"Thủ phủ hồ tiêu" tan tác, nợ hơn 4.000 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hồ tiêu của người dân Chư Pưh (Gia Lai) đang chết trên diện rộng. Ảnh: PV
Hồ tiêu của người dân Chư Pưh (Gia Lai) đang chết trên diện rộng. Ảnh: PV
Thời điểm này, tiêu chết hàng loạt đã khiến “thủ phủ hồ tiêu” thành “thủ phủ nợ” với con số hơn 4000 tỷ đồng cùng việc ngân hàng siết nợ, thanh niên trai tráng phải bỏ xứ tứ tán mưu sinh…
Tuy nhiên, một thời chưa xa, những địa danh Chư Pưh, Chư Sê… của Gia Lai là những câu chuyện báo chí với những nông dân sau một đêm thành tỷ phú cùng việc xây nhà lầu, tậu ôtô xịn nhờ trồng tiêu được giá cùng biệt danh “thủ phủ hồ tiêu”. 
Nông dân nợ hơn 4.300 tỉ đồng
Chúng tôi trở lại huyện Chư Pưh - “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên những ngày cuối tháng 9. Và chúng tôi không còn tin vào mắt mình khi nơi đây bỗng dưng trở nên vắng lặng, đìu hiu. Đến đâu cũng chỉ thấy phụ nữ, trẻ con và người già.
Ông Văn Viết Sỹ (69 tuổi) ở xã Ia Blứ thở dài: “Đàn ông trong độ tuổi lao động, bỏ vào các thành phố lớn ở phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... làm công nhân, bảo vệ để kiếm tiền trả lãi nợ ngân hàng” do tiêu bất ngờ chết hàng loạt.
Ông Sỹ trồng 4.000 trụ tiêu, chết sạch 3.000 trụ (trung bình 1.000 trụ tiêu đầu tư khoảng 1 tỉ đồng gồm cả tiền mua đất), số còn lại đang ngắc ngoải, khó sống sót. Thời thịnh vượng, nhà ông mướn hẳn 15 - 20 lao động làm suốt 3 tháng, chỉ để hái tiêu. Giờ tiêu chết trắng gốc, ông cũng chẳng buồn ngó thăm.
Nhìn sang căn nhà xây sang trọng nhưng cửa đóng kín mít, cỏ mọc um tùm của người em trai Văn Viết Nhân (60 tuổi) bên cạnh, ông Sỹ buồn rầu: “Vợ chồng nó xây xong căn nhà thì đúng đỉnh điểm tiêu chết. Hết cách, nó dắt díu vợ con vào Bình Dương làm công nhân. Căn nhà ngân hàng siết nợ”.
Tiêu chết và những trụ tiêu được nhổ lên chất thành đống.
Tiêu chết và những trụ tiêu được nhổ lên chất thành đống.
Người dân khác ở xã Ia Blứ, ông Đặng Thanh Long hồi tưởng, thời đỉnh cao của cây hồ tiêu là từ năm 2014 trở về trước. Lúc này, mỗi kilôgam tiêu có giá 200 - 250 nghìn đồng, nhà cao tầng, biệt thự mọc lên nhan nhản; karaoke, quán nhậu, nhà hàng như đội nấm sau mưa. Bắt đầu năm 2015, tiêu lên cơn chết, chết dần.
Năm 2016, chết diện rộng, năm 2017 chết trắng không còn một cây. Và năm 2018 là người dân “chết”, giá tiêu còn xuống đáy thê thảm 47 nghìn đồng/kg, người dân chính thức rơi xuống vực thẳm, chẳng ai nhắc đến hồ tiêu.
Ông Long nói, ở đây chỉ những thanh niên mới cưới vợ, ra ở riêng, chưa có sổ đỏ, không cầm cố đất, nhà được là không nợ. Còn lại 90% dân số của xã đang là con nợ của ngân hàng; ít thì 200 triệu đồng, nhiều thì cỡ 2 tỉ đồng.
