Ký ức về hang đá cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho tới giờ, không một ai ở xã Gào (TP. Pleiku) biết hang đá ở cuối làng C xuất hiện tự bao giờ. Chỉ biết rằng, đó là nơi nuôi dưỡng, chở che cách mạng và bảo vệ dân làng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đến làng C vào một ngày giữa tháng 4, tôi thấy mình thật may mắn khi gặp được những người nay đã ở tuổi ngoài 70 để nghe kể về ký ức trong lòng hang đá cách mạng. Những câu chuyện xưa khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng về một kho tàng lịch sử mà họ luôn nâng niu cất giữ.
“Ngôi nhà đá” bí mật
Xã Gào được biết đến là căn cứ địa cách mạng với những chiến công oanh liệt dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Khu 9 (tiền thân của Đảng bộ TP. Pleiku ngày nay) trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là địa bàn xung yếu và là bàn đạp để tiến vào nội thị, tạo thế tiến công quân sự, hình thành thế bao vây địch ở Pleiku. Hang đá tại làng C là một trong những địa điểm thuộc căn cứ địa cách mạng Khu 9 với tổng diện tích 875 m2 (trong đó, chiều dài 35 m và chiều rộng 25 m). Thời bấy giờ, với địa hình hiểm trở, rừng rậm bao phủ, hang đá là nơi trú ẩn an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân trong xã.
Khi nghe nhắc tới hang đá đặc biệt này, đôi mắt mờ đục của ông Rơlan Biă (72 tuổi, làng C) bỗng bừng sáng. Ông xác định: “Hang đá nằm bên cạnh dòng suối Ia Púch mát lành ở tận cuối làng C (trước đây là làng Gao Nang). Vị trí này là căn cứ bám trụ của đội công tác, các cơ quan của thị xã, một số đơn vị quân đội của tỉnh và của Mặt trận Tây Nguyên”. Tuy nhiên, chính ông cũng bối rối khi được hỏi về tuổi đời cũng như sự xuất hiện của hang đá. Ông kể rằng, người dân xã Gào bao đời nay đều không biết rõ hang đá có tự bao giờ. Hang tuy rộng nhưng lối vào khá hẹp, chỉ một người khom lưng mới có thể vào bên trong, sau khi rẽ trái, một khoảng không gian rộng lớn mở ra, chứa đựng những câu chuyện lịch sử của một thời kháng chiến.
     Ông Rơ Châm Piong (bìa trái) và ông Rơlan Biă (ở giữa) kể lại những câu chuyện lịch sử trước cửa hang đá cách mạng làng C. Ảnh: T.D
Ông Rơ Châm Piong (bìa trái) và ông Rơlan Biă (ở giữa) kể lại những câu chuyện lịch sử trước cửa hang đá cách mạng làng C. Ảnh: T.D
Ông Biă kể lại: Năm 1970, ông tham gia đội du kích xã Gào. Khi ấy, ông đã là chàng trai 22 tuổi và thường theo chân cha vợ vào hang đá mỗi lần họp dân làng. Trong trí nhớ của ông, hang đá là nơi hàng đêm người dân làng C đốt đuốc để bàn tính chuyện giúp bộ đội đánh giặc. Hang đá cũng là nơi trú ngụ của bộ đội chủ lực trong những trận đánh lớn nhỏ. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ trọng tâm của năm 1970-1971 là tích cực đẩy mạnh tác chiến, đánh địch đi đôi với xây dựng lực lượng và đấu tranh chính trị..., Đảng ủy xã Gào lúc bấy giờ đã lãnh đạo lực lượng du kích tiến hành bố phòng đánh địch, bảo vệ căn cứ bàn đạp Khu 9. Trong 2 năm (1970-1971), du kích xã Gào đã đánh 54 trận, diệt 166 tên địch, trong đó có 34 tên Mỹ, diệt gọn 2 toán thám báo biệt kích... “Thời gian ấy, hang đá là nơi cán bộ Khu 9 thường xuyên lui tới để vạch ra những chỉ đạo cụ thể cho từng trận đánh. Và cũng tại hang đá, sau mỗi chiến công của du kích, chúng tôi lại được tập hợp về đây để cấp trên tuyên dương vì những hành động quả cảm, mưu trí”-ông Biă hồi tưởng.
Còn với ông Rơ Châm Piong (74 tuổi, làng C), ký ức về một buổi chiều cuối năm 1971 vẫn mãi in sâu trong tâm trí. “Buổi chiều ấy, giặc tràn vào làng Gao Nang rất đông, chúng đi tới đâu là đánh đập dân làng, bắt bớ và phóng hỏa đốt nhà đến đó. Lúc ấy, tôi cũng là du kích xã nên tham gia mai phục đánh địch. Để tránh việc dân làng bị chúng bắt bớ, giết hại, du kích xã đưa họ trốn vào hang đá. Vợ con tôi cũng được đưa vào đó để tôi yên tâm trở ra làm nhiệm vụ. Trong trận này, tôi bị một viên đạn của địch bắn trúng chân”-ông Piong kể lại. Cũng theo mạch ký ức của ông Piong, quân và dân xã Gào lúc ấy vừa đánh địch, vừa tích cực tăng gia sản xuất. Một phần lương thực được người dân đưa đi tiếp tế cho bộ đội. Dù trong những điều kiện khó khăn nhất nhưng tinh thần phục vụ cách mạng của nhân dân xã Gào rất cao. Cứ vậy, từ những câu chuyện trong lòng hang đá cách mạng, ông Biă và ông Piong không ngừng nhắc nhớ về những nghĩa tình của quân và dân, về “ngôi nhà đá” bí mật mà Yàng đã ban tặng cho nhân dân xã Gào.
