Theo dấu chân người mở đường huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đất mới phương Nam luôn sản sinh, dung thân, gầy dựng sự nghiệp cho những “quái kiệt”, mà Dương Quang Đông là một trong những nhân vật tiêu biểu. Khi ông nhẹ nhàng “qui tiên” ở tuổi 103, không ít người cảm thấy bất ngờ trước hành trạng và công tích bậc lão thành quê Trà Vinh.
Vì sao Dương Quang Đông không hề giữ chức vụ nào cao cấp mà được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và đặc biệt là Huân chương Sao vàng? Vì sao ông chưa từng là sĩ quan, thậm chí là quân nhân, du kích mà lại được tặng thưởng Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân? 
Tôi nhớ mãi nhận xét: Người quê Trà Vinh vào Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ năm 1926. Nhiều lần vào ra khám lớn Sài Gòn. Biết nhiều lớp cán bộ ở các tỉnh. Mập mạp tưởng chừng như chậm lụt, nhưng lại thật lẹ làng. Ít lí luận mà siêng năng, kiên trì, làm công việc gì thì làm tới nơi tới chốn. Đó là tâm sự của Giáo sư Trần Văn Giàu về người đồng đội chí thiết Dương Quang Đông trong một lần hội ngộ các Đại biểu Quốc hội khóa I tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhà cách mạng Dương Quang Đông (1901 – 2003)
Nhà cách mạng Dương Quang Đông (1901 – 2003)
Yếu nhân của Công hội Đỏ ở Sài Gòn
Dương Quang Đông còn có tên Dung Văn Phúc nên người đương thời thường gọi là Năm Đông hay Năm Phúc. Ông sinh năm Tân Sửu - 1901, nhưng giấy khai sinh đề ngày 2/5/1902 ở xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ ông là cụ Dương Quang Bắc thời trẻ tham gia nghĩa quân chống Pháp dưới trướng thủ lĩnh Trần Văn Đề - một thầy đồ giỏi võ nghệ, từng là thuộc tướng của Bình Tây đại nguyên soái Trương Định.
Hồi nhỏ Dương Quang Đông học tiểu học trường quận quê nhà Cầu Ngang, rồi lên Sài Gòn học tiếp trường Phan Xích Hồng gần chợ Bà Chiểu. Qua bậc thành chung thì ông học trường Huỳnh Khương Ninh ở khu vực Đa Kao. Vì có tư tưởng, hành động căm ghét bọn Tây ngạo mạn, chống lại chính quyền thực dân thống trị, nên ông bị đuổi học và đi làm đủ nghề tự kiếm sống. Tình cờ Dương Quang Đông làm quen với Tôn Đức Nhung, em ruột của Tôn Đức Thắng - thần tượng của giới thanh niên yêu nước đương thời.
Cơ hội của Năm Đông đã đến khi ông Hai Thắng - tên gọi thân mật của Tôn Đức Thắng về cảng Ba Son trên chiến hạm Lamotte Picquet cùng những người lính thợ An Nam trong quân đội Pháp tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất hồi hương cuối năm 1919. Từ đó, Năm Đông cùng các bạn công nhân thân thiết Ka Him, Mười Giao gắn chặt với mọi hoạt động của Hai Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Họ chọn đình Bình Đông nằm khuất nẻo trên cù lao rậm rạp tận Rạch Cát làm địa điểm cất giấu tài liệu bí mật do Hai Thắng mang về cũng như những nguồn sách báo khác từ Pháp chuyển về sau đó. Đó cũng chính là bối cảnh ra đời Công hội Đỏ, tổ chức bí mật chính thức được thành lập ngày 25/2/1920 tại đình Bình Đông, nay thuộc quận 8, TP Hồ Chí Minh.
