Tìm cây chữa thất tình-Kỳ I: Cây Chia Xa Nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Có rất nhiều câu chuyện huyền bí của đồng bào các dân tộc thiểu số trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Có những câu chuyện, sự việc hay nên áp dụng, phát huy vào đời sống hằng ngày. Song cũng không ít chuyện, việc với tính chất ngược lại, hoặc tùy vào đối tượng sử dụng nó mà cho ra những kết quả xấu, tốt khác nhau. Chuyện về cây Păr Kếh (Parakê: cây Chia Xa Nhau, cây Chữa Thất Tình) của người Pa Kô ở huyện rẻo cao Hướng Hóa, Quảng Trị là một ví dụ.

Ba mẹ Độ là láng giềng của chúng tôi ở phường 1, TP Đông Hà. Độ tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế đã một năm nay nhưng chưa tìm được việc làm. Tuy nhiên Độ rất ít khi ở nhà. Cậu có cô người yêu ở thành phố Huế tím mộng mơ nên đa phần thời gian đều ngụ trong đó.

 

Già Hồ Ku Chánh kể về tác dụng cũng như tác hại của cây Păr Kếh.
Già Hồ Ku Chánh kể về tác dụng cũng như tác hại của cây Păr Kếh.

Chàng cử nhân thất tình

Một hôm, mẹ Độ, chị Nguyễn Thị Vường, lật đật sang nhà chúng tôi, giọng hớt hải như người mất của: “Chú tìm cách chi mau mau giúp thằng Độ tui với. Nó thất tình như người sắp đi…Mấy hôm ni cháu nó không về nhà. Tui gọi điện, nhưng nó không nghe máy. Gọi hỏi mấy đứa bạn của nó, chúng nó bảo cháu đang bị thất tình, cứ chạy xe máy suốt ngày ngoài đường, đau đớn, tuyệt vọng như chuẩn bị quyết…lìa đời. Vợ chồng tui lo lắm, từ hôm qua tới giờ đứng ngồi không yên!”. Ngẫm nghĩ một lúc, chúng tôi nói chị Vường nhắn tin cho cháu, bảo ba đang ốm nặng. Lúc cháu về đây, chị em mình mới tính được.

Chạng vạng tối hôm sau, Độ mới về tới nhà, mặt mày hốc hác. Tôi bảo, tôi xin lỗi cháu nhiều, nhưng chỉ có cách đó để cháu về nhà. Độ bỗng ôm chặt lấy tôi, khóc hu hu như một đứa trẻ: “Cháu nghĩ kỹ rồi, cháu phải vào miền Nam kiếm việc. Ở đây, cháu không xin được việc, nay lại phải chịu áp lực”. Độ chia sẻ: “Không phải cháu bị áp lực công việc, mà áp lực tình cảm chú ơi! Cô ấy đã chia tay cháu rồi. Lỗi không phải của cháu hay của cô ấy, mà do ba mẹ cô ấy không muốn con gái mình phải lông bông. Cách đây mấy tháng, họ đã tìm cho con gái của họ một chỗ dựa. Chồng sắp cưới của cô ấy là con của ông Bí thư huyện. Ông đó xây nhà cho con trai khi nó đang học Đại học Luật năm  3”. Độ kể với mặc cảm nghèo hèn: “Nhà ba mẹ cô ấy là nhà 3 gian. Từ ngôi nhà cũ, cô ấy bước một bước lên tới 3 tầng. Nhưng điều cháu nhất trí với chú, là ai rồi cũng phải làm nhà để ở, của cải là thứ có thể làm ra được mà!”. Tôi vỗ vai Độ: “Họ thấy cây mà không thấy rừng. Chú chắc chắn cháu sẽ sớm trưởng thành và vững vàng với cuộc đời”.

Sáng hôm sau, mới 5 giờ 30 phút, Độ đã sang gõ cửa nhà chúng tôi, giọng buồn bã: “Đêm qua, cháu không tài nào ngủ nổi, thi thoảng ngực lại nhói lên, nỗi đau mất mát như sờ nắm được. Cháu tạm cần một thứ thuốc để sớm được quên đi nó”. Cảm thấy mọi lời khuyên của mình đi vào ngõ cụt nên tôi “nói liều” với Độ: “Việc mất mát tình cảm nam nữ đầu đời thường khiến con người ta cảm giác tận cùng đau khổ. Song đó chính là kỷ niệm đẹp đẽ nhất, không thể nào quên trong cuộc đời. Cháu hãy để cho cảm xúc của mình diễn ra tự nhiên. Hãy tranh thủ lúc này để “tận hưởng” nó. Sau này cháu có muốn cũng không thể nào tìm lại được cái cảm giác đó đâu!”.

