Thức dậy giữa núi đồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mờ sáng, đỉnh Chư Đang Ya mờ ảo trong làn sương mỏng. Sắc quỳ vàng rộ bao bọc quanh chân núi như trang trí một chiếc bánh khổng lồ. Từ những lều trại, mọi người cùng thức dậy chuẩn bị bữa sáng, bắt đầu hành trình chinh phục ngọn núi lửa triệu năm tuổi.

Cắm lều ngủ giữa hoang sơ hay leo núi đón bình minh và săn mây đầu ngày đã trở thành trải nghiệm khó quên đối với các gia đình có sở thích xê dịch. Bằng cách đó, họ vừa kết nối với thiên nhiên, vừa gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Sợi dây “2 trong 1” ấy vô hình mà vững chãi, đem lại năng lượng tích cực cho mỗi người trong cuộc sống hiện đại.

Về giữa hoang sơ

Khu vực bằng phẳng dưới chân núi lửa Chư Đang Ya gần đây được nhiều gia đình chọn làm nơi dựng trại qua đêm vì cảnh sắc thơ mộng và hùng vĩ, nhất là khi loài hoa báo đông bừng nở. Đêm đến, hơi lạnh cao nguyên không thắng nổi ngọn lửa bập bùng thơm mùi khoai, bắp nướng trong buổi quây quần. Trời dần về khuya, lũ trẻ chìm trong giấc mơ có tiếng côn trùng rinh rích.

Gia đình chị Phạm Gia Tường trong một chuyến leo núi (ảnh nhân vật cung cấp).

Gia đình chị Phạm Gia Tường trong một chuyến leo núi (ảnh nhân vật cung cấp).

Cho con một tuổi thơ chan hòa thiên nhiên là mong ước của anh Nguyễn Xuân Lộc-chị Huỳnh Thị Luyến (63/103 Tuệ Tĩnh, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Chuyến dã ngoại qua đêm ở Chư Đang Ya mới đây là một trong rất nhiều chuyến đi lý thú như thế. Thức dậy ở một nơi xa, ngay sau khi ăn nhẹ và thu dọn lều trại, gia đình anh chị và nhóm bạn sẵn sàng cho chuyến leo núi đầu ngày.

Chư Đang Ya cao 975 m, độ dốc thoai thoải nên rất phù hợp làm điểm chinh phục dành cho các gia đình có thành viên ở nhiều lứa tuổi. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn lên sườn núi, hai bên cây cỏ xanh rờn. Dong riềng mùa này đã tàn, nhường chỗ cho dã quỳ và biết bao loài hoa dại. Thỉnh thoảng, có những cây to vươn cao cành tán tỏa bóng tựa như chiếc “chiếu nghỉ”. Từ đây, khách tham quan có thể phóng tầm mắt ra bốn bề. Đoạn gần đến đỉnh núi, đường đi dốc cao, gần như dựng đứng, phải gắng sức bám nắm nhánh cây hai bên để tiến lên từng bước. Vừa đi vừa thỉnh thoảng dìu cô con gái 6 tuổi, chị Luyến cảm nhận niềm hạnh phúc khi thấy con hoàn thành mục tiêu mà không một lời kêu ca. Cô bé tự lập và kiên nhẫn là điều mà chị muốn rèn dạy cho con một cách khéo léo qua mỗi chuyến đi. Gần đến đỉnh núi, chị Luyến và các thành viên không khỏi ngỡ ngàng chứng kiến cảnh con trẻ tung tăng giữa vạt cỏ đuôi chồn chạy dọc hai bên lối đi. Khung cảnh tuyệt đẹp với nắng sớm phủ tràn giữa trập trùng non núi, trời mây.

Các ngày cuối tuần hoặc những kỳ nghỉ dài cũng là dịp để gia đình anh chị Lưu Chí Hòa-Phạm Gia Tường (đường Lý Tự Trọng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) xách ba lô lên và đi. “Trẻ con bây giờ phụ thuộc nhiều vào các loại thiết bị điện tử, ít trải nghiệm, như gà công nghiệp vậy. Do đó, chúng tôi muốn thiết kế những chuyến đi để con giảm sự phụ thuộc đó, tăng kết nối với thiên nhiên và gia đình”-chị Tường cho hay.

Các con của chị Huỳnh Thị Luyến chinh phục thành công đỉnh Chư Đang Ya (ảnh nhân vật cung cấp).

Các con của chị Huỳnh Thị Luyến chinh phục thành công đỉnh Chư Đang Ya (ảnh nhân vật cung cấp).

