và sẻ chia. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3-2-1930, rồi do điều kiện lịch sử nên đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1930) và cho tới năm 1951, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tách ra, thành lập 3 đảng độc lập ở 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam. Đảng Nhân dân Lào hoạt động bí mật, cho đến tháng 3-1955, tại Đại hội lần thứ I Đảng Nhân dân Lào mới tuyên bố công khai hoạt động trên lãnh thổ nước mình. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, nhân dân các dân tộc Lào đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng Lao động Việt Nam, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945. Ở Lào, sau đó ít lâu, ngày 12-10-1945, một chính phủ mới, chính phủ của cách mạng Lào, It-xa-la cũng ra đời. Sự kiện có tính chất bước ngoặt lịch sử này của 2 nước Lào-Việt là phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành độc lập tự do cho mỗi quốc gia có quan hệ láng giềng, từng chung lưng đấu cật bao đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mỗi nước.
Tiếp nối truyền thống đấu tranh sinh tồn và chống giặc ngoại xâm của mỗi nước, trong cuộc trường kỳ 9 năm cùng kháng chiến chống thực dân Pháp đã ra đời một liên quân Việt-Lào, mà mục tiêu, nhiệm vụ của liên quân này là lại một lần nữa cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Đã có hàng ngàn chiến sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam sát cánh kề vai cùng với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào anh dũng hy sinh, kiên cường, dũng cảm chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Pháp của 2 nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève-1954, lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương.
Lịch sử của 2 nước lại ghi thêm trang mới khi ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 2 nước, 2 chính phủ, 2 dân tộc Lào-Việt cùng chung sống trên dãy Trường Sơn từ đây càng thêm khẳng định, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng Cộng sản và chính phủ của mỗi nước, đồng lòng, chung sức tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù mới là đế quốc Mỹ xâm lược. Và từ đây mối quan hệ gắn bó keo sơn, thủy chung, đoàn kết của 2 nước Việt-Lào lại càng thêm bền chặt, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi cay đắng, “hạt muối chia đôi, cọng rau phân nửa” để đi đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975. Sự đoàn kết, gắn bó giữa hai nước còn thể hiện sinh động ở các địa phương cùng chung biên giới. Chúng tôi lược trích, ghi lại một số nội dung liên quan, từ Lịch sử Đảng bộ Gia Lai giai đoạn 1945-2005 để minh chứng điều nói trên: “...Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhiều vùng... Tây Nam Attapeu, Lào trở thành địa bàn đứng chân của các đội vũ trang tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị dọc biên giới để phát triển lực lượng... Trong kháng chiến chống Mỹ... các chiến sĩ người dân tộc Jrai, Bahnar, Xê Đăng... của Gia Lai-Kon Tum trong đội hình của Trung đoàn 120 (Tây Nguyên) đã phối hợp cùng Quân Giải phóng Lào tiến công giải phóng Noọng Hét, Bản Ban, chiếm lĩnh cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (12-1960)-một vị trí chiến lược ở Trung Lào...”(1).
Đoàn Minh Phụng
-------------------------
(1) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)-NXB CTQG-HN, 2009, trang 631-634.