Thủ tướng: 'Sóng và máy tính cho em' là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thủ tướng nhấn mạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em” là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp. Do đây là phương thức mới nên đòi hỏi thầy cô phải điều chỉnh nội dung, khối lượng để học sinh tiếp thu tốt nhất.
 

Lễ phát động chương trình từ điểm cầu ở Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc
Lễ phát động chương trình từ điểm cầu ở Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc


Tối 12.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Thủ tướng khẳng định chương trình này là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Chương trình được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện, nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng.

Dừng đến trường nhưng không dừng học


Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh chương trình "Sóng và máy cho em" là giải pháp tình thế, nhưng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đây là phương thức mới nên đòi hỏi thầy cô, chuyên gia, học sinh phải điều chỉnh nội dung, khối lượng ,để các cháu tiếp thu tốt, nhất là với lớp 1.

Thủ tướng chia sẻ đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cùng với đó, chương trình sẽ góp phần tiến tới phủ sóng internet, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, mở mang trí thức xã hội, phát triển xã hội số.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý vì đây là phương thức mới nên phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Và muốn thực hiện hiệu quả thì cần đánh giá tác động nhiều mặt để thực hiện được căn cơ, lâu dài, hạn chế ảnh hưởng đến tiếp cận công bằng và chất lượng trong giáo dục.

Nhắc lại mong muốn của Bác Hồ là "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", Thủ tướng nói: Chúng ta phải thực hiện tâm nguyện này của Người trong mọi hoàn cảnh.

Thủ tướng cũng chia sẻ, dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa cắp sách đến trường của các em học sinh. Các em không được nghe tiếng trống trường, giao lưu bạn bè. Nhiều nơi học trực tuyến suốt gần 2 năm qua đã ảnh hưởng tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống nhiều gia đình.

Nhấn mạnh "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", Thủ tướng cho biết ông rất cảm động khi biết nhiều em dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học tập; song nhiều gia đình cũng không có tiền mua máy tính, điện thoại cho con học hành.

Để không phải học trực tuyến kéo dài, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản để các em trở lại trường, nhưng lưu ý "phải an toàn an mới học tập"; ngành y tế sớm tiêm vắc xin cho học sinh, đặc biệt là trẻ em 12 tuổi trở lên...

Tặng 1 triệu máy tính trong năm nay

Để triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ TT-TT cho hay sẽ hỗ trợ sóng Internet bằng cách miễn 100% cước phí khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến (sẽ được Bộ này công bố); hỗ trợ máy chủ cho trường đại học nếu như dùng các phần mềm dạy học trực tuyến theo công bố của Bộ TT-TT…

Cụ thể, phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9.2021.

Tiếp đó, trong năm 2021 sẽ phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.

Kinh phí dự kiến cho việc phủ sóng vào khoảng 3.000 tỉ đồng

Đối với máy tính cho học sinh, dự kiến tại lễ phát động có thể sẽ huy động được gần 1 triệu máy tính bảng cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc trong giai đoạn 1 (năm 2021); trước mắt ưu tiên các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Kính phí dự kiến cho việc này là 2.500 tỉ đồng.

Sang giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), tiếp tục phát động chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Ngoài ra, một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến như: miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến : 645 tỷ (thời gian trong 3 tháng)

Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng ngày 10.9, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 (đối với các cơ sở giáo dục đại học).

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến 16 giờ ngày 12.9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).

Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Trong đó, số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

 

Theo Chí Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.