Tình biển Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở làng biển này, trẻ nhỏ thì tập lặn quanh gành, lớn lên thì lặn biển Hoàng Sa. Bão tố, rủi ro hay việc rượt đuổi, bắt bớ ngang ngược của tàu Trung Quốc không làm họ nản lòng. Tình yêu, sự gắn bó với Hoàng Sa qua nhiều thế hệ càng thêm bền chặt
Tháng 6, nắng nung người, từ trung tâm xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tôi vượt con dốc dài, tìm về làng Gành Cả của thôn Châu Thuận Biển. Làng trải dài từ bờ cát đến tận chân núi Gò Hồng, với những nhà cao tầng san sát.
Biển khơi là nguồn sống
Trưởng thôn Gành Cả-ông Nguyễn Tấn Thành khoát tay nói: "Làng biển này có 250 hộ với 1.050 dân, lâu nay lấy biển khơi làm nguồn sống và nghề lặn là kế mưu sinh".
Ngày xưa, chỉ với thuyền buồm hoặc ghe bầu nhưng cứ đến tháng giêng là bà con ngư dân ở đây lại giong thuyền, ghe ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Đến nơi, sau khi neo đậu là bà con làm mâm cơm cúng thần biển. Sau đó, tay ôm đồ nghề, hít một hơi dài, họ nhảy ùm xuống biển quanh những gành đá nằm sâu đến hàng chục sải nước.
Trưởng làng Gành Cả - ông Nguyễn Tấn Thành ( bìa phải) cùng các ngư dân
Trưởng thôn Gành Cả-ông Nguyễn Tấn Thành (bìa phải) cùng các ngư dân
"Hồi đó, lặn thô sơ vậy nên người người rèn luyện, sức bền dữ lắm. Vả lại, biển hồi đó cá nhiều. Có cú lặn nào mà khi trồi lên mặt nước là tay không đâu. Những con tôm hùm râu dài, cá đỏ, cá mó năm - bảy ký nằm sâu trong vợt"-ông Thành cho biết.
Rồi thời gian, nghề lặn "lên đời". Những thuyền buồm, ghe bầu không còn nữa, nhường chỗ cho những tàu công suất trên 500 CV, điện chong dưới nước cho cá quy tụ. Thợ lặn được trang bị quần áo bảo hộ, gương lặn, lưng đeo nẹp chì, miệng ngậm dây hơi.
Vui gì hơn sau những chuyến biển kéo dài từ 25-30 ngày, những con tàu của ngư dân Gành Cả từ Hoàng Sa trở về cập cửa biển Sa Kỳ. Những con cá mú, cá mó chất đầy khoang được chuyển lên bờ. Những ngư dân mặt đen nhẻm, nụ cười rạng rỡ.
Dọc làng Gành Cả nay là những ngôi nhà tầng san sát, bên trong là nhiều tiện nghi vật dụng đắt tiền. Ngư dân Nguyễn Thành Nam, chủ nhân đôi tàu lặn công suất mỗi chiếc 800 CV, từ 5 năm trước đã xây được căn nhà mới 1,5 tỉ đồng. "Cuộc sống khá lên là nhờ nghề lặn biển Hoàng Sa"-ông khẳng định.
Giã từ biển khơi, ngư dân Nguyễn Thanh Nam trực máy icom tự nguyện để nối liền thông tin đất liền với những con tàu đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam
Giã từ biển khơi, ngư dân Nguyễn Thanh Nam trực máy icom tự nguyện để nối liền thông tin đất liền với những con tàu đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam
Tai họa chực chờ
Thế nhưng, với những người lấy biển khơi làm đất sống, mỗi chuyến xa khơi, ngư dân phải đối mặt với bao nguy hiểm chực chờ.
Trưởng làng Nguyễn Tấn Thành dẫn chứng: "Lặn xuống biển sâu, chỉ cần gặp con cá nhám chừng 80 kg bơi qua mà trốn vào gành đá không kịp thì chỉ một cái quật đuôi của nó là thương tích cùng mình. Rồi khi lặn xuống biển, dây hơi trục trặc dẫn đến ngạt thở thì mất mạng như chơi. Đó là chưa kể, khi ngoi lên mặt nước mà áp suất thay đổi thì rất dễ dẫn đến liệt tứ chi".
