Tiếng lục lạc trong tâm thức đồng bào Trường Sơn-Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày xưa, một số làng đúc đồng ở miền Trung chế tác lục lạc với nhiều kiểu khác nhau để cung cấp cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nó có một số hình dạng khác nhau, hình tròn, hình quả bầu, chiếc chuông. Đối với các tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, lục lạc được sử dụng để làm đồ trang sức, nhạc hiệu trong nghi lễ cúng thần linh, nhạc cụ hòa âm với trống, chiêng, chập chõa tạo nên nhịp điệu cho các điệu múa dân gian.
Mỗi chiếc lục lạc bao giờ cũng có phần đầu và phần đuôi. Phần đuôi thường được khoét lỗ để xâu lại thành chuỗi hạt lục lạc hoặc phối hợp với một số loại trang sức khác như cườm để đeo hoặc gắn trên quần áo, đồ dùng sinh hoạt hay nghi lễ. Giữa đầu chiếc lục lạc có một khe hở rộng, chia đều đầu lục lạc ra hai bên giống như cái mồm cá. Trên thân lục lạc có trang trí điểm xuyết một số hoa văn, họa tiết. Bên trong lục lạc thường gắn một thanh nhỏ hay những viên bi rời để khi rung hoặc cử động, những vật này chạm vào thành lục lạc hay chạm vào nhau, nhờ cộng hưởng phát ra âm thanh.
Đồng bào Jrai gọi lục lạc là Yao. Đây cũng là vật được người dân sử dụng khá phổ biến trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Ngày xưa, trước cổ ngựa của các Pơtao Apui (Vua Lửa) ở Plei Ơi (huyện Phú Thiện) thường đeo lục lạc to có âm thanh đặc trưng, vang xa. Theo tâm thức dân gian, khi nghe tiếng lục lạc reo với âm thanh riêng biệt thì từ xa, dân làng sẽ nhận biết đó là vó ngựa của Pơtao để né sang đường khác hay như lục lạc của tù trưởng hoặc người giàu có cũng có âm thanh khác lạ để phân biệt với người bình thường. Lục lạc gắn với các nghi lễ như: pơ thi, lễ cúng ma... Trong lúc nhảy múa, đàn ông Jrai, Bahnar quàng xâu lục lạc vào cổ như là món trang sức đặc biệt chỉ dành cho lễ hội. Khi múa xoang, một nhạc công hai tay cầm 2 đầu xâu lục lạc, vừa nhún nhảy vừa giật làm cho lục lạc phát ra tiếng reo rộn ràng, hòa nhịp âm điệu trống, chiêng. Dịp lễ hội, những ché rượu cần xưa quý giá cũng được đeo bộ lục lạc như món đồ trang sức, làm đẹp cho thần ché.
Nhạc công dân tộc Jrai diễn tấu nhạc cụ chập chõa với xâu lục lạc đồng trên cổ. Ảnh: Tấn Vịnh
Nhạc công dân tộc Jrai diễn tấu nhạc cụ chập chõa với xâu lục lạc đồng trên cổ. Ảnh: Tấn Vịnh
Đối với người Cơ Tu, lục lạc (rơriu) là đồ trang sức mới du nhập vào cộng đồng so với đồ trang sức có từ xưa như cườm, mã não. Đây là loại trang sức được đeo trên cổ và gắn lên các loại váy áo, dùng cho cả nam và nữ ở trong các dịp lễ hội, trong đám cưới. Khi đi lục lạc sẽ phát ra tiếng reo giòn giã như tiếng nhạc. Thanh niên nam nữ đều thích đeo lục lạc vì tiếng reo của chúng như tín hiệu thay cho lời kêu gọi bạn tình. Người Ca Dong cũng ưa thích món trang sức bằng lục lạc. Trên chiếc vòng đeo cổ thường gắn thêm hai chiếc lục lạc nhỏ.
Trang phục lễ hội của dân tộc M’Nông cũng không thể thiếu những chiếc lục lạc. Nó được gắn trên gấu áo, mép váy, đuôi khố... Khố hoa của đàn ông M’Nông dệt bằng chỉ đen, hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng hay hạt cườm màu ngũ sắc, chiếc khố này gọi là troi nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng. Người giàu sang mới quấn loại khố này. Ở các đuôi khố còn treo nhiều chiếc lục lạc nhỏ gọi là rlêm và vài chiếc lục lạc to gọi là ryu. Phụ nữ M’Nông buộc dây lưng bằng đồng, trên đó có treo những lục lạc nhỏ xen kẽ với những bông hoa bằng bạc. Nhong dũk là loại chuỗi hạt đeo cổ của đồng bào được kết bằng hạt cườm to bằng ngón tay út xen với những chiếc lục lạc to.  
Đặc biệt, đồng bào Tây Nguyên còn dùng lục lạc đồng loại to để đeo trên cổ voi, trâu, bò... Khi các con vật nuôi được chăn thả trong rừng hay bị thất lạc, chủ nó nghe tiếng lục lạc mà tìm ra chúng đưa về chuồng. Lục lạc không chỉ giúp con người làm đẹp mà còn là đồ vật hộ thân. Khi đi đường hai đuôi khố đưa qua đưa lại, những chiếc lục lạc to nhỏ chạm vào nhau vang lên tiếng nhạc, chim chóc và thú rừng nghe âm thanh đó mà hoảng sợ chạy xa. Theo quan niệm của người đồng bào địa phương, khi đi đường một mình mà quấn chiếc khố có gắn lục lạc thì tiếng nhạc nghe vui tai, phấn chấn, tạo tâm lý an toàn, không sợ thú dữ chặn đường.
Cùng với các loại trang sức khác, lục lạc chính là vật gia bảo của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Lục lạc vừa là trang sức làm đẹp cho chủ nhân của nó vừa là vật dụng gắn với lễ nghi cúng bái Pơtao, thần linh của một số tộc người. Cũng như chiêng ché, người sở hữu nhiều lục lạc chính là người giàu có, được mọi người nể phục, tôn kính.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.

