Dư luận cả nước đang xôn xao vụ việc UBND tỉnh Hòa Bình quyết định giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này làm chủ đầu tư dự án lắp dựng khẩu hiệu tại khu vực đồi Ông Tượng với kinh phí dự kiến 10,99 tỉ đồng.
Công trình dự án lắp dựng khẩu hiệu tại khu vực đồi Ông Tượng với kinh phí dự kiến 10,99 tỉ đồng |
Giải thích về dự án này, giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch khẳng định đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn, việc xây dựng là cần thiết. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng công trình có tác dụng giáo dục chính trị đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh vừa tạo cảnh quan. Công trình bảo đảm đúng đơn giá, quy trình của nhà nước, trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định đúng quy định.
Khoan hãy kết luận dự án có tiêu cực hay không bởi công trình này không chỉ đơn thuần là dựng khẩu hiệu mà còn những hạng mục thi công bờ kè chống sạt lở và những công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, với người dân, việc bỏ ra gần 11 tỉ đồng chỉ để thực một công trình như vậy là chưa thật sự cần thiết, nhất là Hòa Bình là một tỉnh nghèo.
Cũng vì vậy mà dư luận còn cho đó là một công trình "thừa giấy vẽ voi", quá lãng phí. Mà lãng phí còn tệ hại hơn cả tham nhũng và tiêu cực.
Việc xây dựng các tượng đài, cổng chào, khẩu hiệu hoành tráng, lãng phí đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Tại sao chúng ta có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; Luật Phòng chống tham nhũng, cùng hệ thống văn bản pháp luật dày đặc mà tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra? Do thực thi pháp luật không nghiêm hay do những khoảng trống pháp luật đã tạo ra "luật rừng"?
Kết quả khảo sát mới đây do Thanh tra Chính phủ phối hợp Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy hơn 90% số người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng; 80% trả lời do chưa có sự chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ và 76%-82% cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Theo khảo sát, một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí và tham nhũng liên quan đến quyết định đầu tư công. Đầu tư công và đấu thầu là lĩnh vực nằm ở trung tâm của sự tương tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cấu kết tham nhũng, lãng phí.
Câu chuyện dự án lắp dựng khẩu hiệu bạc tỉ ở tỉnh nghèo Hòa Bình có thể xem là một chỉ dấu mà cơ quan chức năng cần làm rõ có thực sự lãng phí hay không để trả lời công luận.
Còn trên thực tế, việc đầu tư lãng phí không là cá biệt của một địa phương, cũng không có một bảo đảm chắc chắn nào đằng sau hành động lãng phí không đi kèm các cơ hội tham nhũng.
Nhìn rộng ra, xa hơn, cần phải xác định và kiểm soát quyền hạn, phạm vi ra quyết định và gắn với trách nhiệm của người có quyền là một yêu cầu quan trọng nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn chính sách để trục lợi có thể xảy ra.
Cần tiếp tục làm rõ khung khổ pháp lý để loại bỏ sự tùy tiện mà các cán bộ có thể trục lợi cá nhân hay vung múa lời lẽ bao che hoa mỹ về sự cần thiết, về tính nhân văn, về đúng quy trình, quy định nhằm bảo vệ những cái bất bình thường, phi lý mà bất kỳ người dân thường cũng nhìn thấy được.
Theo Trần Hiệp Thủy (NLĐO)