 

Cây Păr Kếh, theo một số người Pa Kô, được dùng nó để chữa thất tình.
Cây Păr Kếh, theo một số người Pa Kô, được dùng nó để chữa thất tình.

“Cháu biết cháu sẽ vượt qua, nhưng vì cháu muốn vượt qua nó nhanh nhất để mình sớm làm những việc mình cần làm, phải làm ở phía trước”,  Độ trải lòng, rồi khẩn khoản: “Cháu biết chú có thể giúp được cháu. Cách đây mấy tháng cháu có đọc một bài viết về Cây Tình Yêu của người Pa Kô ở Trường Sơn. Cháu nghĩ nếu có cái cây đó, chắc chắn sẽ có cái cây có tác dụng ngược lại. Hôm qua vào Google tìm kiếm, cháu thấy người ta cũng có nói đến cái cây này. Chú đi nhiều, có thể tìm hiểu, giúp cháu với!”.

Người trong cuộc kể

8 giờ sáng, chúng tôi bốc máy gọi Hồ Văn Thủ, người từng “bị” một số tờ báo cho là chủ nhân của Cây Tình Yêu ở xã A Xing, huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị) mà năm ngoái báo Tiền Phong đã có phóng sự Đi tìm chiếc lá Tình Yêu. Thủ là cán bộ văn hóa xã. Sau một hồi dò hỏi và năn nỉ Thủ câu trả lời, Thủ bảo: “Tôi cũng có nghe nói nhiều đến cây chữa thất tình của người Pa Kô, nhưng tôi không rõ lắm về thực hư của nó. Nhà báo hỏi già Hồ Ku Chánh ấy. Già là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã. Già rất rõ về việc này”. Ngay sáng hôm đó, chúng tôi trực chỉ miền biên ải A Xing, áp biên giới Việt-Lào.

A Xing là 1 trong 8 xã thuộc vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, gồm Thanh, Thuận, Hướng Lộc, A Túc, A Xing, Xy, A Dơi và Ba Tầng. Ngoại trừ Hướng Lộc, 7 xã còn lại đều nằm hai bên đường Lìa từ xã Thanh giáp với Ngã ba Tân Long trên Quốc lộ 9 vào đến Ba Tầng. Trời Quảng Trị bữa đó gió mưa tầm tã. Nước sông La La qua xã Thanh ngấp nghé mặt cầu. Từ đây vào A Xing quãng 20 cây số đường thảm nhựa nhưng qua một số cầu tràn nước ngập rất nguy hiểm. Chúng tôi bấm bụng đi tiếp, chỗ nào cảm thấy không an toàn thì vào nhà dân nhờ trợ giúp. Đầu giờ chiều, rồi cũng lần tới được A Xing. Anh cán bộ văn phòng xã bảo, già Hồ Ku Chánh đang dự Ngày hội Đại đoàn kết trong dân, rồi vui vẻ chạy xe máy đi tìm ông về giúp chúng tôi.

Già Hồ Ku Chánh còn có tên gọi khác là Ăm Nhờ. Ông năm nay ở tuổi 80. Hai năm trước, ông xin nghỉ việc xã, muốn ở nhà với con cháu, song lãnh đạo động viên ông tiếp tục với công việc bởi ông là người rất có uy tín với dân bản. Dẫu tuổi đã cao nhưng đầu ông vẫn còn rất minh mẫn, sức khỏe đi lại vẫn còn dẻo dai. Việc xã muốn ông tiếp tục làm việc là để tiếp tục giúp đỡ chính quyền, người dân trên địa bàn ngày càng đoàn kết, gắn bó hơn để phát triển. Chuyện trò hồi lâu, chúng tôi lần dò hỏi già Ku Chánh về loại cây Păr Kếh (Parakê) - cây Chia Xa Nhau, hay còn gọi cây Chữa Thất Tình của người Pa Kô. Già Ku Chánh bảo đó là câu chuyện dài, mang nhiều điều buồn đau nên không muốn kể, dù người muốn biết chuyện này là ai. Trước sự dứt khoát của già, chúng tôi bấm bụng kiên nhẫn, rồi nảy ý muốn được đến thăm nhà của già, muốn được uống trà để chuyện trò về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân bản nơi đây.

