(GLO)- Quyết định 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy trình tái canh cà phê vối ra đời đã tháo gỡ được “nút thắt” để đẩy nhanh tiến trình tái canh hơn 18 ngàn ha cà phê già cỗi, năng suất thấp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020…
Nông dân chăm sóc vườn cà phê tái canh. Ảnh: Đ.T |
Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, đến nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp và 2 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn của chương trình tái canh cà phê, với trị giá hợp đồng tín dụng là 40 tỷ đồng và mới chỉ giải ngân được 15 tỷ đồng. Theo quy định, mỗi ha trồng tái canh sẽ được vay tối đa 150 triệu đồng, ghép cải tạo được vay 80 triệu đồng. Thời hạn cho vay lên đến 8 năm đối với trồng tái canh, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm; còn ghép cải tạo được vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm hai bên ký hợp đồng vay. Lãi suất là 6,5%/năm trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi.
Thống kê đến cuối năm 2015, tổng diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp cần tái canh và ghép cải tạo là 18.554 ha. Trong giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh trồng tái canh được 3.624,42 ha, trong đó diện tích cà phê của nông hộ chiếm đến 76,49%. Thực tế cho thấy đa số việc tái canh theo hình thức lựa chọn những cây cà phê già cỗi cho năng suất thấp, cây bị sâu bệnh nặng nhổ bỏ và tiến hành trồng ngay, rất ít hộ thực hiện việc luân canh cải tạo đất trước khi trồng lại. Tuy nhiên, cà phê trồng tái canh bằng cây thực sinh từ hạt lai đa dòng TRS1, cây ghép từ các dòng vô tính TR4, TR5, TR6, TR9… có bước sinh trưởng tốt. Đến nay, đã có một số diện tích bước vào thời kỳ kinh doanh, hiệu quả năm 3 cho năng suất 2-2,5 tấn/ha.
Theo các cơ quan chuyên môn, việc quy định kiểm soát tuyến trùng và nấm bệnh để quyết định thời gian luân canh là có cơ sở, vì trong suốt thời gian vườn cây cà phê được đưa vào kinh doanh, người trồng đã đầu tư nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên hệ sinh thái đất trở nên mất cân bằng và suy thoái nghiêm trọng. Theo ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, chương trình tái canh phải thực hiện theo kế hoạch, không bắt buộc phải tái canh đồng loạt mà cần phân loại vườn cà phê, tái canh theo phân kỳ thời gian kiểu cuốn chiếu, người dân vẫn có thể tận thu những cây còn cho năng suất. Trong thời gian luân canh, người trồng vẫn có thể bổ sung nguồn thu nhập bằng việc trồng xen cây họ đậu.
“Với quy trình tái canh cà phê vối mới được ban hành, việc phân tích mật độ tuyến trùng, nấm bệnh gây hại cà phê để xác định thời gian luân canh, cải tạo đất không phải là quy định mang tính bắt buộc. Việc tái canh có thể thực hiện ngay, không cần luân canh hoặc phải luân canh 1 năm hay luân canh 2 năm, tùy tình trạng biểu hiện của vườn cây”-ông Uyển cho biết.
Bên cạnh việc tháo gỡ vướng mắc về khâu đất, khâu giống cũng đã có những điểm nới điều kiện như: sử dụng giống cà phê được cấp có thẩm quyền công nhận; nguồn vật liệu nhân giống để sản xuất cây giống, chồi ghép phải được lấy từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, được cấp có thẩm quyền công nhận. Như vậy, nếu người trồng cà phê có thể sử dụng cây giống của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu Gia Lai hoặc mua hạt giống của các đơn vị tự tổ chức gieo ươm để trồng tái canh thì đủ điều kiện để tham gia vay vốn từ chương trình. Ông Nguyễn Quang Ngọc-Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu Gia Lai cho biết: Trung tâm hiện có vườn nhân chồi cà phê 1 ha và vườn ươm cà phê khoảng 1,2 ha tại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) có thể cung cấp khoảng 3 triệu cây giống và 500 ngàn chồi giống/năm, đảm bảo cung cấp nguồn giống có chất lượng phục vụ cho người dân trồng tái canh.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với việc tái canh cà phê, giống luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu và nhu cầu này rất lớn. Sở đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cây giống để đảm bảo có được nguồn giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt nhất cấp phát cho người trồng tái canh theo kế hoạch hàng năm của từng địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ để người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng UTZ Certified, 4C, VietGAP… nhằm phát triển sản xuất cà phê bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển và cạnh tranh trong hội nhập.
Thảo Nguyên