Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: 'Lũ tại miền Bắc đang rất căng'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, lũ ở các tỉnh phía Bắc đang rất căng, các địa phương cần thông báo, chủ động vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân.

Trưa 9/9, trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, lượng mưa tại các tỉnh phía Bắc hiện rất lớn. Lưu lượng nước đổ về các hồ chứa, hồ thủy điện đang tăng cao.

Ngay trong sáng nay, Bộ NN&PTNT liên tục yêu cầu thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả lũ. Đến thời điểm này, thủy điện Tuyên Quang đã mở đến 6 cửa xả đáy, thủy điện Thác Bà mở 3 cửa xả lũ; thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả lũ.

“Hiện nay lưu lượng nước về thủy điện Tuyên Quang rất lớn, lên tới 6.000m3/s. Nhưng Bộ đang điều tiết, cho lượng nước xả ở mức hơn 2.000m3/s. Với tình hình này, thủy điện Tuyên Quang sẽ tiếp tục mở cửa xả lũ”, Thứ trưởng Hiệp nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nhiều khu vực nước sông đang vượt mức báo động 3.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nhiều khu vực nước sông đang vượt mức báo động 3.

Đề cập đến việc của các hồ thủy điện liên tục xả lũ liệu có liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) khi nước sông Thao đang chảy mạnh siết, Thứ trưởng Hiệp cho hay, không liên quan bởi đây 2 nhánh khác nhau (thủy điện Tuyên Quang xả sông Lô).

Theo Thứ trưởng Hiệp, hiện lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Hà Giang, Tuyên Quang), sông Lục Nam và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương) đang lên. Nhiều nơi đang vượt mức báo động 3, (tức lũ rất nguy hiểm, mực nước trong sông, suối đã dâng lên rất cao, tất cả các vùng đất thấp đều đã bị ngập, kể cả những vùng đất thấp nằm trong thành phố; sự an toàn của các đê bảo vệ ven sông đang bị đe dọa).

“Tình hình đang rất căng. Chúng tôi đang chỉ đạo xả lũ để giảm thiểu thiệt hại cho hạ du. Hiện đã quy định về các kịch bản ứng phó với từng cấp lũ. Các địa phương cần chủ động vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân”, Thứ trưởng Hiệp nói.

Lũ lên cao khiến nhiều khu vực ở Bắc Giang ngập lụt. Ảnh: Công an tỉnh.

Lũ lên cao khiến nhiều khu vực ở Bắc Giang ngập lụt. Ảnh: Công an tỉnh.

Đối với vùng hạ du ở Hà Nội, Thứ trưởng Hiệp cho hay, mực nước trên sông Hồng vẫn dưới mức báo động 1 nên thời điểm này vẫn không có vấn đề gì.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, mực nước lúc 7h hôm nay trên sông Thao tại Yên Bái 33,69m, trên báo động (BĐ)3 là 1,69m. Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 4,73m, trên BĐ1 là 0,33m. Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 5,47m, trên BĐ2 là 0,17m. Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,70m, trên BĐ3 là 0,40m.

Trên sông Lô tại Tuyên Quang 20,15m, dưới BĐ1 khoảng 1,85m. Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 3,73m, dưới BĐ1 là 0,27m.

Dự báo, lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm và đạt đỉnh ở mức 6,80m vào trưa nay, trên BĐ3 là 0,5m sau xuống.

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang tiếp tục lên nhanh. Lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ tiếp tục lên chậm.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.

Theo Dương Hưng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Miền Bắc chưa lạnh, Biển Đông sắp đón bão số 7

Dự báo thời tiết cho biết những ngày đầu tháng 11 có liên tiếp các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn về. Hôm nay theo dự báo, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung sẽ rét trở lại. Thế nhưng thực tế, những người thích không khí lạnh đặc trưng của miền Bắc chưa cảm nhận được điều này.