Thu hút đầu tư bước đột phá ấn tượng - Kỳ 1: "Đất lành" cho những dự án lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, tỉnh ta nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, công tác thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Thông qua việc liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tích cực quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Gia Lai đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Đặc biệt, trong số các nhà đầu tư chọn Gia Lai làm điểm đến có khá nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước.
Tăng số lượng dự án có quy mô lớn
Ngày 9-9-2019, Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đã chính thức khánh thành đi vào hoạt động. Ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết: “Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao có gần 65 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua một thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, lợi thế của Gia Lai và được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, ngày 23-1-2018, Công ty đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai với tổng diện tích đầu tư xây dựng 6 ha. Khi đi vào hoạt động, chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Trung tâm sẽ đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ đồng và tăng dần qua các năm, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng”.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa trái) tặng hoa cho đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: A.H
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa trái) tặng hoa cho đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Ảnh: A.H
Với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản của tỉnh, nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống của nông dân. Trung tâm cũng sẽ góp phần giới thiệu các loại trái cây đặc sản, lợi thế của Gia Lai như chanh dây, bơ, chuối, sầu riêng ra thị trường thế giới. Ngoài ra, DOVECO cũng đã xây dựng và hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 10.000-15.000 ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là hoạt động nhằm tạo dựng mối liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững từ người nông dân, hợp tác xã, tổ liên kết với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp vận tải, dịch vụ và xuất khẩu…
Là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và toàn diện bậc nhất ở khu vực Tây Nguyên, sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, Gia Lai đã gây được sự chú ý với Tập đoàn FLC trong lựa chọn đầu tư các dự án. Mới đây, tại sự kiện Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ TechDemo 2019, FLC đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn, nhà phố thương mại nằm tại trung tâm TP. Pleiku với tổng vốn đầu tư trên 760 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC và UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa cao nguyên đồi thông kết hợp đô thị sinh thái quy mô 128 ha nằm trên ranh giới huyện Ia Grai và TP. Pleiku… “Chúng tôi còn một số dự án khác tại Gia Lai đang trong giai đoạn xúc tiến pháp lý và nghiên cứu quy hoạch. Cụ thể, tại TP. Pleiku có các dự án: Khu nhà ở thương mại trục đường Nguyễn Chí Thanh, Tháp đôi tại trung tâm thành phố, Khu đô thị thông minh cao cấp CK54. Ở huyện Đak Đoa thì có Khu phức hợp quần thể nghỉ dưỡng quy mô 500 ha bao gồm các các dự án: Sân golf 36 lỗ, Khu biệt thự nhà ở. Ở huyện Chư Pah có dự án Khu liên hợp thể dục thể thao kết hợp Công viên du lịch sinh thái và dự án khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya”-ông Đỗ Như Tuấn-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC-thông tin.
Cùng với việc thu hút đầu tư từ bên ngoài, Gia Lai cũng đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai dự án. Trong số này, đáng chú ý là cụm 5 nhà máy chế biến dược liệu của Tập đoàn Khoa học Quốc tế Trường Sinh được triển khai tại Khu Công nghiệp Trà Đa với diện tích trên 7 ha có tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Dự án gồm các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng và thức ăn bổ sung từ thảo dược cho thủy sản, thực phẩm chức năng cho người, nước uống từ dược liệu, chai lọ và phân bón hữu cơ sinh học công nghệ cao.
Cải thiện môi trường đầu tư
Một môi trường đầu tư thân thiện, trong đó bao gồm cả sự năng động của lãnh đạo, sự thông thoáng, cởi mở về cơ chế chính sách của địa phương luôn là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Những kết quả về thu hút đầu tư thời gian qua cho thấy Gia Lai đang có sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Bằng chứng là năm 2018, Gia Lai đã tăng đến 10 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) so với năm 2017, đứng ở vị trí 33/63 tỉnh, thành. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nhận định: “Đến với Gia Lai, bên cạnh tiềm lực nội tại của địa phương thì tinh thần đồng hành, sát cánh của chính quyền và nhân dân địa phương là điều mà chúng tôi cảm nhận rất rõ”.
 Ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư trong sự kiện Kết nối cung cầu công nghệ và xúc tiến đầu tư TechDemo 2019. Ảnh: H.D
Ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư trong sự kiện Kết nối cung cầu công nghệ và xúc tiến đầu tư TechDemo 2019. Ảnh: H.D

Từ năm 2016 tới nay, Gia Lai đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh gần 400 dự án với tổng vốn đăng ký gần 650.000 tỷ đồng (trong khi giai đoạn 2011-2015 chỉ có 66 dự án với tổng vốn đăng ký 22.257 tỷ đồng). Riêng 9 tháng năm 2019 đã có 10 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng.

Để xây dựng một môi trường đầu tư lý tưởng, thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Liên quan đến vấn đề này, trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo: “Các ngành, các cấp đều phải cùng vào cuộc, phải dốc hết sức, làm việc với trách nhiệm cao nhất để cải thiện môi trường đầu tư, nhất là trong công tác cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, không được để xảy ra trường hợp sách nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư”. Những chỉ đạo đó đã được cụ thể hóa bằng việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính như thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh từ tháng 9-2018.
Đáng chú ý nhất chính là việc tỉnh ta đã triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trong năm 2019. Ông Lê Tiến Anh-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Mục tiêu lớn nhất khi triển khai Bộ chỉ số DDCI là tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh; đồng thời tạo thêm kênh hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tiếng nói của mình tới chính quyền”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng, thân thiện môi trường

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng, thân thiện môi trường

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 2322/UBND-KTTH triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Các đơn vị thực hiện nộp hồ sơ giải quyết TTHC về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, quầy Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Công bố 3 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 561/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính (TTHC) mới và quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong lĩnh vực chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cổ phiếu DLG sẽ không bị hủy niêm yết

Cổ phiếu DLG sẽ không bị hủy niêm yết

(GLO)- Ông Nguyễn Tường Cọt-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai khẳng định, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Đức Long Gia Lai đang hồi phục và cổ phiếu Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) sẽ không bị hủy niêm yết.

Lực đẩy từ quyết sách

Lực đẩy từ quyết sách

Đến hết quý 2-2024, dù tình hình địa - chính trị toàn cầu đầy bất ổn thì trong đà phục hồi mạnh mẽ của Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam tiếp tục là hai nền kinh tế có hiệu suất cao nhất trong khu vực, tăng trưởng lần lượt là 6,3% và 6,9%, trong khi Malaysia đứng thứ ba, tăng trưởng 5,9%.

Vật liệu xây dựng không nung khó tiêu thụ

Vật liệu xây dựng không nung khó tiêu thụ

(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 16 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung với tổng công suất hơn 169 triệu viên/năm, chủ yếu sản xuất gạch block và gạch terrazzo. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.