Yêu thích sự vận động và xê dịch, nhiều năm qua, vợ chồng chị Tường tổ chức hàng chục chuyến cắm trại dã ngoại hoặc leo núi từ Bắc chí Nam, cả trong lẫn ngoài nước như: núi Bà Đen (Tây Ninh), Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu), Thiên Môn Sơn (Trung Quốc)… Trong đó, không ít chuyến có sự tham gia của cả 4 thành viên trong gia đình. Gần đây nhất, đầu tháng 12-2023, anh chị cùng 2 cô con gái (9 tuổi và 11 tuổi) đã có trải nghiệm đáng nhớ khi chinh phục đỉnh Chư Hreng (TP. Kon Tum) với độ cao gần 1.200 m. Đỉnh Chư Hreng là điểm săn mây đẹp nhất tỉnh lỵ Bắc Tây Nguyên này, tầm nhìn bao quát cả TP. Kon Tum và một phần khung cảnh tỉnh Gia Lai do nằm ở khu vực giáp ranh.

Từ chiều hôm trước, gia đình chị và nhóm bạn cùng các porter (người dẫn đường, mang vác hành lý) đã lên đường. Do nhiều lần leo núi Chư Đang Ya và Chư Nâm (huyện Chư Păh) nên lũ trẻ đã có kinh nghiệm chinh phục những cung đường cheo leo, đòi hỏi sức bền. Đến nơi, họ cắm trại nấu nướng, ăn uống, ngủ qua đêm để chờ đón bình minh. Chị Tường nhớ lại: “5 giờ sáng, cả đoàn đã thức dậy nhưng trời vẫn tối, gió rất lạnh và còn có cả mưa phùn khiến ai nấy đều thất vọng. Nhưng chỉ một lát sau, nắng dần lên và biển mây từ đâu ùa tới. Trầm mặc núi, bềnh bồng mây. Một cảnh tượng khiến tất cả mọi người đều phấn khích. Cô con gái lớn của tôi đã kịp dùng máy ảnh để chụp lại khung cảnh như tiên giới”.

Họa sĩ Đinh Việt Thanh, một giáo viên mỹ thuật tại TP. Pleiku rất yêu thích hình thức du lịch gia đình thông qua các hoạt động dã ngoại, leo núi. Khá nhiều chuyến trải nghiệm lý thú đã được anh tổ chức cho gia đình và bạn bè tại các điểm đến hấp dẫn như: đập Tân Sơn, núi Chư Nâm… Kể về chuyến đi đáng nhớ nhất, anh Thanh nhắc ngay đến lần leo núi Chư Nâm cách đây 2 năm, đúng vào ngày mùng 3 Tết. Khi đó, người lớn tuổi nhất đoàn đã 71 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi. Tuổi tác, sức khỏe các thành viên khác nhau nhưng đều chinh phục đỉnh núi cao gần 1.500 m thành công và an toàn. “Lần đó, người dân lên núi dã ngoại đông nườm nượp, không khí rất vui. Núi như cũng vui lây vậy”-họa sĩ Đinh Việt Thanh hóm hỉnh kể.

Phát triển bản thân từ những chuyến đi

Không đơn thuần chỉ là dạo chơi, tận hưởng thiên nhiên và không khí trong lành, điều các gia đình tạo lập được qua những chuyến đi chính là giúp con cái tăng cường vận động, kết nối, thử thách bản thân trước hoàn cảnh khó khăn để rèn kỹ năng sống.

Các thành viên nhỏ tuổi trong đoàn leo núi và biển mây trên đỉnh Chư Hreng (ảnh NVCC)

Các thành viên nhỏ tuổi trong đoàn leo núi và biển mây trên đỉnh Chư Hreng (ảnh NVCC)

Từ kinh nghiệm cá nhân, anh Đinh Việt Thanh lưu ý: Du lịch cắm trại, leo núi là loại hình rất lý thú nhưng cần đảm bảo mọi người trải nghiệm an toàn và thú vị. Có lần từ đỉnh Chư Nâm xuống núi, đoàn của anh có 2 bé trai hiếu động chạy lên dẫn đầu và bị lạc. Suốt 2 tiếng đồng hồ, cả đoàn chia nhau đi tìm. Với sự hỗ trợ của 2 người dân địa phương, các cháu đã được tìm thấy. Theo anh Thanh, từ sự cố này, các cháu đã học được bài học đắt giá về kỹ năng xử lý khi lạc rừng, người lớn cũng biết cách quản lý con em tốt hơn trong những chuyến sau. Trong khi đó, chị Tường cũng chia sẻ một vài kinh nghiệm dã ngoại, đó là trang bị còi cho các thành viên để dễ dàng tìm thấy nhau khi bị lạc; hành trang phải gọn nhẹ nhưng không thể thiếu kem chống muỗi, vật dụng sơ cứu phòng khi gặp sự cố.

