Thôn Ruộng… giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, rừng của thôn Ruộng vẫn bạt ngàn cây gỗ thân lớn như dẻ, sao sao, chân chim, bạng… cùng muôn loài chim, thú.
Thôn Ruộng ở xã vùng cao Hướng Tân (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) nằm bên khu rừng tự nhiên hơn 100 ha. Bằng một cách nào đó, sau hàng trăm năm, đồng bào Vân Kiều ở đây đã giữ cho khu rừng trở thành nơi có tỷ lệ cây tự nhiên dày đặc, nguyên sinh hiếm có bậc nhất tại tỉnh Quảng Trị.
Rừng của “vùng đất bằng”
Cái tên Ruộng của thôn vùng cao với 140 hộ/600 nhân khẩu này có rất nhiều lý giải, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Bởi, cái tên mang “hơi thở” đồng bằng lúa nước thực sự lạc lõng giữa chốn thâm u của núi rừng miền tây Quảng Trị.
Có rất nhiều cách giải thích về sự ra đời cái tên Ruộng của thôn vùng cao này. Nhưng cái tên không phải là điều thú vị duy nhất ở đó. Bởi chỉ cách nơi dân bản quần tụ sinh sống dưới những nóc nhà sàn bình yên vài bước chân là một khu rừng tự nhiên dày đặc hơn 100 ha, được đánh giá là hiếm có ở Quảng Trị. Người thôn Ruộng gọi khu rừng đó là Tum Xari.

Những nóc nhà dân ở thôn Ruộng nép mình bên khu rừng bạt ngàn xanh. Ảnh: Nguyễn Phúc
Những nóc nhà dân ở thôn Ruộng nép mình bên khu rừng bạt ngàn xanh. Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo vị trưởng thôn trẻ tuổi Hồ Văn Lăng (sinh năm 1983), ngày còn bé, bên bếp lửa nhà sàn, anh cũng như nhiều đứa trẻ khác thường xúm lại nghe già làng kể chuyện. Rằng ngày trước rừng của thôn Ruộng rộng lớn hơn giờ rất nhiều; trong rừng có những gốc cây to dăm người ôm không xuể; thú rừng nhiều vô kể, có lúc hổ báo ra tận bìa rừng “giương oai”. “Chỉ có bom đạn chiến tranh, chất độc da cam mới làm rừng ở thôn Ruộng bị thu hẹp lại. Nhưng hiện nay, rừng của thôn Ruộng vẫn bạt ngàn cây gỗ thân lớn như dẻ, sao sao, chân chim, bạng… cùng muôn loài chim, thú”, anh Lăng chia sẻ.
Giữ rừng để giữ làng !
Nhiều năm gần đây, trong khi ở những khu rừng thâm u nhất, xa xôi nhất của Quảng Trị đã có bóng dáng của lâm tặc, có tiếng máy cưa xăng gầm rú, thì khu rừng chỉ cách thôn Ruộng vài bước chân vẫn vẹn nguyên.
Thôn Ruộng nhìn từ trên cao quá bé nhỏ so với bạt ngàn xanh của cánh rừng kế bên. Nhưng khác với nhiều bản làng ở vùng cao Quảng Trị, phía dưới những gian nhà sàn không hề có các súc gỗ lớn nhỏ. Nói như trưởng thôn Lăng, người thôn Ruộng sinh ra, mở mắt đã thấy rừng, nhưng chưa bao giờ dám lấy “của nả” từ rừng cho riêng mình.