Ông Thành đưa tôi tới nhà anh Trương Quang Phúc. Hơn 20 năm trước, sau khi lặn đâm cá dưới đáy biển và trồi lên mặt nước, anh Phúc thấy tay chân rã rời. Bạn nghề biết anh bị nạn, vội quây thúng trên tàu, đổ đầy nước biển rồi bỏ anh vào ngâm để giảm áp nhưng đã trễ. Ở trong nước, tay chân anh còn cử động được nhưng khi đưa ra ngoài thì xuội lơ.
Khi tàu chuyển anh Phúc về đất liền, vợ anh thuê xe đưa ngay ra Đà Nẵng rồi vào TP. Hồ Chí Minh, nhờ cả bác sĩ đông y châm cứu nhưng vẫn không hồi phục. Anh Phúc ngậm ngùi: "Thân hình cha mẹ cho cao lớn mà giờ như cây chuối đổ, cứ quanh năm suốt tháng ở nhà. Đi đứng còn không vững thì làm sao mà đỡ đần vợ con. Nhìn vợ ngày ngày đầu tắt mặt tối, hết nấu rượu lấy hèm nuôi heo lại đi mua bán lặt vặt nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, mà xót!".
Anh Phạm Văn Sáu năm nay mới 30 tuổi, 10 năm trước gặp nạn khi chưa vợ con. Giờ đây, cuộc sống của anh phải trông nhờ vào cha. Cha Sáu là thương binh, già cả nhưng phải ngày nối ngày đi đánh bắt hải sản quanh gành...
Thế nhưng, với ngư dân Gành Cả, tai nạn lao động vẫn là chuyện nhỏ. Bão tố còn dữ dội hơn nhiều.
Ngư dân Nguyễn Bình, chủ con tàu công suất 800 CV, chẳng bao giờ quên siêu bão Hải Yến cuối năm 2013. Khi đó, tàu của anh đang đánh bắt ở khu vực đảo Tri Tôn. Thấy gió bắt đầu mạnh dần lên cấp 8, anh gấp rút điều khiển tàu vào đảo. Trên đường đi, bão mạnh dần lên cấp 10, cấp 11.
"Lúc đó, khoảng 17 giờ, thấy gió săn dữ quá, tui biết chuyến này khó thoát nên cố giữ lái. Đồng thời, tôi bảo anh em lấy can nhựa cột thành từng chùm phòng khi chìm tàu có cái mà bám, may ra sống sót. Rồi cũng từ đó, tàu đối diện với sóng biển dâng cao. Cứ mỗi đợt sóng bổ vào, tàu kêu răng rắc. Con tàu như chiếc lá tre, cứ trồi lên rồi chìm xuống, quăng quật trong bão. Đến khoảng 23 giờ 30 phút, tàu cập đảo Đá Bắc. Anh em trên tàu lúc ấy áo quần tả tơi, mặt mày tím ngắt. Ngoái lại nhìn, những con tàu khác cùng đi tránh bão không còn nữa. Biển chỉ một màu đen kịt mà thôi"-đôi mắt anh Bình đỏ hoe.
Rồi anh Bình đưa tôi đến thăm nghĩa địa phía trên núi Gò Hồng. Nơi đây, cứ sau những cơn bão tố, ngư dân mất tích trên biển thì lại có thêm những ngôi mộ gió mà hình nhân làm bằng đất sét, xương cốt làm bằng thân cây dâu. Tôi nhìn quanh, những ngôi mộ bời bời trong nắng, gió. Đời ngư dân sống cùng biển rồi thác cùng biển. Có khi thật chua cay!
Mà đâu chỉ có rủi ro và bão tố, nhiều năm qua, ngư dân Gành Cả đi lặn biển ở quần đảo Hoàng Sa còn phải đối mặt với tàu Trung Quốc. Nhiều tàu rất ngang ngược, vi phạm chủ quyền biển đảo còn rượt đuổi, bắt tàu và ngư dân ta.
