(GLO)- Năm nay, chúng ta đón mừng 47 năm thống nhất Tổ quốc trong kỳ nghỉ dài 4 ngày với cảm thức an lạc. Đất nước vừa trải qua những tháng ngày khó khăn bởi dịch bệnh, nhiều nơi trên thế giới vẫn tang thương, chia cắt vì chiến tranh. Soi lại lịch sử dân tộc, nhìn ra các “lò lửa” mà nhiều quốc gia còn hứng chịu, mới thấy hết sự thiêng liêng của ngày 30-4 lịch sử, để cảm nhận hạnh phúc, niềm hân hoan thái bình mà quê hương có được hôm nay.
Kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 này, sau 1 năm căng thẳng do dịch Covid-19 hoành hành, trong đó nhiều lúc lo lắng, áp lực, khi ranh giới của người khỏe mạnh với người mắc bệnh, ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh. Những tiếng còi xe cứu thương, những lằn ranh phong tỏa, những căn nhà niêm phong ám ảnh... tất cả đã thành quá khứ. Đa số chúng ta giờ thở phào nhẹ nhõm. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ và chính quyền các cấp, căn bệnh nguy hiểm chưa từng chứng kiến đã được khống chế. Con em đã quay lại trường học. Các ngành nghề, dịch vụ đều mở cửa. Người xe, hàng hóa thông thương. Các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Thành tựu to lớn ấy của cả nước cùng tín hiệu lạc quan trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà là tiền đề quan trọng khiến mỗi người dân Gia Lai phấn chấn, tự tin hơn.
Thành phố Pleiku rực rỡ cờ hoa hướng về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy |
Gia Lai đón chào Ngày thống nhất đất nước năm nay càng hân hoan gấp bội bởi gắn liền với sự kiện 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022). Tháng 5 lịch sử, hàng loạt sự kiện quan trọng nhất trong năm của tỉnh đồng loạt diễn ra: Lễ kỷ niệm 90 năm gắn liền với công bố sự kiện: Di sản thiên nhiên thế giới cho Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo; Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh; Diễn đàn kết nối Tây Nguyên; Gặp gỡ, giao lưu văn hóa Gia Lai-Nhật Bản… Sẽ có hàng ngàn khách mời, hàng chục ngàn du khách tham gia các sự kiện này. Gia Lai rộng vòng tay mời gọi các nhà đầu tư và du khách thập phương. Đây chắc chắn là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà trong tương lai.
Dịp 30-4 là cơ hội để chúng ta nhìn lại 47 năm từ cuộc tháo chạy lớn nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa trên đường 7 về xuôi. Chiến trường Gia Lai lập dấu mốc góp phần khiến chế độ ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, đất nước sạch bóng quân xâm lược, giang sơn thu về một mối. Gần nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và người dân không ngừng nỗ lực, vươn lên, xây dựng quê hương phồn thịnh, đời sống kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh đã từng ngày đổi thay nhanh chóng. Từ một tỉnh có gần 90% dân số đói nghèo lạc hậu, thất học, đời sống tăm tối năm 1975, đến nay, Gia Lai đã được phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ hộ nghèo còn chưa đến 4%. Mạng lưới giáo dục, y tế, điện, đường phủ kín các khu dân cư. Nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa “Núi rừng có điện thay sao, nông thôn có máy làm trâu thay người”, cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đổi thay nhanh chóng.
Có nhắc lại chiến tranh, mới thấy hết cái giá của hòa bình, có bước qua lằn ranh sinh tử, mới biết trân quý sự sống. Đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, bởi lợi ích lạc lõng của họ không đáp ứng được, nhưng lịch sử của nhân loại, lịch sử đất nước đều thừa nhận chân giá trị của Ngày lịch sử 30-4-1975. Tính từ khi thực dân Pháp nổ súng vào Cảng Đà Nẵng xâm lược nước ta năm 1858, sau đó chia cắt Tổ quốc làm 3 vùng (3 kỳ), theo những chính sách khác nhau, năm 1954 chia đôi đất nước thành 2 miền Nam-Bắc, mãi đến ngày 30-4-1975, Tổ quốc đã trải qua 117 năm bị xâm lăng, hàng trăm năm không vẹn toàn. Giờ nhìn cảnh đổ nát, tang thương, chết chóc trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm do NATO dùng Ukraine để đối phó với dân tộc Nga hay việc chia cắt ở 2 miền Triều Tiên, mới thấy đất nước ta, dân tộc ta hạnh phúc, tự hào đón mừng Ngày thống nhất, độc lập 30-4.
HOÀNG DŨNG