Nhiều hộ dân vay nợ tứ tung, dốc tất cả các biện pháp cứu sống cây tiêu. Có hộ bỏ hàng trăm triệu đồng thuê cả kỹ sư nông nghiệp, rồi cũng chịu thua. Hồ tiêu vẫn không thể sống dậy.
Dở khóc dở cười là trường hợp của anh Vui. Anh đã “chống lại mệnh trời” bằng cách dốc hết vốn liếng, mua một vạt đất của người đồng bào dân tộc thiểu số ở sát bìa rừng, xa khu dân cư cũng như khu vực trồng tiêu lâu nay của người dân trong vùng để trồng tiêu. Tiêu lớn nhanh như thổi, xanh mướt...
Nhiều lãnh đạo huyện tỉnh vào tham quan, đặt hy vọng, rồi cả đài truyền hình cũng vào quay, viễn cảnh một mô hình trồng tiêu mới cứu tinh cho người dân đang hé dần. Đau thay, tiêu chết đúng ngày thu hoạch, chết không thể cứu vãn, không rõ nguyên nhân. Anh Vui ôm một đống nợ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai tổng dư nợ cho vay để nông dân trồng, chăm sóc hồ tiêu là 4.382 tỉ đồng, riêng huyện Chư Pưh chiếm khoảng 1.500 tỉ đồng với 8.104 hộ vay. Một cán bộ ở đây đã lắc đầu khi liệt kê hàng loạt hộ bỏ đi hoặc bị ngân hàng kê biên tài sản như hộ ông: Nguyễn Văn Kh, Nguyễn Văn T, ông Vương H.., hoặc hộ tự nguyện giao nộp tài sản cho ngân hàng như hộ ông: Nguyễn H, Nguyễn L, Lê Văn Th… “Còn nhiều lắm, chưa liệt kê đầy đủ hết!”, vị cán bộ này nói.
Đặc biệt, một báo cáo của xã Ia Blứ còn cho biết: “Các hộ kiệt quệ đến nỗi phải vay nóng tín dụng đen để trả lãi và tiền gốc ngân hàng”. Và trong thực tế, không ít nông dân ở địa phương này bị “tín dụng đen” tính lãi suất quá cao, không trả nổi, đã bị siết nhà.
Tiêu chết có nhiều nguyên nhân
Cách đây hơn 1 năm, cũng trên trang báo này, chúng tôi đã kêu gọi “Giải cứu thủ phủ hồ tiêu” với lý do cây tiêu ở địa phương này đang bị bệnh đồng loạt và chết trắng trên diện rộng. Tuy nhiên sau một năm chúng tôi quay lại, đối tượng cần giải cứu bây giờ chính là người trồng tiêu bởi bản thân cây tiêu không còn gì để cứu nữa!
Bây giờ ở huyện Chư Pưh, nhan nhản các tấm bảng treo biển bán nhà. Trẻ con nheo nhóc, thất học vì gia đình đổ nợ, người lớn thì đua nhau bỏ trốn, bỏ xứ vào các tỉnh phía Nam kiếm sống qua ngày. “Nếu 1 - 2 năm tới, không có cây gì thay thế, vực dậy kinh tế thì chỉ có nước giao đất cho ngân hàng hoặc buông xuôi về quê hoặc tìm nơi khác sinh sống”, ông Đặng Thanh Long nói.
Phải làm gì để cứu người trồng tiêu? “Trước mắt là tạm dừng trồng mới cây hồ tiêu. Thậm chí, bỏ hẳn không trồng trong vòng 5 năm”. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực - Tổng Thư ký Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê - Gia Lai khuyến cáo một cách táo bạo nhưng có vẻ hợp lý trong bối cảnh hiện tại.
