Thực phẩm bổ sung có nhiều dạng, từ viên nang, kẹo, bột đến viên nén. Dù nhà sản xuất đã ghi rõ liều dùng nhưng mọi người vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Thông thường, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo bổ sung một số chất dinh dưỡng nếu phát hiện bệnh nhân đang bị thiếu chất, đặc biệt là những người mà chế độ ăn hằng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin, khoáng chất hay một dưỡng chất nào đó trong cơ thể. Lựa chọn ưu tiên sẽ là bổ sung dưỡng chất bị thiếu bằng thực phẩm tự nhiên, sau đó mới cân nhắc dùng thực phẩm bổ sung.
Liều lượng bổ sung không chỉ dựa vào khuyến cáo của nhà sản xuất mà còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Vì trên thực tế, nhiều người không cần dùng thực phẩm bổ sung vì họ có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng.
Việc lạm dụng thực phẩm bổ sung có thể gây quá liều, đặc biệt là ở những người thay vì chú trọng chế độ ăn cân bằng thì lại kết hợp nhiều thực phẩm bổ sung với nhau. Ngoài ra, dùng bổ sung một số vitamin và khoáng chất trong thời gian dài có thể khiến hàm lượng những chất này tích tụ trong máu và dẫn đến quá liều.
Một nguyên nhân khác gây quá liều là người dùng đã uống thực phẩm bổ sung rồi, nhưng đồng thời cũng dùng một số loại thức uống được tăng cường vitamin và khoáng chất khác. Tuy nhiên, họ lại không biết đó là loại thức uống đã được tăng cường hàm lượng dưỡng chất. Kết quả là nạp quá liều một số dưỡng chất mà không biết.
Tùy theo mức độ quá liều mà người dùng có thể xuất hiện những triệu chứng. Nếu thừa vitamin A mức độ nghiêm trọng, cơ thể có thể rơi vào trạng thái hôn mê. Thừa vitamin D có thể khiến nước tiểu có máu, trong khi thừa vitamin E lại làm tăng nguy cơ đột quỵ...
Các triệu chứng khác do dùng thực phẩm bổ sung quá liều là đau nhức cơ và xương khớp, nhức đầu, da khô, nhịp tim nhanh, co giật, đau dạ dày và một số triệu chứng khác. Để ngăn ngừa tình trạng này, cách tốt là tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung, theo Verywell Health.
Theo Ngọc Quý (TNO)