Chiều 3-1, tại hội nghị ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sẽ cho điện và xăng dầu theo cơ chế thị trường. Thủ tướng cho rằng chiến lược ngành công nghiệp ôtô đã thất bại, phải điều chỉnh.
Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên Bộ Công thương đã công bố doanh thu và lương của các doanh nghiệp thuộc bộ.
Theo Bộ Công thương, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ năm vừa qua tăng khá mạnh. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí (PVN) tăng trên 34%. Đặc biệt, doanh thu của Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng tăng tới 26,7%, Tập đoàn Công nghiệp than- khoáng sản (TKV) tăng 26,9%...
Tập đoàn Dầu khí: Lương trung bình 16,2 triệu đồng/người/tháng
Lương của nhiều tập đoàn, tổng công ty trước nay vẫn là câu hỏi thì nay đã được Bộ Công thương công khai. Cụ thể, lương trung bình của PVN năm 2011 cao nhất, lên tới 16,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% so với năm 2010.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị |
Tiếp theo là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn với 9,7 triệu đồng/người/tháng. EVN đứng thứ ba với lương bình quân được công bố là 8,6 triệu đồng/người/tháng. Mức lương bình quân toàn ngành năm 2010 của EVN cũng là 8,3 triệu đồng/người/tháng - cao hơn nhiều mức lương bình quân mà tổng giám đốc EVN từng công bố (7,3 triệu đồng/người/tháng).
Năm 2011, TKV đạt mức lương bình quân 7,7 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là Tập đoàn Dệt may và Tổng công ty Xây dựng công nghiệp với lương trung bình chỉ 3,3 triệu đồng/người/tháng.
Tổng kết báo cáo của 18 tổng công ty, tập đoàn, công ty trực thuộc, Bộ Công thương cho biết lương trung bình của khối doanh nghiệp nhà nước này đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng.
Điểm sáng: Điện thoại di động
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong thành tích xuất khẩu năm 2011, đáng mừng là khu vực vốn trong nước đã vươn lên rõ rệt. Nếu như nhiều năm trước khu vực FDI xuất khẩu nhiều nhất thì năm qua, khu vực 100% vốn trong nước đã xuất khẩu được tới gần 49 tỉ USD, chiếm 50,3% tổng xuất khẩu. Khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu được 47,9 tỉ USD, chiếm 49,7%.
Thêm một điều đáng mừng nữa là VN đã có thêm một mặt hàng xuất khẩu hứa hẹn làm xoay chuyển tình hình nhập siêu, đó là điện thoại di động và linh kiện. Với việc thu hút được đầu tư của các tập đoàn công nghệ cao, điển hình là Hãng Samsung, chỉ trong năm 2011 mặt hàng điện thoại di động và linh kiện cho loại hàng này đã góp tới 6,8 tỉ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu VN. Mặt hàng này đã ngay lập tức vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu, chỉ sau dệt may.
Tuy nhiên trong nhập khẩu, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện Nghiên cứu cơ khí, cho rằng còn bất cập: VN đang nhập cả máy móc VN đã làm được. Dẫn ví dụ công nghệ sản xuất bôxit, một doanh nghiệp nước ngoài đã mua máy móc do VN chế tạo đem về sử dụng. Ông Sáng khẳng định ngay cả khi có chỉ thị của Thủ tướng về việc phân các gói thầu để tăng sử dụng hàng trong nước nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn bỏ qua. Ông Sáng đề nghị một số thị trường như xây dựng nhà máy điện, máy móc cho công nghiệp hóa chất, bôxit... giá trị mấy năm tới cả trăm tỉ USD, phải cần cơ chế riêng để tăng dùng hàng trong nước.
Vỡ mộng với nhiều ngành
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công nhận xuất nhập khẩu của VN năm qua là một điểm sáng. Tuy nhiên, Thủ tướng nói thẳng đọc báo cáo của Bộ Công thương “có cái mừng, nhưng có cái không mừng”. Như việc mặt hàng thép xuất khẩu hơn tỉ USD tưởng là đáng mừng, nhưng Thủ tướng nói “tôi hơi lo” vì như thế liệu có phải thép lợi dụng giá điện rẻ rồi chỉ nhập phôi, cán rồi xuất đi. Cả việc sản xuất ximăng gây ô nhiễm, rất tốn điện, Thủ tướng đặt câu hỏi “cứ cho phát triển nhiều, giờ xuất khẩu có nên không?”...
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện các đầu việc rất cụ thể: “Phải nghiên cứu ban hành định mức tiêu hao nhiên liệu, ví dụ một sản phẩm chỉ được tiêu tốn mức điện cụ thể, nếu không đạt mức đó thì phải thay đổi công nghệ. Cần đặt thời hạn cụ thể cho doanh nghiệp thực hiện, nếu không đáp ứng thì không cung cấp điện nữa. Không thể kêu gọi chung chung”- Thủ tướng kiên quyết.
Với ngành cơ khí chế tạo, trước mục tiêu đến năm 2020 VN thành nước công nghiệp, Thủ tướng nêu “trăn trở” riêng về ngành công nghiệp ôtô và nói “bao năm nay nói phát triển ngành công nghiệp này mà nay vẫn chẳng có động cơ”. Thủ tướng khẳng định chiến lược ngành ôtô mười mấy năm qua là thất bại và yêu cầu “xem lại quy hoạch. Có phát triển công nghiệp ôtô nữa hay chỉ làm bulông, chiến lược phải nêu rõ. Chứ cứ mở cửa ưu đãi đủ điều, rồi cuối cùng chỉ thấy lắp ráp”...
Công khai minh bạch giá cả, giá thành
Về năng lượng, Thủ tướng yêu cầu ngành công thương phải đảm bảo đủ điện. Ông cũng nêu rõ giá điện sẽ tiến tới cơ chế thị trường và nguyên tắc là “giá điện không được bán thấp hơn giá thành hợp lý vì giá điện thế ai cũng nhập công nghệ thấp”. Thủ tướng cũng nói rõ quan điểm “xăng dầu dứt khoát theo cơ chế thị trường” và yêu cầu Bộ Công thương xem lại quy định về thời gian điều chỉnh giá, quy định về quỹ bình ổn để cần thì chỉnh sửa. Tuy nhiên, Thủ tướng nói rõ: “Phải công khai minh bạch cả giá cả, giá thành cho dân. Cái chưa được cũng phải nghiêm túc báo cáo. Không ai không đồng ý thị trường, vấn đề là phải công khai, minh bạch”...
Về xuất nhập khẩu, Thủ tướng cho biết năm 2012 nhiều dự báo đều nói kinh tế thế giới sẽ khó khăn hơn. VN sẽ bị tác động nên Thủ tướng yêu cầu ngành công thương cần chủ động đấu tranh với các hàng rào thương mại, thuế chống bán phá giá... Nêu việc nhập siêu Trung Quốc đã tới 14 tỉ USD, Thủ tướng đề nghị phải chủ động đề xuất với phía bạn biện pháp để cân bằng thương mại và phải thấy Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu.
Nhắc lại năm 2012 phải tiếp tục coi kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu, Thủ tướng giao ngành công thương phải kiểm soát cho được nhập siêu, vì nếu nhập siêu cao không cách gì giữ được tỉ giá.
Cuối cùng, Thủ tướng nhắc ngành công thương chú trọng công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng. Bộ cũng cần coi tái cơ cấu doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. “Phải xử lý các doanh nghiệp thua lỗ đi kèm với xem xét trách nhiệm”- Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Tuoitre