Ông Bình nói, hiện giờ lượng hồ tiêu cung đã vượt cầu. Lượng xuất nhập khẩu của cả thế giới là 372 nghìn tấn, trong khi Việt Nam xuất 215 nghìn tấn (20 nghìn tấn Việt Nam mua từ nước khác về, xuất ra lại, số liệu năm 2017). Sau 5 năm, tự thị trường điều tiết và diện tích ắt tự giảm xuống. “Bởi giá hồ tiêu thấp, người dân sẽ bỏ đầu tư, chuyển cây trồng mới, giảm đầu tư, sâu bệnh chẳng màng chữa... sẽ kéo diện tích hồ tiêu xuống”.
Gợi mở hướng đi cho nông dân Chư Pưh và Chư Sê, ông Hoàng Phước Bính cho rằng, thời tiết khí hậu ở Gia Lai rất phù hợp với cây ăn quả. Với cây công nghiệp dù giá thấp, thu nhập không cao nhưng là cây đặc sản của Tây Nguyên đó vẫn chính là cây càphê. Thứ hai, có hiệu quả, năng suất là cây bơ. Và nên tập trung mũi nhọn vào cây bơ.
Tương tự, Giám đốc sở NNPTNT Gia Lai Trương Phước Anh cho hay, trước hết phải dọn vườn, đốt sạch dây tiêu đã chết, xới đất để giải độc vì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất một lượng rất lớn; thậm chí là nghỉ một vài năm trước khi có chương trình trồng lại cây hồ tiêu. Mặt khác, có thể trồng một số cây thay thế như chanh dây, sachi, sầu riêng hoặc có điều kiện thì trở lại trồng lại cây càphê.
Mới đây, khi Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến gỡ khó cho ngành hồ tiêu Gia Lai, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai - ông Nguyễn Hải Sơn - đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại mà khách hàng (nông dân) vay vốn trồng tiêu bị dịch bệnh chết. Áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi suất vay, cho vay mới để khôi phục sản xuất.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã “vươn tay” giải cứu khi đề nghị tỉnh Gia Lai ra văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh. Tuy vậy, góc độ địa phương, tỉnh Gia Lai không thể công bố dịch vì không đủ điều kiện, đó là không có sinh vật lạ xuất hiện trong cây hồ tiêu.
Thực tế, theo đại diện sở NNPTNT Gia Lai, tiêu ở địa phương này chết có nhiều nguyên nhân, trong đó có giá cả, biến đổi khí hậu, thiếu nước, thâm canh quá mức, giống không kiểm soát chất lượng, nông dân bỏ mặc khuyến cáo của các cán bộ khoa học kỹ thật, các nhà chuyên môn, nhà khoa học... chạy theo đồng tiền.
Lời khuyến cáo muộn màng
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai khuyến cáo: “Ngành nông nghiệp Gia Lai đề nghị nông dân toàn tỉnh cùng doanh nghiệp khi xuống giống, quyết định trồng thì nên tìm hiểu khi thu hoạch là bán chỗ nào? Bán cho ai?”. Đây là lời khuyến cáo có phần muộn, bởi đúng ra nó phải có từ thời người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu.
Cả Tây Nguyên rộng lớn đến đâu cũng nghe chuyện thời sự là trồng tiêu làm giàu như một thời với cây càphê hay caosu của cách đây mấy năm. Thậm chí nhiều nơi, người ta còn chặt bỏ cả những vườn càphê và nhiều loại cây trồng khác để vay tiền chuyển đổi qua tiêu mà chẳng quan tâm đến câu chuyện thị trường hay quy luật cung cầu.
Và câu hỏi “bán chỗ nào, bán cho ai?” không chỉ là chuyện riêng của “thủ phủ hồ tiêu” mà là chuyện chung của cả ngành nông nghiệp Việt Nam với rất nhiều mặt hàng, là bài học thị trường luôn chạy theo đuôi sự kiện để khắc phục hậu quả! Trong khi bản chất cơ chế thị trường đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nắm bắt quy luật cung cầu. Và trên hết là một “nhạc trưởng” để đề ra những chính sách và sự “can ngăn” kịp thời kiểu đầu ra ở đâu, cần bao nhiêu là đủ cho từng mặt hàng và thị trường..
Đình Văn-Hoàng Văn Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.