Dương Quang Đông đã được nhà lãnh đạo Tôn Đức Thắng giao làm Thư ký và Trưởng ban Giao liên của Công hội Đỏ. Năm 1921, ông được cử về quê hương Trà Vinh vận động, thành lập được hai tổ chức Công Nông hội Đỏ ở quận Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh, rồi dần dần lan tới các vùng lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ. Đến năm 1923, ông Tôn Đức Thắng đã giới thiệu Dương Quang Đông vào làm việc trong hãng Ba Son ở Sài Gòn. Đây là nơi tập trung đông đảo công nhân, thầy thợ. Từ cơ sở quan trọng này ông có nhiệm vụ phối hợp những người khác phụ trách phát triển tổ chức bí mật Công hội Đỏ ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn lên dần gần 300 hội viên.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dương Quang Đông quay về Trà Vinh thành lập các chi bộ, làm Bí thư Quận ủy Cầu Ngang. Được sự giới thiệu của nhà lãnh đạo Tôn Đức Thắng, ông được đề bạt tham gia Xứ ủy Nam Kỳ. Vào năm 1931, sau sự kiện Lý Tự Trọng bắn chết tên Chánh mật thám Le Grand, Dương Quang Đông bị địch bắt đưa về Trà Vinh kết án 3 năm tù.
Đến năm 1935, ông lại bị bắt vào tù lần thứ hai. Từ đó ông bị địch bắt giam hai lần nữa, đến năm 1940 mới được thả, bí mật về tham gia hoạt động trở lại, giữ trọng trách Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ - Trưởng ban Giao liên, mà ông Tạ Uyên là Bí thư Xứ ủy. Chưa hết, ngày 20/5/1940, sau khi kế hoạch Nam Kỳ khởi nghĩa bị lộ, trên đường từ miền Tây lên Sài Gòn, Dương Quang Đông lại bị mật thám bắt đày lên Tà Lài, thượng nguồn sông Đồng Nai.
Vượt ngục Tà Lài, được bầu đứng đầu Xứ ủy Nam Kỳ
Sau khi ăn cái Tết Nguyên đán đầu tiên ở giữa rừng thiêng nước độc Tà Lài, một nhóm tù cộng sản đã tổ chức vượt ngục, do hai ông Trần Văn Giàu và Dương Quang Đông lãnh đạo. Đó là đêm 27/3/1941. Họ lấy cắp hai chiếc thuyền độc mộc của đồng bào dân tộc Châu Ro chèo ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, ba ngày sau đến khúc sông có nhiều cá sấu họ bỏ thuyền lên bờ, băng rừng về hướng Đà Lạt, đánh lạc hướng kẻ thù. Biết tin hai chiếc thuyền bị lấy cắp, địch cho rằng các tù nhân vượt ngục sẽ xuôi dòng Tà Lài ra sông La Ngà để xuống Biên Hòa nên truy nã theo hướng ấy. Nhờ đó các tù nhân đủ thời gian cao chạy xa bay…

Khu Di tích lịch sử Bến Lộc An của Đoàn tàu không số
Khu Di tích lịch sử Bến Lộc An của Đoàn tàu không số.
Vào ngày 13/10/1943, Dương Quang Đông đã triệu tập cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ ở Chợ Gạo, với sự tham dự của 11 Bí thư Tỉnh ủy, đề ra nhiệm vụ hành động cách mạng cấp thiết và thống nhất công tác lãnh đạo. Hội nghị bầu 12 Xứ ủy viên, Dương Quang Đông được tín nhiệm làm Bí thư Xứ ủy. Tuy nhiên, ông phát biểu rằng chỉ xin tạm nhận chức vụ này trong quá trình chờ bắt liên lạc với Trần Văn Giàu, một người mà theo ông mới đủ khả năng và xứng đáng lãnh đạo toàn Xứ ủy.
Sau gần một năm rưỡi giữ cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của cách mạng, Dương Quang Đông đã bắt được liên lạc và bàn giao trọng trách lãnh đạo lại cho Trần Văn Giàu đúng vào ngày Nhật đảo chính Pháp. Ông lui về giữ vị trí Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Đến ngày 24/8/1945, Bí thư Trần Văn Giàu tổ chức Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tại Chợ Đệm ở Chợ Lớn, công bố lệnh Tổng khởi nghĩa, Dương Quang Đông lập tức về Trà Vinh lãnh đạo giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám ở quê nhà.
