Mùa lúa rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một buổi tối, ngoài trời mưa rả rích. Chẳng biết làm gì, tôi ngồi lướt Facebook. Chợt thấy tấm ảnh nương lúa xanh mướt với các hàng lúa thẳng tắp. Tôi reo lên: Ôi lúa rẫy! Lâu lắm rồi chưa được nhìn lại. Tuổi thơ tôi, nhớ quá...
Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
Bố mẹ tôi làm công nhân cao su. Tem phiếu dùng để nuôi em ở quê nhà. Ngoài giờ làm, bố mẹ tôi tranh thủ làm rẫy, thi thoảng bố tôi đi câu cá suối về cải thiện bữa ăn. Rẫy ngày ấy chủ yếu trồng các loại cây lương thực như: lúa, bắp, khoai, mì. Ngoài ra còn trồng thêm các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu phụng, đậu nành. Hàng năm, vào tháng 3, khi rẫy đã được nghỉ ngơi một thời gian dài, cả nhà lại đi phát rẫy, chặt cây phơi khô cho đến cuối tháng 4 thì đốt. Khi bầu trời chuyển gió mang theo hơi nước báo hiệu mùa mưa sắp bắt đầu, đất được cày lên tơi xốp. Sau vài cơn mưa to đủ cho cây phát triển, hầu như gia đình nào trong làng cũng ra rẫy trỉa lúa. Cả quả đồi rộn rã tiếng cười, tiếng nói. Đàn ông sẽ dùng 2 cây gỗ to bằng cổ tay vót nhọn một đầu chọc lỗ; phụ nữ và trẻ em thì trỉa hạt. Công việc hoàn tất lúc trời đã nhá nhem tối. Những tia nắng cuối cùng trong ngày hắt vàng cả đỉnh núi phía xa. Chờ đợi 6 tháng. Mẹ tôi đong đếm những cơn mưa, thăm rẫy thường xuyên để dự đoán sản lượng thu hoạch. Lúa chín được gặt về phơi đầy sân vàng óng. Mẹ tôi rê sạch, cắn thử thấy hạt lúa giòn tan trong miệng là được.
Sẩm tối, ánh tà dương dùng dằng với những sợi khói mỏng len qua mái lá quyện hương cơm mới. Tiếng gà con chiêm chiếp lên chuồng. Tiếng gọi nhau về ăn cơm rộn ràng trong ráng chiều vàng mềm như bông lúa chín. Bầy trẻ con tíu tít quây quần bên mâm cơm gia đình. Bát cơm thơm dẻo, ngọt mềm ăn cùng món cá suối kho, với tôi đó là món ăn ngon nhất đã đi vào ký ức. Đó là nỗi nhớ hương vị nắng, gió, mưa và hương đất đỏ chắt chiu vào từng hạt lúa, nuôi dưỡng cả tuổi thơ ăm ắp trong veo.
Rồi cơn lốc các loại cây công nghiệp tràn về, những nương lúa dần thay thế bằng các loại cây cao su, cà phê, hồ tiêu. Bao gia đình chuyển sang mua gạo về ăn. Vậy nhưng, chén cơm từ hạt lúa rẫy vẫn luôn hấp dẫn tôi. Những mảng xanh mát lúa đang thì con gái hay khi chín vàng rộ trải kín từ thấp đến cao luôn hiện hữu trong giấc mơ tôi, như máu thịt mà mảnh đất đỏ ưu ái ban cho. Đó cũng là sợi dây vô hình ràng buộc tôi với mảnh đất này...
 TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.