Thương nhớ đường làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Có nỗi nhớ cứ động thức trong ta mà chẳng rõ nguồn cơn, cũng chẳng biết nhớ để làm gì. Như thể bước chân phía trước đã chùn, thế nên ngoái đầu nhìn lại. Như thể tuổi đời đã sang bên kia chừng dốc cho đêm dài thừa giấc, mộng mị chẳng tròn, nằm nhớ mông lung. Ai đời lại đi nhớ những con đường làng, có lập dị lắm không? Những con đường đất của ngày xưa ấy, có bước chân tuổi thơ hằn lên màu kỷ niệm dù thời gian “vật đổi sao dời”.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Nhớ con đường đất hẹp liên xóm, ngoằn ngoèo rắn lượn có khúc cua lọt thỏm giữa những bụi tre gai trơ phơi cụm gốc tre già bạc thếch, mắt tre thao láo chẳng bao giờ chớp mi trông hiền khô như mắt ông Tiên, ông Bụt. Có đoạn chạy ngang qua giữa những mảnh vườn bờ rào cây xanh là hàng dâm bụt, chè tàu, bông bay, ổ tàu… phất phơ cành lá, mỗi năm vài lần cắt tỉa. Có đoạn xuyên qua bãi tha ma nhấp nhô những ngôi mộ đất có cây duối dại im lìm đi qua mưa nắng, tháng ngày. Đường liên xóm trở nên quen thuộc từ bước chân đầu tiên lúc biết đến chơi nhà bạn, mở ra bát ngát chân trời theo mẹ đi chợ làng, chợ xã, đến ngôi trường đầu tiên; dẫn lối ra cánh đồng làng bát ngát; gò bãi rộng rinh ngày chăn trâu cắt cỏ. Đường làng hẹp, mòn vẹt bước chân người, dấu chân gia súc mấp mô lồi lõm. Đường làng luôn hấp dẫn bởi vườn nhà ai kia có chùm quả chín đung đưa lấp ló bên bờ rào thưa, để rồi rỏ dãi đứng nhìn, bàn nhau trộm hái. Có hương dủ dẻ lúc choạng vạng tháng hè rực nóng thả mùi thơm không thể vô tình. Đường làng quen thuộc mà kỳ bí bởi những câu chuyện đậm chất liêu trai nghe lóm từ ai đó quanh ngôi mả Hời, quanh cây duối dại chất đầy những chiếc lò đất nung đã qua sử dụng quanh gốc. Đường làng có mùi đặc trưng của làng: ngai ngái mùi phân trâu bò; nồng thơm mùi rơm rạ phơi khô, sực mùi ẩm mốc bốc lên từ lớp rạ rơm ngập nước mùa mưa lũ; hăng hắc mùi khói đốt lá khô củi mục; ngan ngát nhẹ lành mùi sương đêm theo gió sớm nhẹ loang qua hương đồng hương bãi… Tất cả trở nên ám gợi đến mơ hoặc với những ai lội tìm về cùng ký ức!
Đường làng là những con đường liên thôn, liên xã rộng dài được người làng người xã tạo dựng, đắp bồi. Hai bên đường là cánh đồng sắc màu ảo dịu theo độ tuổi của cây, của giống cây. Hai bên đường là những dãy nhà chẳng theo hàng theo lối, rộng hẹp khác nhau, lô nhô cao thấp, có vuông sân phía trước, ngăn chia và cũng là để làm đẹp bằng bờ rào cây xanh, bờ rào thân tre đan gài, gạch xây thẳng thớm hướng mặt nhìn nhau về phía con đường. Đường liên thôn, liên xã thường phải ngang qua con sông, dòng suối. Mùa khô, nối đôi bờ là chiếc cầu tre gập ghềnh đánh nhịp mỗi khi người xe qua lại. Mùa mưa dầm, nước lớn thì có chiếc đò ngang đón tiễn khách bộ hành. Có những đoạn đường làng xuyên giữa bờ tre rợp bóng, cho cảm giác bình yên đến lạ mỗi lúc ngang qua. Đường làng, cứ mỗi chặng chừng dăm cây số là gặp cây đa đầu làng làm chỗ nghỉ chân, mà thực ra đây là cách người xưa đánh dấu mốc phân chia địa giới. Cây đa thường đi cùng với đình làng cách đó không xa. Tưởng chừng cây đa và đình làng nơi nào cũng như nhau nhưng lại chẳng giống nhau chút nào, bởi hằn hiện trong mỗi chúng ta dấu ấn cuộc đời: từ nơi này ra đi, lúc quay về chốn này là điểm đến!
Đường làng có cuộc sống riêng, sống động âm thanh và sắc màu theo thời khắc trong ngày, mỗi mùa trong năm. Sớm mai ra, đường làng rộn bước chân trẻ thơ đến lớp, phụ nữ ra chợ, trâu bò ra ruộng cày, người làng trên xuôi về xóm dưới và ngược lại. Tiếng chim quen gió đưa bờ tre cành lá va nhau tựa như câu hát, tựa lời tự tình, tựa nhịp võng đu đưa kẽo cà kẽo kẹt. Cùng với đó là âm thanh cười nói, râm ran chuyện trò, tiếng họ trâu bò giục bước. Có sắc màu đồng làng mùa gieo cấy, mùa thu hoạch, mùa đất nghỉ trơ phơi. Có cánh cò phau phau nghiêng xoãi, đàn trâu bò thung dung gặm cỏ. Có những chiếc nón trắng nhấp nhô buổi làm đồng. Có những chú bù nhìn rơm giật gió đuổi chim…
Tôi yêu đến đắm say, đến mê hoặc dù đường làng bây giờ hầu như đã được cứng hóa, mở rộng hơn ra. Tiếng động cơ các loại xe cơ giới chạy trên đường làng tạo cảm giác ngột ngạt hơn, nhưng vẻ đẹp riêng có của đường làng không mấy thay đổi nhờ có đồng làng, bờ tre, dòng sông uốn lượn, có nếp nhà thấp thoáng cây xanh, có sợi khói ngoằn ngoèo vườn nhà ai đốt lá, có tiếng chó giật mình sủa vang... Và nhất là mỗi gương mặt người, quen và cả chưa quen còn vương nét thật thà, cả trong lời ăn tiếng nói. Tôi yêu đường làng có buổi chợ chiều nhóm muộn, ngồi lưa thưa bên gốc cây cổ thụ, dưới bụi tre già có bà mẹ già, có chị trung niên bán mua dăm món hàng không đắt giá. Nhiều bận, chẳng làm khách mua, chỉ câu chuyện bâng quơ, chỉ đôi lời thăm hỏi mà tôi đi qua hết buổi chợ chiều.
Có bâng quơ lắm không câu chuyện về những con đường làng?
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.