Ngày 30.5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kết quả thực hiện nhiệm vụ Ðiều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh để phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý nghề cá. Báo Bình Ðịnh trao đổi với ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, về tác động của quyết định này đối với ngành thủy sản của tỉnh.
• Thưa ông, kết quả thực hiện nhiệm vụ Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng có vai trò thế nào trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý nghề cá?
![]() |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Thanh Thương. Ảnh: NVCC |
- Kết quả điều tra là bước quan trọng giúp ngành thủy sản có cơ sở khoa học xây dựng kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản (NLTS) rõ ràng, bền vững, duy trì sinh kế của người dân.
Các kết quả điều tra đã giúp xác định rõ hiện trạng NLTS, mức độ khai thác, phân bố loài cùng những yếu tố tác động đến môi trường. Trên cơ sở nhận diện rõ những khu vực bị khai thác quá mức hoặc có dấu hiệu bị suy thoái, ngành thủy sản tham mưu xây dựng những chính sách quản lý NLTS phù hợp, hạn chế đánh bắt ở những khu vực chịu áp lực cao, thiết lập vùng cấm, phát triển các hình thức đánh bắt hợp lý gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo nghề cá phát triển ổn định, lâu dài.
Kết quả điều tra NLTS cũng giúp công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng thuyết phục hơn, thúc đẩy tất cả lực lượng liên quan cùng vào cuộc để bảo vệ, phát triển NLTS và quản lý nghề cá tốt hơn.
• Quyết định phê duyệt kết quả điều tra nguồn lợi đã đưa ra 2 giải pháp phục vụ công tác bảo vệ NLTS và quản lý nghề cá theo Luật Thủy sản 2017. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào những công tác nào để các giải pháp phát huy hiệu quả, thưa ông?
- Hai giải pháp đó bao gồm thiết lập, vận hành 2 khu vực cấm khai thác có thời hạn từ ngày 1.3 đến 31.5 hằng năm và tổng hạn ngạch giấy phép khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh.
Cụ thể, 2 khu vực cấm bao gồm Khu vực số 1 từ cửa biển Tam Quan Bắc đến cửa sông Lại Giang, diện tích khoảng 4.200 ha và Khu vực số 2 thuộc vùng biển của huyện Phù Mỹ ngay phía trên cửa Đề Gi, diện tích khoảng 4.200 ha. Các nghề bị cấm gồm: Nghề lưới kéo đáy (kéo đôi, kéo đơn), nghề lưới vây ánh sáng, nghề mành điện, nghề pha xúc, nghề chụp, nghề lú/bát quái.
Tổng hạn ngạch giấy phép khai thác cấp cho tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh là 2.825 giấy phép, cụ thể vùng bờ có 1.951 giấy phép còn vùng lộng 874 giấy phép.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường bổ sung 2 khu vực cấm khai thác trên; sau khi chính thức công bố 2 khu vực cấm, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thông tin rộng rãi để ngư dân biết. Sở tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ NLTS, môi trường biển; tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác có thời hạn, xây dựng Đề án chuyển nghề khai thác hải sản để bảo vệ NLTS, đa dạng sinh học.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh công bố và cấp hạn ngạch giấy phép khai thác vùng bờ, vùng lộng cho tàu cá; tăng cường công tác quản lý tàu cá; kiểm tra, giám sát tàu cá thực hiện quy định của Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
![]() |
Các tàu cá phải hoạt động đúng nghề, đúng vùng đã được cấp phép. Ảnh: N.N |
Ngành thủy sản sẽ rà soát, tổ chức lại công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, đảm bảo kiểm soát chính xác số tàu cá hiện có của tỉnh và tất cả tàu đều đang hoạt động đúng nghề, đúng vùng đã được cấp phép.
Ngành cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm vùng khai thác, nhất là số tàu khai thác tại các khu vực cấm có thời hạn.
• Để đạt được những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, ngoài nỗ lực của ngành Nông nghiệp và Môi trường, chắc hẳn cần những sự chung tay, hỗ trợ khác…
- Lâu nay, việc triển khai các giải pháp bảo vệ NLTS và quản lý nghề cá luôn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để có thể đạt hiệu quả tối ưu. Trước hết là những chính sách rõ ràng, phù hợp, khả thi từ cấp trung ương đến địa phương nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc, đặc biệt là những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nhằm giảm áp lực khai thác quá mức.
Tiếp đến là sự quan tâm, đầu tư, đưa vào ứng dụng thực tế những công nghệ mới trong đánh giá NLTS, giám sát tình hình khai thác hải sản và phát triển các phương pháp khai thác bền vững.
Công tác bảo vệ NLTS luôn cần sự đồng lòng, chung sức, cùng vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương liên quan, cộng đồng dân cư, DN, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để hình thành những mô hình quản lý tích hợp, đồng bộ, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức; vận động, khuyến khích bà con ngư dân tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và phát triển NLTS của tỉnh...
• Xin cảm ơn ông!
NGỌC NGA (Thực hiện)