Tìm lại đồng bạc trắng hoa xòe

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cách đây hơn 100 năm khi thực dân Pháp đô hộ Dông Dương, những đồng bạc trắng hoa xòe được sản xuất và lưu hành rộng rãi. Giờ đây những đồng bạc cổ ấy được săn tìm ráo riết và ngày càng hiếm dần, trong khi những đồng bạc giả được bày bán ở nhiều nơi.
Những đồng “bạc” ở chợ phiên
Chợ phiên Mường Khương mở vào sáng chủ nhật hàng tuần, đây là một trong những chợ phiên còn giữ được nhiều nét bản sắc nguyên vẹn nhất của vùng cao Lào Cai. Ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Thu Lao,… từ các thôn bản xa đã mang đủ thứ sản vật xuống chợ phiên bán. Đặc biệt, khu vực bán thổ cẩm và đồ lưu niệm rực rỡ sắc màu, những thiếu nữ vùng cao chen vai đến đây thử mua váy áo, xúng xính nụ cười.
 
Người dân xem những đồng xu bày bán tại chợ Mường Khương
Là người thích sưu tầm những đồng bạc cổ, anh bạn tôi sà ngay vào một quầy hàng lưu niệm nhỏ, nơi bày bán rất nhiều những đồng xu to nhỏ. Tuy không hiểu nhiều về tiền xu, nhưng tôi cũng bị hấp dẫn bởi những biểu tượng được chạm khắc nổi trên những đồng bạc. Nhiều nhất là những đồng xu Piastre de Commerce có biểu tượng nước Pháp là Nữ thần Tự do Marianne mà dân gian quen gọi là “bạc bà đầm”, “bạc trắng hoa xòe”, một số đồng xu khác rất đặc biệt như đồng Peso México có hình chim ó biển đang cắp con rắn (dân gian gọi là đồng bạc con cò, đồng bạc con ó), ngoài ra có đồng xu khác có hình rồng, đầu hươu, hình mặt người với những chữ Hán cổ… Nhiều đồng bạc hoa xòe đã xỉn màu, xem số hiệu in trên đó vào đầu những năm 1800 như năm 1803, 1806,1809,…
- Bao nhiêu tiền một đồng bạc này? Tôi hỏi một đồng bạc trắng hoa xòe in năm 1806 mệnh giá 1 đồng, với ý định mua về làm kỷ niệm, khi cần thì để đánh cảm cho trẻ nhỏ.
- Đồng đấy 600 nghìn anh ạ.
Thấy tôi rút ví định mua đồng xu, anh bạn bấm tay ra hiệu bảo đừng mua. “Có 600 nghìn một đồng bạc cổ cách đây những hơn 200 năm. Quá rẻ sao anh bạn lại ngăn tôi lại?”. Tôi băn khoăn nghĩ. Lúc ra khỏi quầy hàng, anh bạn bảo làm gì có đồng bạc cổ thực sự nào mà giá rẻ như thế, đó đều là những đồng bạc giả làm bằng hợp kim đồng, kẽm mạ bạc, còn bạc hoa xòe thực sự gắn với sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương, được Ngân hàng Đông Dương phát hành từ năm 1885 lưu thông ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đến năm 1954. Ai hiếu kỳ, không hiểu biết về tiền cổ mà vội mua thì dễ “ăn quả lừa”.
 
Những đồng bạc giả được làm rất tinh vi
Không chỉ ở chợ phiên Sín Chéng, dành thời gian đến thăm những chợ phiên nổi tiếng khác trên vùng cao Lào Cai như chợ Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Hum… Chúng tôi cũng gặp rất nhiều quầy hàng lưu niệm bán những đồng xu như thế.  
Ký ức đồng bạc trắng hoa xòe
Chuyện về những đồng bạc giả bày bán ở chợ phiên khiến tôi không khỏi tò mò. Vậy những đồng bạc trắng hoa xòe thực sự có giá trị như thế nào? Tại sao người ta lại săn lùng, tìm mua nhiều như thế? Vì sao đồng bào vùng cao lại quý đồng bạc trắng hoa xòe như vậy? Câu trả lời không tìm được ở những chủ quầy hàng bạc bán ở chợ phiên mà tôi phải tìm đến những già làng, trưởng bản ở vùng cao. Trong các dân tộc, từ xưa người Dao và người Mông là sở hữu nhiều trang sức bạc hơn cả.
Ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, ông Chảo Kin Sài, 70 tuổi, người Dao đỏ ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát nhớ lại: Trước đây, người Dao thường trao đổi, mua bán với nhau bằng bạc trắng. Nhà nào càng có nhiều bạc trắng thì càng giàu có và được tôn trọng. Bạc trắng được dùng trong các lễ cúng quan trọng, trở thành sính lễ không thể thiếu mà nhà gái thách cưới nhà trai. Năm tôi 15 tuổi đã được bố mẹ đi hỏi vợ cho.
Ngày đó gia đình tôi phải đưa cho nhà gái 99 đồng bạc trắng hoa xòe thì mới được đón dâu về. Số bạc trắng đó ngày ấy có thể mua được 3 con trâu to. Con trai người Dao mà nhà nghèo, không có bạc trắng thì khó lấy được vợ. Bây giờ xã hội thay đổi, người Dao không thách cưới nhiều bạc trắng nữa vì bị coi là hủ tục, nhưng đám cưới vẫn cần một hai đồng bạc để làm lý”.
Câu chuyện của ông Sài khiến tôi nhớ đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, phản ánh cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc trước 1945. Trong truyện, nhân vật A Phủ để hổ bắt mất trâu của thống lý Pá Tra, nhà quá nghèo nên buộc phải vay bạc trắng của thống lý để trả và phải làm người ở cho thống lý đến khi nào có đủ bạc trắng để trả mới được tự do. Những đồng bạc trắng gắn liền với cuộc đời đau khổ của bao nhiêu số phận đồng bào vùng cao Tây Bắc trong xã hội phong kiến nửa thực dân. Ở vùng cao Lào Cai cách đây hơn 100 năm có lẽ cũng không nằm ngoài thực tế đó.
 