Khi quân Pháp núp bóng quân Đồng minh Anh - Ấn tái xâm lược nước ta, Dương Quang Đông lên Sài Gòn và với tư cách Thường vụ Xứ ủy ông được cử chỉ huy lực lượng bảo vệ trụ sở Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ đóng ở Dinh Xã Tây, tức trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Quân Pháp tấn công, ông đã nổ phát súng đầu tiên ra hiệu cho quân dân tự vệ. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng tại đây suốt đêm 22 đến rạng sáng 23/9/1945.
Khai mở đường xuyên Tây
Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng quyết liệt. Nam Bộ tự lực cánh sinh gặp nhiều khó khăn về vũ khí, đạn dược. Các nhà lãnh đạo Khu 9 ở rừng U Minh là Vũ Đức - Khu bộ trưởng, Phan Trọng Tuệ - Chánh trị bộ và Phạm Thái Bường thảo luận nhất trí cử Dương Quang Đông bí mật sang Thái Lan tìm mua khí tài. Vừa được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946, Dương Quang Đông chuẩn bị ra Việt Bắc họp Quốc hội thì phải dừng lại, nhận lãnh 25 ký vàng và chỉ huy đoàn 14 người của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh lên đường sang Thái Lan.
Dưới vỏ bọc thương nhân, bằng cái tên Thái là Nai Chran, thuê nhà làm cửa hàng xuất nhập khẩu lớn tại thủ đô Bangkok, Dương Quang Đông cùng đoàn đã đánh lừa được mật vụ Pháp đang hoạt động ở đây. Từ 1946 đến 1949, ông đã chỉ huy mua hàng trăm tấn vũ khí, quân trang quân dụng ở Thái Lan và Malaysia chuyển về tiếp viện Nam Bộ. Ngoài đường biển thì còn vận chuyển đường bộ bằng voi qua đất Campuchia, liên minh với bộ đội Khmer Issarak do Sơn Ngọc Minh chỉ huy để bảo vệ và tiêu diệt các đồn bốt hẻo lánh của địch.
Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan, Dương Quang Đông tình cờ gặp lại Trần Văn Giàu cũng nhận lệnh Trung ương sang tìm mua khí tài. Hai ông hai nhiệm vụ khác nhau. Khi nghe tin Năm Đông trở về Nam Bộ, Sáu Giàu đã chỉ đạo sang Malaysia liên hệ với ông Lai Teak - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Malaysia để được hỗ trợ mua vũ khí. Được lệnh, Năm Đông thu xếp lên đường ngay.
Bấy giờ, sau cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nhật giành thắng lợi, Đảng Cộng sản Malaysia có vị thế quan trọng, hoạt động công khai. Trụ sở Đảng hoành tráng. Khi vừa gặp nhau, Dương Quang Đông bất ngờ nhận ra Tổng bí thư Lai Teak chính là Phạm Văn Đắc, một đồng chí thân thiết của mình ở Việt Nam.
Quê ở Long Đất, tỉnh Bà Rịa lên Sài Gòn học trường Huỳnh Khương Ninh, Phạm Văn Đắc tham gia hoạt động cách mạng và được đích thân Dương Quang Đông kết nạp vào Đảng Cộng sản, sinh hoạt tại Chi bộ Tân Định. Năm 1931, hai ông cùng sang Thái Lan lánh nạn chính quyền thực dân Pháp khủng bố trắng, nhưng rồi mất liên lạc. Gặp lại nhau trên đất khách quê người, hai ông đều rất xúc động, nhưng vì bí mật của tổ chức nên kìm nén.
Tổng bí thư Lai Teak đã viện trợ 5 chiếc tàu thủy lớn, hàng vạn khẩu súng, đạn dược, thuốc men và bàn kế hoạch chu đáo chở hàng về Nam Bộ. Ông còn đề nghị với Năm Đông rằng, nếu cần thì đảng Cộng sản Malaysia sẽ chi viện cả quân đội sang giúp Việt Minh đánh Pháp. Tuy nhiên, sau cuộc hội ngộ bất ngờ ấy, do hoàn cảnh hai nước, hai ông đã mất liên lạc. Đến một ngày Năm Đông bàng hoàng nghe tin buồn, nhà cách mạng Lai Teak - Phạm Văn Đắc đã bị địch sát hại vào tháng 5 năm 1948!
Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Dương Quang Đông chỉ huy các đơn vị đóng ở Campuchia về tập kết tại khu 9. Tiếp đó, ông nhận lệnh bí mật ở lại miền Nam, tham gia Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, phụ trách công tác binh vận, trực tiếp đấu tranh với đối phương để chuẩn bị cho ngày Hiệp thương Tổng tuyển cử theo hiệp định. Đêm Trung thu năm 1957, ông bị địch bắt gần chợ An Đông đưa về giam tại đồn cảnh sát Lê Văn Duyệt, tức Catinat cũ ở trung tâm Sài Gòn, rồi chuyển lên nhà lao Biên Hòa. Lợi dụng lúc địch sơ hở đã vượt ngục trở về hoạt động bí mật ở vùng Phú Nhuận.
Có thể nói, con đường xuyên Tây tiếp viện vũ khí cho chiến trường Nam Bộ chống Pháp được tổ chức thành công một cách phi thường đã trở thành bệ phóng và nguồn cảm hứng cho “kiến trúc sư” huyền thoại Dương Quang Đông hoàn thành những trọng trách mở đường về sau trong chiến tranh chống Mỹ.
Đầu tiên là xây dựng, củng cố, phát triển tuyến giao liên huyết mạch mang phiên hiệu là Đoàn A53, với một hệ thống cơ sở thông suốt kết nối lãnh đạo Trung ương ở Hà Nội với Nam Bộ thông qua các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan. Đoàn A53 đã tổ chức và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ, trong đó có nhiều vị lãnh đạo cao cấp vào Nam ra Bắc trong những năm khó khăn ác liệt nhất.
Sau khi tuyến giao liên Bắc - Nam ổn định, Trung ương Cục miền Nam điều chuyển Dương Quang Đông sang mở đường trên biển để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện. Tháng 11 năm 1961, nhóm công tác do ông dẫn đầu đã từ Mã Đà bí mật vượt sông Đồng Nai, xuyên rừng Tà Lài, qua núi Cậu tới Gia Ray, Xuyên Mộc để tìm bến bãi và cuối cùng chọn bến Lộc An. Đây được xem là sự khởi đầu hình thành con đường Hồ Chí Minh trên biển mà Dương Quang Đông giữ nhiệm vụ Chỉ huy phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số. Nhờ đó, chiến trường Nam Bộ được trang bị vũ khí, đạn dược để đương đầu với đối phương và đưa nhiều cán bộ chỉ huy quân sự cao cấp vào chiến trường như: Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm, Hoàng Thế Thiện,…
Trọng trách hoàn thành, Dương Quang Đông lại được đề cử làm Thường trực Hội đồng Cung cấp tiền phương của Trung ương Cục miền Nam, sau đó là Phó ban Giao bưu Miền. Năng lực và kinh nghiệm của người mở đường được ông tiếp tục vận dụng sau ngày đất nước thống nhất khi được phân công phụ trách ngành giao thông công chính của Thành phố Hồ Chí Minh.
Công lao to lớn mở đường của ông đã được nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước ghi nhận. Lãnh tụ Tôn Đức Thắng từ Hà Nội đã gửi vào tặng ông một khẩu carbine như một niềm động viên khích lệ. Ông Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam cũng tặng ông một chiếc đồng hồ Citizen. Những món quà kỷ niệm quý giá ấy được ông gìn giữ kỹ lưỡng như báu vật đời mình và cuối đời đã trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chẳng phải chức cao quyền trọng, mà điều có ý nghĩa hơn hết là con người làm được việc gì hữu ích đóng góp vào lịch sử phát triển xã hội, đất nước và được trọng thưởng xứng đáng. Cuộc đời và sự nghiệp phong phú, sôi động đáng tự hào của “quái kiệt” Dương Quang Đông là một minh chứng cho hậu thế!
Theo Phan Hoàng (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.