Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa chính thức tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, lên ngưỡng 3%-3,25% - mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Việc FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo với mục tiêu đưa lãi suất lên 4,6% trong năm 2023 và có thể giảm dần từ năm 2024 là thông tin không tích cực cho thị trường chứng khoán thế giới.
Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite giảm 1,7% sau khi FED tăng lãi suất. Giá dầu cũng giảm mạnh do nỗi lo lãi suất tăng cao sẽ gây suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng sụt giảm.
Đồng USD tăng nhanh sẽ tạo áp lực lên hệ thống tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Để kiềm chế sự tăng giá của USD, NHNN sẽ thực hiện các nghiệp vụ bán USD ra ngoài thị trường để giải tỏa nguồn cầu, đồng thời sẽ hút VND về lại hệ thống. Điều này tạo sự thiếu thanh khoản VND ngoài thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán.
NHNN tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% cho năm 2022 dù một số ý kiến đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15-16%.
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, điều này cho thấy sự thận trọng của NHNN trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra, khi FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay; USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam; áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN muốn ngăn chặn cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất mạnh.
Nguồn vốn từ kênh tín dụng bị giới hạn cũng sẽ khiến các dòng tiền bị rút mạnh hơn từ tất cả các kênh khác. Việc lựa chọn chính sách trong bối cảnh lạm phát cao, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, sản xuất gặp nhiều khó khăn là một thách thức rất lớn với nhà điều hành. Đặt trong hoàn cảnh đó, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng trực tiếp là điều dễ hiểu và cũng là lĩnh vực dễ nhìn thấy tác động nhất.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,5% năm 2022 và tăng 6,7% trong năm 2023, dựa trên nền tảng ổn định vĩ mô. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất châu Á. Trong một báo cáo gần đây, Pyn Elite Fund - quỹ đầu tư đến từ Phần Lan, dự báo, năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết của Việt Nam sẽ đạt 25%. Chứng khoán Việt Nam đang được định giá đặc biệt rẻ khi tính đến triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới.
Tại phiên họp chuyên đề ngày 22-9 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, huy động; phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay…
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí. Bộ KH-ĐT tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… Đây là những yếu tố nền tảng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Trở lại với chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 22-9, trái ngược với thế giới, VN Index tăng 4,15 điểm (0,34%) lên 1.214,7 điểm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường sắp tới vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên FED tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, nên thị trường sẽ nhanh chóng tìm được điểm cân bằng trong thời gian tới.
Theo một số chuyên gia, đây là vùng thích hợp để quan sát, giải ngân hơn là vùng bán cổ phiếu bằng mọi giá, khi đa số cổ phiếu đã về vùng khá thấp (ngang đợt bán tháo trước đây), cũng như một số ngành dự kiến ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 tích cực (như: bán lẻ, thực phẩm - đồ uống, xây dựng hạ tầng…).
Theo HÀ MY (SGGPO)