Tiếng vĩ cầm ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều tà, những đám mây đen sà thật thấp xuống mặt biển. Đang ngồi hóng gió trước mũi tàu, tôi bỗng nghe tiếng violon véo von đâu đó. Lần theo tiếng đàn, tôi bắt gặp một nữ nghệ sĩ trẻ đang phiêu với cây vĩ cầm ở cuối boong tàu.

Đó là một ngày đầu tháng 5 năm 2023, trên tàu Kiểm ngư KN290 đang hướng từ đất liền ra quần đảo Trường Sa. Tiến lại gần, tôi nhận ra đó là nữ nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền - người mà trước đó ít hôm tôi đã “gặp” trong MV Đất nước trọn niềm vui phát trên truyền hình quốc gia nhân kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước 30/4. MV do chính chị chuyển soạn cho violon và biểu diễn theo một phong cách rất riêng.

NS Minh Hiền đang thực hiện MV trên đảo Sinh Tồn Đông A. Ảnh: Đại Dương

NS Minh Hiền đang thực hiện MV trên đảo Sinh Tồn Đông A. Ảnh: Đại Dương

Đi về phía mặt trời

“Con tàu đưa em về phía mặt trời/ Con tàu đưa em đi xa, xa khơi/ Một khoảng mênh mông Trường Sa/ Một khoảng bâng khuâng hồn ta…”. Tôi nhẩm hát theo đoạn nhạc Minh Hiền biểu diễn từ ca khúc Sóng Trường Sa do Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn sáng tác. Tướng Sơn là một người đa tài, trong hành trình hơn bốn thập niên qua, ông không chỉ có y học mà còn có âm nhạc. Vì thế, mọi người không chỉ biết đến ông là một thầy thuốc giỏi với một loạt chức danh như PGS.TS, BS, nhà giáo nhân dân, giám đốc một bệnh viện quân y, mà còn biết đến ông là một người sáng tác nhạc tài hoa, dù chỉ là “tay ngang”. Gia tài âm nhạc của ông rất đáng kể, với nhiều CD riêng và chung. Hầu hết những sáng tác của ông đều gắn liền với chủ đề biển đảo, tình yêu quê hương đất nước, người lính và ca khúc Sóng Trường Sa là một trong số đó.

NS Minh Hiền biểu diễn trên tàu KN290 trong chuyến thăm Trường Sa đầu tháng 5/2023.

NS Minh Hiền biểu diễn trên tàu KN290 trong chuyến thăm Trường Sa đầu tháng 5/2023.

Ca từ trong Sóng Trường Sa mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng giai điệu của nó lại trào lên như sóng, đầy nội lực và cảm xúc qua ngón đàn vi diệu của Minh Hiền.

Minh Hiền là nghệ sĩ violon thế hệ 8X với nhiều dấu ấn. Hiền cùng ban nhạc Làn Sóng Trẻ từng giành danh hiệu quán quân Liên hoan các Ban nhạc nhẹ toàn quốc 2000 khi chị còn là sinh viên. Minh Hiền từng có hơn 15 năm đứng ở vị trí quan trọng trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tham gia biểu diễn cả nghìn buổi hòa nhạc trong và ngoài nước. Gần đây, Minh Hiền quyết định chọn lối đi riêng trên con đường âm nhạc và MV Đất nước trọn niềm vui cùng album Phượng linh gồm 12 tác phẩm sáng tác hoặc chuyển soạn cho violon là sản phẩm đầu tiên của chị trên ngã rẽ này.

NS Minh Hiền đang thực hiện MV trên Nhà giàn DK1-11.

NS Minh Hiền đang thực hiện MV trên Nhà giàn DK1-11.

Minh Hiền cho biết, đây là lần đầu tiên chị được đến với Trường Sa nên rất háo hức và trong lòng luôn tràn đầy cảm xúc. Hành trang quan trọng nhất của Minh Hiền trong chuyến đi là cây đàn vĩ cầm quen thuộc. Vì muốn được biểu diễn phục vụ đoàn công tác trên tàu KN290 cũng như các cán bộ chiến sĩ tại các điểm đảo nơi đoàn đến thăm, chị đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cả về tâm thế lẫn những tác phẩm để trình diễn.

Đầu hè, Trường Sa biển động và có những cơn mưa to. Nhiều lần đoàn công tác phải xuống xuồng ra vào đảo trong mưa và gió quất ràn rạt. Mặc dù vậy, Minh Hiền vẫn gói chiếc đàn trong túi nilon, mang theo để phục vụ chiến sĩ. “Đến với Trường Sa, tôi càng thêm tự hào, xúc động khi được hiểu hơn về đất nước mình và những người lính đã gian nan vất vả, hy sinh để bảo vệ biển đảo, chủ quyền của đất nước”, Minh Hiền chia sẻ. Đó cũng là lý do trong suốt hành trình ở Trường Sa chị luôn “cháy” hết mình, dù biểu diễn trên tàu hay trên đảo.

