Vatican ấn định thời điểm diễn ra lễ tang của Đức Giáo hoàng Francis

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vatican chính thức thông báo tang lễ của Giáo hoàng Francis sẽ được cử hành vào 10h (giờ địa phương, tức 15h theo giờ Việt Nam) ngày 26/4 tại Quảng trường Thánh Peter.

Chân dung Giáo hoàng Francis tại Thánh đường tu viện Franciscan ở Kalwaria Paclawska, Ba Lan ngày 21/4/2025. Ảnh: PAP/TTXVN
Chân dung Giáo hoàng Francis tại Thánh đường tu viện Franciscan ở Kalwaria Paclawska, Ba Lan ngày 21/4/2025. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo kế hoạch, thi hài của Đức Giáo hoàng sẽ được đưa đến Vương cung thánh đường Thánh Peter vào 9h ngày 23/4 (giờ địa phương), để người dân có thể đến viếng và tỏ lòng kính trọng. Hiện thi hài của Giáo hoàng đang được đặt trong quan tài tại nhà nguyện của dinh thự Santa Marta, nơi ngài đã sinh sống suốt 12 năm trên cương vị người đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Sáng 22/4, các Hồng y đã nhóm họp tại Vatican để thống nhất ngày tổ chức lễ tang. Theo truyền thống của Giáo hội, tang lễ của một Giáo hoàng thường được tổ chức trong khoảng 4-6 ngày sau khi qua đời, với thánh lễ an táng diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter.

Mặc dù lễ tang Giáo hoàng vốn là một nghi lễ phức tạp với nhiều thủ tục truyền thống, nhưng Đức Giáo hoàng Francis đã có những yêu cầu từ trước nhằm đơn giản hóa các nghi thức tang lễ của chính mình.

Ngài cũng sẽ trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ không được chôn cất tại hầm mộ của Vương cung thánh đường Thánh Peter. Thay vào đó, theo nguyện vọng cá nhân, ngài sẽ được an táng tại Vương cung thánh đường Thánh Mary Major ở Rome - gần bức tượng Đức Mẹ mà ngài luôn kính yêu. Khác với truyền thống ba lớp quan tài gồm gỗ bách, chì và gỗ sồi, Giáo hoàng Francis đã yêu cầu được an táng trong một chiếc quan tài gỗ đơn giản.

Trước đó, Vatican đã công bố giấy chứng tử, trong đó cho biết Giáo hoàng Francis qua đời vì đột quỵ, dẫn đến hôn mê và suy tim không thể cứu chữa. Theo tài liệu này, ngài trút hơi thở cuối cùng lúc 7h35 (giờ địa phương) tại căn hộ của mình trong dinh thự Santa Marta thuộc Vatican.

Giấy chứng tử, được Giáo sư Andrea Arcangeli, Giám đốc y tế của Vatican ký xác nhận, cũng tiết lộ rằng Đức Giáo hoàng từng bị suy hô hấp cấp khi điều trị viêm phổi hai bên tại bệnh viện. Ngoài ra, ngài mắc một số bệnh lý nền nghiêm trọng khác như tăng huyết áp động mạch, giãn phế quản và tiểu đường tuýp 2. Đây là những thông tin chưa từng được công bố trước đây.

Trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc và chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này. Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ tham dự tang lễ của Giáo hoàng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận sẽ có mặt tại buổi lễ. Tổng thống Trump ngày 21/4 cũng đã ký sắc lệnh yêu cầu treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các cơ sở liên bang, bang và quân sự toàn quốc cho đến hết ngày an táng để tưởng nhớ Giáo hoàng.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã gửi lời chia buồn sau sự ra đi của Giáo hoàng, nhấn mạnh những nỗ lực liên lạc mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và Vatican trong những năm gần đây, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.

Tại Ấn Độ, phóng viên TTXVN tại New Delhi cho biết chính phủ nước này đã quyết định tổ chức quốc tang trong ba ngày 22, 23/4 và ngày diễn ra lễ tang của Đức Giáo hoàng Francis – vị Giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong gần 1.300 năm. Trong thời gian quốc tang, các tòa nhà sẽ treo cờ rủ và mọi hoạt động giải trí chính thức sẽ tạm dừng.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, các nước trong khu vực, từ quê hương Argentina đến Mexico - một trong những quốc gia có tỷ lệ người Công giáo lớn nhất thế giới, cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc sau sự ra đi của Giáo hoàng Francis.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Mahmoud Ali Youssouf đã ca ngợi Giáo hoàng Francis là “tiếng nói đạo đức cao cả của thời đại”, người đã ủng hộ mạnh mẽ hòa bình và nhân phẩm, đặc biệt trên lục địa châu Phi, góp phần "khuếch đại tiếng nói của những người không có tiếng nói, ủng hộ hòa bình và hòa giải và đoàn kết với những người bị ảnh hưởng bởi xung đột và nghèo đói".

Theo Ngọc Thúy - Phương Lan - Hồng Minh - Linh Tô (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm