Thêm nhiều nạn nhân dính "bẫy lừa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi Công an huyện Chư Sê vào cuộc điều tra, danh sách các nạn nhân người dân tộc thiểu số ở xã Hbông dính “bẫy lừa” của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã Hbông) đang ngày một dài thêm.

Mở rộng điều tra

Sau khi Báo Gia Lai có bài viết: “Lừa cho vay tiền để chiếm đất?” phản ánh về một kiểu “bẫy lừa” đang tồn tại ở xã Hbông (huyện Chư Sê) với hình thức cho người dân vay tiền rồi lừa họ làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất, Công an huyện Chư Sê đã nhanh chóng vào cuộc mở rộng điều tra.

 

Ông Rmah Thân kể lại sự việc với nhà báo. Ảnh: M.T
Ông Rmah Thân kể lại sự việc với nhà báo. Ảnh: M.T

Ngồi chờ cung cấp thông tin cho các điều tra viên, anh Rmah Đôn (làng Kte 2, xã Hbông) cho biết: Đến giờ, anh vẫn không biết phần đất của mình đã bị bà Nguyễn Thị Thu sang tên đổi chủ. Tháng 10-2016, chỉ vì cần có chút vốn đầu tư sản xuất, anh Đôn đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) hơn 1 ha đất đang trồng mía của mình cho bà Thu để vay 60 triệu đồng. Thời hạn vay là 6 năm, lãi suất 0,9%/tháng, hình thức trả lãi là 6 tháng/lần. Anh Đôn được ông Rmah Chua (làng Kueng, xã Hbông), đồng thời cũng là người dẫn mối, gọi lên Văn phòng Công chứng Chư Sê (thị trấn Chư Sê) để làm thủ tục lăn tay nhận tiền. “Họ bảo mình lên công chứng để nhận tiền. Mình đâu có bán đất, đâu biết họ lừa lấy bìa đỏ của mình”-anh Đôn nói.

Tương tự, ông Rmah Thân (làng Kte 1) đã đưa cho bà Thu bìa đỏ hơn 3,2 ha đất để vay 100 triệu đồng, nhưng bà này chỉ mới đưa trước cho ông 70 triệu đồng. Một chi tiết đáng chú ý là: Khi làm thủ tục công chứng, ông nghe công chứng viên nói mình ký bán đất cho bà Thu, ông Rmah Thân liền quay sang hỏi bà này: “Sao bà nói cho vay mà giờ lại bảo là bán đất?”. Bà Thu nói: “Ừ cứ ký đi, ký mới có tiền. Đất anh vẫn làm, tôi chỉ giữ bìa đỏ thôi”. Nghe vậy, ông Thân mới chịu ký.

Trước đó, P.V Báo Gia Lai đã nhập cuộc điều tra về dấu hiệu lừa đảo của bà Nguyễn Thị Thu. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, bà này cho vay tiền rồi lừa họ đến văn phòng công chứng làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất cho bà hoặc cho 1 người khác mà bà nhờ đứng tên. Chưa dừng lại ở đây, bà Thu tiếp tục sang nhượng quyền sử dụng đất cho người khác để người này thế chấp bìa đỏ vay vốn ngân hàng.

 

Ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê: Kết quả điều tra bước đầu phát hiện bà Nguyễn Thị Thu có dấu hiệu lừa đảo. Những người dân tộc thiểu số vay tiền thế chấp đất nhưng bà này lại đưa họ lên văn phòng công chứng làm thủ tục sang nhượng qua tên người khác. Bà Thu làm thủ tục mua bán đất của người dân nhưng họ không hề hay biết.

Chỉ hơn 4 tháng, nhiều người dân ở các làng Kte 1, Kte 2, làng Dek bị dính “bẫy lừa” theo kiểu này khiến mảnh đất gắn liền với cuộc sống của họ từ bao đời nay bỗng chốc thuộc quyền sở hữu của người khác. Cụ thể là các trường hợp: ông Ksor Huen đã chuyển nhượng cho ông Vũ Đình Bách và vợ là Nguyễn Thị Thu. Kế đến, đất của ông Rmah Ưih sang nhượng cho ông Nguyễn Văn Trung (làng Dek, xã Hbông) vào ngày 27-10; đất của ông Kpă Lah đã chuyển cho bà Trần Thị Duyên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) vào ngày 26-10; đất của ông Rơ Chăm Suih (bố vợ của ông Rmah Dân) đã chuyển nhượng cho ông Trần Đình Kiên (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) từ tháng 9-2016.

Danh sách này tiếp tục được mở rộng ra với các trường hợp như ông Kpă Diang (làng Kte 1, xã Hbông) cũng thế chấp bìa đỏ 3 ha đất để vay của bà Nguyễn Thị Hồng (tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê)-em ruột của bà Nguyễn Thị Thu-số tiền 40 triệu đồng; ông Rmah Thân, Rmah Đôn đã chuyển nhượng cho bà Hồ Thị Ngọc ngày 7-11; ông Kpă Diang chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Thoảng ngày 2-11; Kpă Khil, Kpă Yơng chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Hoàng (chồng bà Hồng); Siu H’Ne chuyển cho Nguyễn Văn Trung…

Đất đã “bán” nhưng vẫn… trả lãi

Theo ông Trịnh Xuân Đạt-Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Chư Sê: Trong năm 2016, trên địa bàn xã Hbông, nhiều hộ người dân tộc thiểu số đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất một phần hoặc toàn bộ diện tích đất cho người khác. Tổng hợp sơ bộ có đến 16 trường hợp, trong số này có 12 hộ dân đã thực hiện việc chuyển nhượng sang tên cho người khác.

Ngày 18-11, khi Báo Gia Lai có bài viết phản ánh về dấu hiệu lừa đảo trong các vụ việc nói trên, Công an huyện Chư Sê nhanh chóng nhập cuộc điều tra. Các hộ dân vay tiền của bà Nguyễn Thị Thu đã được mời lên UBND xã Hbông để cung cấp thông tin. Trao đổi với P.V, họ vẫn chưa hết ngỡ ngàng, không tin rằng bà Thu lừa mình làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Họ khẳng định chỉ vay tiền của bà Thu theo kiểu thế chấp bìa đỏ. Theo ông Rmah Thân, với 3 ha đất của ông hiện nay nếu bán với giá thấp nhất cũng được trên 600 triệu đồng thì không việc gì ông “bán” cho bà Thu với giá 100 triệu đồng. Tương tự, hơn 3 ha đất của ông Rmah Ưih cũng chỉ “đổi” được 40 triệu đồng…

 

 

Mặc dù đất không còn thuộc quyền sở hữu của những người dân này nhưng họ vẫn phải nai lưng ra trả lãi vay cho bà Thu theo mức cam kết 0,9%/tháng. Nếu vụ việc không sớm bị phát hiện, người dân sẽ trả số lãi này đến những 5 đến 6 năm sau. Theo một số người dân địa phương, vụ việc sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những hộ nói trên rơi vào trường hợp như ông Ksor Huen. Cụ thể, ông Huen sang nhượng toàn bộ diện tích giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T933255, thửa đất số 151, 07; tờ bản đồ số 25, 27 với tổng diện tích 20.746 m2 cho bà Thu. Ngay sau đó, bà Thu liền chuyển nhượng lại cho bà Hà Thị Toan (tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê). Bà Toan đã đem bìa đỏ này đi vay ngân hàng.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.