“Nhân chứng sống” của lịch sử
Thấy tôi muốn được đến thăm hang đá đặc biệt, ông Rơlan Biă bảo: “Chờ già vài phút, già vào nhà lấy cái rựa và ít nước uống rồi sẽ dẫn con đến đó. Nay chắc cỏ mọc che kín cửa hang rồi. Phải cầm rựa theo để phát quang chỗ đó”. Theo chân ông, men theo con đường mòn dẫn từ làng qua mấy rẫy cà phê và qua con suối Ia Púch róc rách, chúng tôi đạp cỏ, gạt tán cây bụi tiến về phía những dãy đá chồng lấn lên nhau tầng tầng lớp lớp.

Đối với nhiều thế hệ con cháu xã Gào sau này, câu chuyện về hang đá cách mạng như một huyền thoại trong lòng đất. Anh Siu Lai-Trưởng thôn C-chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi đã được nghe ông bà mình kể chuyện về di tích hang đá. Cảm động và tự hào vô cùng. Là thế hệ tiếp nối truyền thống cha ông, chúng tôi nguyện một lòng theo Đảng xây dựng xã Gào Anh hùng ngày càng giàu đẹp”. 


Rồi hang đá cũng hiện ra trước mắt. Đây là một hang đá tự nhiên ăn sâu dưới lòng đất với nhiều ngách hang dẫn tới những hướng khác nhau. Chính vì cửa hang rất hẹp nên khó có thể phát hiện ra đây là một hang đá có thể chứa gần 30 người. Trải qua mấy chục năm dầu dãi nắng mưa, cỏ cây bám rễ vào các kẽ đá che kín cửa hang. Ông Biă thuyết minh: “Trong này đủ chỗ cho mấy chục người, cho dù bên trên bom đạn có trút xuống thì nơi đây vẫn an toàn”.
Hang đá làng C thuộc Khu Di tích lịch sử Khu 9 như một nhân chứng lịch sử qua nhiều thế hệ. Ông Rơmah Djói-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gào-cho biết: “Trước đây, tôi tham gia du kích và bảo vệ cho các đồng chí: Lê Tiến Hồng, Ksor Ní... Khi các đồng chí ở đây chỉ đạo đánh địch, mỗi lần địch càn quét thì tránh vào hang đá. Phải nói rằng, nhiều thế hệ cha anh chúng tôi đã rất tự hào về những năm tháng được đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Những di tích như cây đa, hang đá sẽ mãi là “nhân chứng sống” của lịch sử, minh chứng cho sự anh dũng của quân và dân xã Gào”.
Trong những năm tháng kháng chiến, xã Gào là địa bàn nằm sát vách các đồn bốt và căn cứ quân sự của địch nhưng quần chúng nhân dân vẫn giữ vững thế làm chủ hợp pháp, luôn một lòng theo Đảng. Tại xã, địch đã xây dựng được ấp chiến lược, dồn dân tập trung khoảng 2.000 đến 3.000 dân, bên trong là bộ máy kìm kẹp, vậy nhưng người dân vẫn đấu tranh quyết liệt. Còn ở một số làng, nơi địch không thể lập ấp chiến lược, người dân luôn giữ vững tinh thần thủy chung cách mạng, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ, bộ đội. Bà Rơmah Boch (làng C) kể lại: “Hồi ấy, chúng tôi hăng hái làm rẫy mì, rẫy lúa để nuôi cán bộ, bộ đội. Bà con trong làng đoàn kết lắm, sẵn sàng dẫn đường đưa bộ đội vào khu căn cứ để hoạt động”.
Còn ông Biă thì bùi ngùi tâm sự: “Những năm sau khi đất nước thống nhất, cán bộ cách mạng vẫn thường xuyên về lại Khu căn cứ để thăm lại hang đá, cây đa... Chúng tôi, những người già trong làng đã trải qua biết bao thăng trầm với vùng căn cứ này thì hay lui tới đây để ngồi kể nhau nghe những câu chuyện cũ. Ngồi bên dòng suối Ia Púch, trước cửa hang đá..., biết bao ký ức buồn vui, đau thương, hào hùng ùa về. Mong sao thế hệ cháu con sau này lấy nơi đây làm điểm đến để ghi nhớ về những trang sử của dân tộc”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã Gào đã triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, năm 2017, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và tiếp tục thực hiện các tiêu chí nâng cao. “Đặc biệt, chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp để quy hoạch Khu Di tích lịch sử Khu 9 rộng 2,2 ha, trong đó có hang đá, cây đa, hệ thống hầm hào... và phục dựng một số địa điểm trong căn cứ xưa. Hy vọng, sau khi hoàn thành, đây sẽ là điểm đến ý nghĩa cho nhiều thế hệ cũng như du khách trong và ngoài tỉnh”-ông Thanh nói.
Những câu chuyện về hang đá cách mạng làng C hôm nay như vẫn còn mới nguyên, nóng hổi trong từng nhịp thở của núi rừng. Ở đó, những ký ức hào hùng vẫn đang được viết tiếp và lưu truyền cho con cháu thế hệ mai sau để từ đó ra sức học tập, luyện rèn.
TRẦN DUNG
---------------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).