Phút nghỉ ngơi của nhóm trai đinh thôn Ruộng khi tuần rừng
Phút nghỉ ngơi của nhóm trai đinh thôn Ruộng khi tuần rừng
Từ trăm năm trước, người thôn Ruộng đã có những lời hứa với rừng và truyền lại cho đời sau. Lời hứa đó không được viết ra giấy như hương ước của làng xã miền xuôi, mà được truyền từ đời này qua đời khác, được khắc trong tâm khảm. “Chúng tôi vào rừng thường chỉ để lấy củi, chỉ chọn những cành khô, những cây đã chết… Khi chưa có kiểm lâm, người thôn Ruộng nếu muốn lấy gỗ để làm nhà thì phải trình làng, lấy đúng số gỗ cần thiết, nếu dư bị phạt vạ. Người trong thôn vẫn tự giám sát nhau”, ông Hồ Văn Hế (40 tuổi, cư dân thôn Ruộng) cho hay. Người trong thôn là vậy, còn người bên ngoài mà vào thôn Ruộng phá rừng, nếu bị người dân bắt được thì chắc phải “sợ tới già” bởi luật tục rất nặng của bà con.
“Rừng là báu vật của làng”, già Hồ Phiêng, một trong những người lớn tuổi nhất ở thôn Ruộng, nói như đinh đóng cột. Điều già Phiêng nói không hề sai, bởi chỉ năm ngoái đây, khi nhiều bản làng ở huyện vùng cao Hướng Hóa nát bươm, chìm trong tang tóc vì thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, thì ở thôn Ruộng dường như cơn giận của mẹ thiên nhiên bị… bỏ quên.
Làm bạn với “bộ đội rừng”

Cùng giữ rừng, người dân thôn Ruộng và lực lượng kiểm lâm đã có một tình bạn đẹp. Ảnh: Nguyễn Phúc
Cùng giữ rừng, người dân thôn Ruộng và lực lượng kiểm lâm đã có một tình bạn đẹp. Ảnh: Nguyễn Phúc
Chuyện rằng, sắc phục kiểm lâm có nét tương đồng với màu áo của lực lượng quân đội, cầu vai cũng có sao vạch, cũng đội mũ kepi, nên nhiều người dân ở thôn Ruộng thường “cố ý nhầm lẫn” để gọi các kiểm lâm địa bàn là… “bộ đội rừng”. Từ lâu họ đã coi những kiểm lâm địa bàn là những người bạn, cùng họ giữ rừng. Và nói như anh Hồ Quốc Việt, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn xã Hướng Tân (Hạt kiểm lâm H.Hướng Hóa) thì nếu ở đâu dân bản cũng như thôn Ruộng thì kiểm lâm... quá sướng!
Tình bạn của người dân thôn Ruộng và “bộ đội rừng” càng bền chặt kể từ năm 2006, khi tỉnh Quảng Trị thực hiện mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, hưởng lợi. Kể từ đó, 10 trai đinh khỏe mạnh nhất của thôn Ruộng được biên chế vào tổ quần chúng bảo vệ rừng, đến khi người nào chân đã yếu, không vượt suối, lội rừng được nữa thì mới thay ra.
Ngồi bên 2 gốc sao sao cao lớn, anh Hồ Quốc Việt cho biết với mỗi héc ta rừng, mỗi năm cộng đồng ở thôn Ruộng sẽ được nhận 300.000 đồng. “Hơn 100 ha thì sẽ nhận hơn 30 triệu đồng/năm. Nhưng vấn đề cốt lõi không phải là tiền, nó chỉ là chút động viên chứ bản thân từng người dân, từng cá nhân trong tổ bảo vệ rừng thôn Ruộng đã ý thức và xem rừng của làng là máu thịt rồi”, anh Việt nhấn mạnh.
Hàng chục năm qua, việc rừng bị xâm hại là một điều lạ lẫm với cộng đồng người dân thôn Ruộng. Nhưng chính chuyện ở thôn Ruộng cũng lại trở thành… lạ lẫm đối với nhiều cánh rừng đang “chảy máu” ở miền núi, mặc cho chính quyền, cơ quan chức năng tuyên truyền, đến cả dùng biện pháp mạnh tay. Mới hay, chỉ khi bà con yêu rừng một cách vô điều kiện, rừng mới mãi mãi xanh tươi!
Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.