Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas và 4,83 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/2, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật về gói viện trợ, trong đó có hơn 60 tỷ USD cho Ukraine.

Tuy nhiên, dự luật sẽ khó vượt qua ải Hạ viện nơi đảng Cộng hòa kiểm soát. Tại đây, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, thành viên Cộng hòa, chỉ trích dự luật này không đi kèm các điều khoản để ngăn chặn dòng người di cư kỷ lục qua biên giới Mỹ-Mexico.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Rick Scott khẳng định: "Dự luật trước mắt chúng ta hôm nay sẽ không bao giờ được thông qua tại Hạ viện, sẽ không bao giờ trở thành luật."

Dự luật này gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, 14 tỷ USD cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas và 4,83 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Gói hỗ trợ cũng sẽ dành 9,15 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza và Bờ Tây, Ukraine và các khu vực xung đột khác trên toàn cầu.

Các nghị sỹ tại Thượng viện Mỹ đã đàm phán suốt nhiều tháng qua để đạt thỏa thuận ngân sách nhằm ứng phó nhập cư bất hợp pháp, trong đó phe Cộng hòa yêu cầu tăng cường an ninh biên giới để đổi lấy giải ngân khoản viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine do Nhà Trắng đề xuất.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng họ sẽ không đạt thỏa thuận ngân sách nào tốt hơn, nhưng nhiều nghị sỹ Cộng hòa cho rằng Tổng thống Joe Biden vẫn có thể thay đổi chính sách nhập cư thông qua các sắc lệnh hành pháp sau khi dự luật được phê duyệt.

Tổng thống Biden hồi tháng 10/2023 kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách 106 tỷ USD cho an ninh quốc gia, trong đó ràng buộc khoản viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine với 14 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong chiến dịch trả đũa phong trào Hồi giáo Hamas.

Tuy nhiên, những đề xuất từ Nhà Trắng đều không thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine và Israel, khiến tình trạng này kéo dài sang năm 2024.

Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết.

Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Mỹ, khi Ukraine đang bước sang năm thứ 3 chiến sự.

Có thể bạn quan tâm