 Linh thiêng lễ cúng Quý Xuân tại An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Linh thiêng lễ cúng Quý Xuân tại An Khê

(GLO)- Ngày 8 và 9-3 (nhằm mùng 9 và 10-2 âm lịch), Ban Nghi lễ đình An Khê tổ chức lễ cúng Quý Xuân tại An Khê trường và An Khê đình thuộc Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).

Phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai. Ảnh: Lam Nguyên

Nghĩ suy trong mùa lễ hội

(GLO)- Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian đậm tính cộng đồng và được tổ chức khắp mọi miền đất nước. Ngoài 2 dân tộc bản địa Jrai và Bahnar, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có 42 dân tộc anh em khác sinh sống với bản sắc văn hóa lễ hội độc đáo.

Ông Đinh Plih sắp xếp bộ cồng chiêng và các vật dụng sẵn sàng đem theo khi đi trình diễn, quảng bá văn hóa dân tộc Bahnar. Ảnh: N.M

Đinh Plih: Tự hào “vốn liếng” văn hóa Bahnar

(GLO)- “Ý nghĩa của công việc không phải chỉ nằm ở chỗ tiền bạc mà còn ở nhu cầu về tinh thần, biểu hiện của giá trị, một vốn liếng để tự hào”. Câu nói này thật đúng đối với ông Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Với ông, hạnh phúc đơn giản là bản thân được sống trọn với đam mê.

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

(GLO)- Hoa pơ lang thắp lửa cuối khu nhà mồ làng Pyang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Nổi bật giữa lớp lớp nhà mồ cũ là 3 nhà mồ mới làm. Đó là những dấu hiệu mùa lễ hội giữa núi rừng Trường Sơn.

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro

(GLO)- Từ 21 đến 23-2, làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tưng bừng tổ chức lễ bỏ mả-một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất của người Bahnar Đông Trường Sơn

Gìn giữ giai điệu của đá

Gìn giữ giai điệu của đá

Trong dịp đầu xuân, tại chương trình trình diễn, trải nghiệm di sản văn hóa diễn ra ở Bảo tàng – Thư viện tỉnh, người dân và du khách có dịp thưởng thức những giai điệu của đá được trình diễn bởi nghệ nhân ưu tú A Thu (50 tuổi) ở thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô).

Sức sống từ lễ hội ở làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) khiến ngôi làng này trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ảnh: M.C

Gìn giữ lễ hội để phát triển du lịch

(GLO)- Lễ hội Tây Nguyên không chỉ là sự kiện mang tính cộng đồng mà là “kho báu” cho du lịch. Đánh giá đúng thực trạng lễ hội trong các buôn làng để có giải pháp khai thác phát triển du lịch là vấn đề cần được tính đến.

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).