 

Bản làng Kỳ Rỹ từng có một thời gian dài buồn bã do một số bà con ở đây bị người khác sử dụng Păr Kếh làm hại vì lý do ghen tỵ, tư thù.
Bản làng Kỳ Rỹ từng có một thời gian dài buồn bã do một số bà con ở đây bị người khác sử dụng Păr Kếh làm hại vì lý do ghen tỵ, tư thù.

Về nhà, già Ku Chánh lấy từ trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ ra những huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi kể… Ông từng có thời gian dài ở trong quân ngũ, từng xông pha chiến đấu ở các chiến trường Bình-Trị-Thiên và chứng kiến bao cảnh hy sinh, chết chóc do bom đạn giặc giết hại nên rất hiểu giá trị cuộc sống của thời bình. Ông đi bộ đội từ năm 1963, lúc đầu được biên chế vào Ban Kinh tế Khu ủy Bình-Trị-Thiên. Sau đó trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều nơi như ở A Sầu-A Lưới, đồi Động Trị-Hướng Hóa, Quảng Trị. Năm 1978, ông hồi hưu với cấp bậc thiếu úy. Rời tay súng, ông trở về quê hương bản quán ở bản Kỳ Rỹ, xã A Xing. Và ông gặp, rồi kết duyên với bà Hồ Thị Y. Mặn nồng chưa được bao lâu, vợ chồng ông trở thành nạn nhân của một người biết sử dụng cây Chữa Thất Tình, tức cây Chia Xa Nhau ấy. Nói đúng hơn, người đó đã sử dụng loại cây này để chia cắt tình cảm của vợ chồng ông. Bởi cây Chữa Thất Tình thực ra là cây Chia Cắt Tình Yêu, cây Chia Xa Nhau, tùy vào mục đích sử dụng mà nó mang lại để có những kết quả tốt, xấu khác nhau. Trong trường hợp của vợ chồng ông và một số cặp vợ chồng khác ở bản, theo ông nói, đều bị cái cây này gây ra những khổ cảnh. Vậy nên, lúc ai đó nhắc đến, hay muốn hỏi cây này dù với dụng ý mục đích gì, đều bị ông thẳng thừng từ chối.  

Chúng tôi chăm chú lắng nghe, chia sẻ sâu sắc những cảm giác và suy nghĩ của già Ku Chánh: Nếu cây chia cắt tình yêu ấy có thật thì thiết nghĩ những người biết nó nên có tiếng nói hay sự đóng góp tích cực khác cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học ngành Y, để qua đó những nhà nghiên cứu, nhà khoa học này sẽ tiến hành những nghiên cứu cụ thể, với kết quả mang lại nhằm phục vụ cuộc sống con người. Họ cũng sẽ có những biện pháp truyền thông thích hợp, có tác dụng giáo dục, khuyến cáo, hay cảnh báo người khác nên hay không nên sử dụng loại cây này. Già Ku Chánh trầm ngâm suy nghĩ. Chúng tôi tiếp lời: Dạ thưa bố! Trường hợp vợ chồng đang sống với nhau rất hạnh phúc thì việc sử dụng cây đó có nên không?. Hoàn toàn không nên! Ông bật ra câu trả lời như có từ trong vô thức. Vậy một đôi nam nữ đang yêu nhau say đắm nhưng không hiểu lý do gì cô gái bất ngờ bỏ chàng trai đi lấy chồng không một lời giải thích. Chàng trai vì thế trở nên rất đau khổ. Anh ta thậm chí muốn tìm cách chết đi cho nhanh. Trong trường hợp này, việc sử dụng cây đó có nên không (?!). Già Ku Chánh bỗng vò mạnh đầu mình rồi áp chặt bàn tay vào trán, khuỷu tay chống xuống đầu gối đang co lại, như vắt óc suy nghĩ. Đoạn, ông bảo chúng tôi: Bố sẽ kể, nhưng các con phải viết cho thật câu chuyện của bố để có tác dụng ngăn chặn những kẻ xấu, tuyệt nhiên không để những kẻ xấu lợi dụng loại cây này mà hãm hại người tốt…

Hữu Thành - Hiền Lương/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.