Phút chia tay giữa đêm trên đảo Trường Sa là một kỷ niệm đáng nhớ. Sau 3 hồi còi tàu báo hiệu giờ khởi hành rời đảo sắp đến, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo xếp thành những hàng dài trên cầu cảng để tạm biệt con tàu và đoàn công tác. Mọi người trên tàu cùng dồn về một phía để vẫy chào những người ở lại. Chợt tiếng vĩ cầm của Minh Hiền cất lên, tất cả cùng hòa nhịp hát theo: “Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính, mãi mãi lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca...”. Rồi: “Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh, trời xanh trong nắng mới (...) Đây con tàu ra khơi, đây con tàu xa khơi…”. Cứ như thế, bằng tiếng vĩ cầm, Minh Hiền dắt dàn đồng ca cùng đi hết bài hát này đến bài hát khác, cho đến khi con tàu rời xa đảo.

Đem Trường Sa về với đất liền

Ngoài biểu diễn phục vụ các cán bộ và chiến sĩ Trường Sa, nữ nghệ sĩ còn kết hợp thực hiện MV cùng tên Sóng Trường Sa và dự định cho ra mắt đúng vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. “Không chỉ đem tiếng vĩ cầm đến với Trường Sa, tôi còn đem Trường Sa về với đất liền”, Minh Hiền chia sẻ lý do chị vượt sóng gió để làm MV này.

Vừa đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông, trời đổ mưa, Minh Hiền vẫn đội mưa để thực hiện cảnh quay dù cả người ướt sũng. Hôm đến thăm nhà giàn DK1-11, biển động, việc lên xuống gặp nhiều khó khăn, nhưng Minh Hiền không ngần ngại ôm theo cây vĩ cầm trèo lên để phục vụ cán bộ chiến sĩ và quay những cảnh biểu diễn trên nhà giàn. Người giúp chị ghi hình là Đại úy Trần Văn Chính, thuộc Bệnh viện Quân y 175. Đại úy Chính cho biết, anh thường xuyên cùng đoàn công tác của bệnh viện bay ra quần đảo Trường Sa bằng trực thăng để cấp cứu bệnh nhân, nhưng đây là lần đầu anh biết có một nghệ sĩ đem tiếng vĩ cầm ra Trường Sa. Minh Hiền làm MV với tất cả niềm đam mê, khao khát đem Trường Sa về với đất liền bằng con đường âm nhạc nên anh luôn hết lòng hỗ trợ cô để có sản phẩm tốt nhất. Thời gian ít ỏi, cả hai luôn tranh thủ tối đa để quay được những cảnh mà sẽ khó có thể lặp lại lần thứ hai trong đời.

Minh Hiền tâm sự: “Có được cơ hội để thực hiện MV Sóng Trường Sa ở chính Trường Sa - vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tôi tự hào hơn bao giờ hết. Chỉ khi đến nơi này thì mới hiểu được rằng những người con Việt Nam đã phải chiến đấu, hy sinh như thế nào để có được độc lập, tự do như hôm nay. Vì vậy, biểu diễn tác phẩm âm nhạc tôn vinh những người chiến sĩ Trường Sa, vừa là niềm tự hào, vừa trách nhiệm của những người nghệ sĩ trẻ chúng tôi.”

Con chim không ngừng hót

Minh Hiền thấy những nghệ sĩ trẻ như mình cần phải tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng đất nước. Và, cần phải chuyển tải thông điệp này đến lớp trẻ ngày nay và cả những thế hệ mai sau. “Với một nghệ sĩ, lý tưởng cống hiến cho đất nước là điều tôi rất coi trọng”, Minh Hiền bày tỏ.

Trịnh Minh Hiền là một trong những nghệ sĩ violon hàng đầu Việt Nam, chị có hơn 20 năm biểu diễn và sáng tác chuyên nghiệp. Xuất thân từ “lò” violon cổ điển, nhưng với Minh Hiền, nếu chỉ có vậy thì chưa đủ thỏa mãn cá tính âm nhạc của mình. Vì thích nhiều phong cách âm nhạc nên chị tự tìm hiểu, nghiên cứu để sáng tác, chuyển soạn và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc theo cách riêng.

Chị tự đánh giá mình là một nghệ sĩ dân tộc và đã sử dụng tất cả những chất liệu dân tộc mình đã nghiên cứu được, kết hợp với yếu tố hiện đại để làm lan tỏa những giá trị âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Chị cho biết, khi biểu diễn phục vụ bạn bè quốc tế, chị luôn lựa chọn các trang phục truyền thống, mang chất liệu dân gian Việt Nam để giới thiệu cho các bạn. Đi kèm với đó, chị luôn lựa chọn những tác phẩm Việt Nam để biểu diễn. Minh Hiền trải lòng: “Chặng đường 20 năm chơi đàn vĩ cầm, cho đến giờ tôi cảm thấy mình thật sự hạnh phúc, chỉ đơn giản là mình lao động, mình cống hiến. Quá trình cống hiến luôn gặp nhiều chông gai, nhưng chúng ta không thể ngừng cống hiến, bởi đã là chim không thể ngừng hót”.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.