Ngư dân Nguyễn Việt nhớ lại: "Hơn 10 năm trước, trong một chuyến ra khơi chuẩn bị lặn bắt hải sản ở khu vực bãi ngầm Ba Tiếng, khi thợ lặn chúng tôi chưa kịp xuống biển thì tàu Trung Quốc ập đến. Họ chỉa súng ra hiệu cho tất cả dồn về phía trước mũi tàu, buộc lái tàu về đảo Phú Lâm tồi lấy sạch thiết bị, máy móc, lương thực, thực phẩm. Sau đó, họ chuyển anh em ngư dân của mình về giữ tại đảo Hải Nam thêm 20 ngày. Cho đến khi nhà nước ta gửi công hàm phản đối, họ mới cho ít can xăng cùng chiếc la bàn để tàu trở về đất liền".
Nhớ biển cồn cào
Ở làng biển Gành Cả, hầu như nhà nào cũng đóng một chiếc tủ để chưng ốc, san hô và những chiếc đĩa, hủ sành cổ mà họ nhặt được từ những chuyến xa khơi.
Ngư dân Nguyễn Việt đưa cho tôi xem con ốc u lớn - loại mà từ xa xưa, đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa từng thổi để làm hiệu lệnh trên biển. Ông kể: "Biển Hoàng Sa cá nhiều mà ốc cũng lắm. Nào ốc u, ốc nứa, óc xà cừ... Tôi lặn bắt về chưng trong nhà cho đẹp".
Ngư dân Nguyễn Thương với bộ sưu tập ốc, san hô từ biển Hoàng Sa
Ngư dân Nguyễn Thương với bộ sưu tập ốc, san hô từ biển Hoàng Sa
Bây giờ ông Việt tuổi đã cao, con trai của ông là anh Nguyễn Thương thay cha đi lặn biển Hoàng Sa. Anh lại mang thêm những con ốc, những nhành san hô đen, san hô trắng về chưng.
Anh Thương bộc bạch: "Thấy cha đi lặn mang ốc về chưng cho đẹp nhà đẹp cửa, mình bắt chước làm theo. Bây giờ, cha quý những con ốc này lắm. Có hôm, ông lấy ốc ra săm soi rồi kể lai lịch của chúng cho cháu chắt. Thì ra, khi ra khơi mang về, trước là chưng cho đẹp nhà, đẹp cửa rồi khi không còn ra khơi nữa thì chúng trở thành kỷ vật của một đời lặn biển Hoàng Sa".
Ngư dân Nguyễn Việt cùng con trai bên tủ đựng kỷ vật Hoàng Sa
Ngư dân Nguyễn Việt cùng con trai bên tủ đựng kỷ vật Hoàng Sa
Cũng vì tình yêu biển Hoàng Sa mà ngư dân Nguyễn Thành Nam nay đã giải nghệ nhưng vẫn nhớ biển vô cùng. Khi bà con ngư dân trong làng mỗi người góp 1,5 triệu đồng mua chiếc máy icom, ông tình nguyện trực đài không thù lao. Ông nói: "Ngày bình thường, 11 giờ trưa mình lên máy liên lạc với những con tàu trong làng. Còn mùa biển động, mình theo dõi dự báo thời tiết biển của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Bộ, rồi liên hệ với cô Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Phòng Dự báo và Phục vụ - Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nắm thông tin về những cơn bão mà thông báo cho ngư dân tìm nơi tránh trú".
Khi những con tàu trên đường đi tìm nơi tránh bão là ông Nam thức trọn đêm để liên lạc. Những lúc như thế, ông nhớ biển cồn cào... 
Một lòng bám biển
Ngư dân Bùi Ngọc Lượng vốn là bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia từ năm 1979 đến 1984, bị thương rồi phục viên trở về tham gia nghề lặn biển Hoàng Sa. Ông kể: "Cứ mỗi lần ra khơi lặn biển, khi tàu đi ngang vùng ngư trường mà anh em trong làng từng bị đắm tàu, bị nạn, chúng tôi thường đốt nén nhang, châm điếu thuốc vái rồi ném xuống biển. Lâu dần thành quen, thành nếp của người làng. Bây giờ, giã từ biển khơi rồi, tôi thường dặn dò cháu con rằng Hoàng Sa là vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, là đất sống của người làng nên dù gặp bão tố hay bị tàu Trung Quốc ngang ngược rượt đuổi, bắt giữ thì dân làng vẫn vậy, vẫn một lòng bám biển Hoàng Sa".
Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.