Thử nghiệm pin Mặt Trời được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D trong không gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Pin Mặt Trời linh hoạt được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D của CSIRO có thể cung cấp giải pháp năng lượng nhẹ, đáng tin cậy cho các hoạt động và các chuyến thám hiểm không gian trong tương lai.
Pin Mặt Trời được đưa lên không gian ngày 5/3 để thử nghiệm. (Nguồn: Space)

Pin Mặt Trời được đưa lên không gian ngày 5/3 để thử nghiệm. (Nguồn: Space)

Pin Mặt Trời được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D do Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia phát triển, đã được đưa lên không gian ngày 5/3 để thử nghiệm độ tin cậy của loại pin này như một nguồn năng lượng phục vụ các sứ mệnh không gian trong tương lai.

Loại pin Mặt Trời này đã được phóng lên không gian trong sứ mệnh Transporter-10 của Tập đoàn thám hiểm không gian SpaceX trên Optimus-1, vệ tinh tư nhân lớn nhất từ trước đến nay của Australia, từ Căn cứ của Lực lượng Không gian Vandenberg ở bang California (Mỹ).

Giám đốc phụ trách chương trình không gian của CSIRO Kimberly Clayfield cho biết cơ quan này đang đánh giá tiềm năng sử dụng pin Mặt Trời như một thống năng lượng khối lượng thấp, hiệu quả cao cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.

Theo bà Clayfield, pin Mặt Trời linh hoạt được chế tạo bằng kỹ thuật in 3D của CSIRO có thể cung cấp giải pháp năng lượng nhẹ, đáng tin cậy cho các hoạt động và các chuyến thám hiểm không gian trong tương lai.

Nếu thử nghiệm cho thấy hiệu suất tương tự như hiệu suất đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm, công nghệ trên sẽ mang lại những lợi thế đáng kể so với việc chế tạo pin Mặt Trời dựa trên silicon tinh thể truyền thống.

8 mô-đun nhỏ của pin Mặt Trời được gắn trên bề mặt của Optimus-1, do công ty Space Machines của Australia sản xuất.

Hiệu suất của loại pin này đã được tăng cường nhờ perovskite, một loại khoáng chất có hiệu quả cao trong việc chuyển đổi ánh sáng Mặt Trời thành năng lượng.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu Hệ thống Năng lượng tái tạo của CSIRO Anthony Chesman bày tỏ hy vọng loại pin trên sẽ không bị hư hại do bức xạ Mặt Trời và hoạt động tốt hơn các loại pin Mặt Trời truyền thống trong trường hợp ánh sáng Mặt Trời chiếu vào chúng với cường độ chưa đạt mức tối đa.

Có thể bạn quan tâm