Nói về những chuyến cắm trại giữa nơi không đèn điện, không sóng điện thoại và wifi, chị Luyến mỉm cười cho hay: “Tôi muốn cho con trải nghiệm cảm giác thử sống ở một nơi thiếu thốn tiện nghi thì sẽ như thế nào. Thử đặt mình vào một hoàn cảnh sống khác, sau này các con sẽ sẵn sàng trong mọi tình huống”. Thêm vào đó, chính vì không bị các thiết bị điện tử chi phối nên sự gắn kết giữa cha mẹ-con cái sâu sắc hơn. Cả gia đình có dịp ngồi trò chuyện, ngắm sao trời và chia sẻ cảm xúc, mong đợi.

“Tôi nhận thấy các con lớn lên sau mỗi chuyến đi”-chị Luyến nhận xét. Các bé đã hình thành kỹ năng tự chuẩn bị vật dụng cá nhân rất tốt trước mỗi hành trình. Bé Nguyễn Nhã Uyên (10 tuổi, con gái đầu của chị Luyến) chia sẻ: “Con đi nhiều chuyến rồi nhưng thích nhất vẫn là chuyến leo núi Chư Đang Ya vì được đi cùng nhiều bạn bè. Leo núi mệt nhưng vui lắm. Con muốn được đi thêm nhiều chuyến như vậy”.

Trong khi đó, bé Lưu Khánh (11 tuổi, con gái chị Tường) hào hứng kể về chuyến cắm trại nơi một con thác giữa rừng Kbang. Đêm xuống, lần đầu tiên cô bé bắt được vô số đom đóm bỏ vào một chiếc chai để ngắm-điều hiếm hoi khi sống giữa phố thị. Khánh như quên đi mệt nhọc khi vừa đi vừa được ba mẹ cập nhật thông tin điểm đến, ví dụ như Chư Nâm là nóc nhà phía Tây tỉnh; Chư Đang Ya được một tạp chí ở Anh bình chọn là 1 trong 10 ngọn núi độc đáo nhất thế giới…

Với chị Tường, đó là hành trình rèn luyện thể chất lẫn tinh thần, giúp con kiên trì dấn thân, không sợ hãi khi khám phá cuộc sống. Đây cũng là dịp hay để chị trang bị cho con ý thức bảo vệ môi trường tại các điểm đến với phương châm “Không để lại gì ngoài những dấu chân”. Trong lần tham quan thác Mơ (xã Ia Khai, huyện Ia Grai), thấy quá nhiều rác bị bỏ lại, làm xấu đi cảnh đẹp, cả gia đình đã dành thời gian thu nhặt, phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định.

Anh Đinh Việt Thanh (bìa trái) và gia đình mang theo cây giống, hạt giống để trồng trong một chuyến dã ngoại leo núi Chư Nâm. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Đinh Việt Thanh (bìa trái) và gia đình mang theo cây giống, hạt giống để trồng trong một chuyến dã ngoại leo núi Chư Nâm. Ảnh nhân vật cung cấp

Tử tế với thiên nhiên cũng là bài học thực tế mà anh Thanh dạy cho các con bằng chính sự nêu gương của cha mẹ. Sau chuyến đầu tiên lên núi Chư Nâm, nhận thấy đường đi nhiều chỗ sạt lở, đỉnh núi trơ trọi, ít bóng cây, vợ chồng anh tự bỏ tiền mua một số loại cây dễ sống như thông, lộc vừng, phượng, cây ăn quả… để trồng dặm trong những lần quay trở lại. Các con anh (7 tuổi và 13 tuổi) cũng được hướng dẫn giữ lại hạt một số loại quả sau khi ăn để phơi khô làm hạt giống. “Khi chuẩn bị lên đường, các con lấy hạt ra ủ, bỏ vào hộp mang theo trồng nơi đất trống, đồi trọc. Chỉ mong cây có thể lên xanh và tồn tại giữa tự nhiên khắc nghiệt”-tình yêu thiên nhiên đã được anh Thanh truyền cho các con như thế.

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.