Thế giới vĩnh biệt Giáo hoàng Francis

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng trăm ngàn người - bao gồm các giáo sĩ, tín hữu và hơn 160 phái đoàn cấp cao - đã hiện diện tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican.

Để tham dự Thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis, người vừa từ trần hôm 21-4 do một cơn đột quỵ ở tuổi 88. Theo hãng tin AP, phái đoàn các nước bao gồm các lãnh đạo và cựu lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmerm, Tổng thống Argentina Javier Milei… có mặt ở tang lễ cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu khác như Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và thành viên hoàng gia nhiều nước.

Giáo hoàng Francis được đưa tiễn trong một thánh lễ đơn giản hơn nhiều so với những người tiền nhiệm, theo như kế hoạch do chính ông ban hành vào năm ngoái nhằm giảm bớt các nghi lễ và nghi thức tại Vatican, nhấn mạnh vai trò của giáo hoàng như một linh mục đơn thuần chứ không phải một nhân vật quyền lực của thế giới. Thánh lễ an táng được chủ trì bởi Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re, 91 tuổi.

Thánh lễ an táng trọng thể của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican hôm 26-4. Ảnh: AP
Thánh lễ an táng trọng thể của Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican hôm 26-4. Ảnh: AP

Theo AP, tang lễ ngày 26-4 là sự phản ánh nỗ lực cải cách 12 năm qua của Giáo hoàng Francis nhằm nhấn mạnh các linh mục là "người phục vụ" và xây dựng "một nhà thờ nghèo cho người nghèo". Ông đã nêu rõ sứ mệnh này chỉ vài ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng vào năm 2013 và chọn lấy tên Francis - nhằm tôn vinh Thánh Francis thành Assisi, "người có trái tim của những người nghèo trên thế giới". Đây là nội dung của sắc lệnh chính thức về cuộc đời Giáo hoàng Francis, được đặt trong chiếc quan tài gỗ đơn sơ của ông trước lúc được niêm phong tối 25-4.

Sau thánh lễ, linh cữu của Giáo hoàng Francis sẽ được chào đón bởi một nhóm người cùng khổ, bao gồm cả người di cư và tù nhân, tại TP Rome - Ý. Cố Giáo hoàng sẽ yên nghỉ tại Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore (Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả), nơi ông thường cầu nguyện lúc sinh thời.

Giáo hoàng Francis là giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên và cũng là giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên. Sau tang lễ của ông, giáo hội sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị cho Mật nghị Hồng y nhằm bầu chọn giáo hoàng mới, dự kiến khởi động vào tuần đầu tiên của tháng 5.

Ý đã triển khai hơn 2.500 cảnh sát và 1.500 binh lính để bảo đảm an ninh cho tang lễ giáo hoàng, bao gồm cả việc bố trí một tàu phóng ngư lôi ngoài khơi - theo truyền thông Ý.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh vụ thảm sát du khách ở Kashmir khiến quan hệ Pakistan và Ấn Độ căng thẳng

Toàn cảnh vụ thảm sát du khách ở Kashmir khiến quan hệ Pakistan và Ấn Độ căng thẳng

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang leo thang sau vụ tấn công du khách của các tay súng ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Vụ việc đã dẫn đến các hành động trả đũa lẫn nhau và làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra đối đầu quân sự mới giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.