Đồng bạc hoa xòe được người Dao dùng để chế tác đồ trang sức
Đến vùng cao Bắc Hà, tôi gặp ông Long Văn Trai, dân tộc Nùng, thôn Cốc Mòi, xã Na Hối, người cả đời gắn bó với nghề chạm khắc bạc. Ông Trai chia sẻ: “Những đồng bạc hoa xòe cổ trên 100 năm tuổi được coi là tích tụ linh khí đất trời, đem lại nhiều may mắn, nên càng ngày càng bị săn lùng ráo riết và hiếm dần. Giá mỗi đồng bạc cổ hiện nay dao động từ 1 - 2 triệu đồng”.  
Bí quyết phân biệt đồng bạc trắng hoa xòe
Vậy câu hỏi đặt ra là trong khi những đồng bạc cổ giả được bày bán tràn lan ở chợ phiên như hiện nay, làm thế nào để phân biệt được những đồng bạc cổ thực sự? Ông Long Văn Trai chia sẻ: Kỹ thuật đúc bạc giả rất tinh vi, bằng mắt thường nếu không quan sát kỹ và không có kinh nghiệm thì khó có thể phân biệt được thật - giả.
Theo kinh nghiệm của tôi thì những đồng bạc hoa xòe thật có hoa văn sắc nét, đường răng cưa ở viền đều nhau, còn bạc giả thì đường nét thô hơn, tuy hình dáng giống đồng xu thật nhưng trọng lượng nặng hoặc nhẹ hơn bạc thật. Cách phân biệt chính xác nhất là dùng lửa nung đỏ đồng bạc, khi để nguội bạc thật sẽ trắng ra, còn bạc giả sẽ xỉn màu, lộ ra kim loại khác.
Hiện ông Chảo Kin Sài ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát còn giữ được những đồng bạc hoa xòe cổ do tổ tiên để lại. Tôi phải đợi một lúc lâu để ông Sài nói bằng tiếng Dao thuyết phục thì vợ ông mới đồng ý lấy ra cho xem “báu vật” của gia đình. Theo ông Sài, những đồng bạc cổ thật khi đặt trên đầu ngón tay khẽ gõ vào nhau sẽ phát ra tiếng kêu trong và ngân khá lâu, còn bạc giả tiếng kêu trầm đục. Đồng bạc hoa xòe bao giờ cũng in trọng lượng thật là 27,215g hoặc 27g.
 
Những đồng bạc hoa xòe cổ càng ngày càng hiếm do bị săn lùng ráo riết.
Anh Giàng A Dế, dân tộc Mông, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai cũng là người may mắn sở hữu một đồng bạc hoa xòe cổ bật mí: “Một lần đi đến thôn xa nhất xã Quan Thần Sán tôi may mắn mua được đồng bạc hoa xòe cỏ của một già làng làm nghề thầy cúng. Bạc thật thường mềm và dẻo, người có kinh nghiệm cho lên miệng cắn sẽ biết được”. Tôi quan sát đồng bạc cổ của Dế in năm 1809, có lẽ đồng xu này đã qua tay quá nhiều người nên biểu tượng nữ thần Marianne đã bị mòn nhẵn không còn rõ đường nét nhưng nước bạc thì sáng bóng.
Trên hành trình đi tìm những đồng bạc trắng hoa xòe trên vùng cao Lào Cai chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ, thú vị về những người đào được hũ bạc cổ hàng trăm đồng bạc; chuyện về đồng bạc hoa xòe sản xuất năm 1890 là năm Bác Hồ sinh ra là “hàng độc” mà dân sưu tầm tiền cổ sẵn sàng trả giá hàng chục triệu đồng để sở hữu; chuyện kẻ xấu dùng thủ đoạn lấy đồng bạc giả tráo đổi lấy bạc thật của người dân vùng cao… Những đồng bạc trắng hoa xòe hiếm hoi cuối cùng còn lại vẫn được nhiều gia đình ở vùng cao Lào Cai cất giữ như “ báu vật” để truyền lại cho con cháu sau này.
Tuấn Ngọc (Nông nghiệp Việt Nam/Kiến thức gia đình số 18)

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.