Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 151 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trong số này, 79 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa, Nhà máy nước sạch huyện Chư Sê, Nhà máy nước sạch thị xã An Khê, Nhà máy chế biến nước ép trái cây tại huyện Mang Yang, dự án thủy điện Plei Keo, dự án Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, dự án khu điều trị dịch vụ chất lượng cao 300 giường...


 

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Ảnh: MINH TRIỀU
Lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Ảnh: MINH TRIỀU

Ngoài những lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp thì các dự án này đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tuy nhiên, một số dự án vẫn đang chậm triển khai do gặp khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng mắc về thủ tục... Đơn cử như dự án khu dân cư SH-Land (số 63-65 đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá, TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Sơn Hải làm chủ đầu tư. Đây là dự án có quy mô 70.140 m2, bao gồm 368 lô đất và các công trình tiện ích với tổng mức đầu tư 109,3 tỷ đồng. Dự kiến, dự án này đi vào hoạt động từ tháng 10-2018, nhưng do chưa xác định được nguồn gốc đất nên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Tại Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 25-7-2018 của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Bossco được lựa chọn là nhà đầu tư để thực hiện dự án tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới (số 51 Lý Nam Đế, phường Trà Bá, TP. Pleiku). Tổng mức đầu tư dự án là 116,8 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai. Giá trị nhà đầu tư phải nộp là giá do UBND tỉnh ban hành tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không thấp hơn 71,3 tỷ đồng. Ngày khởi công dự án không quá 30 ngày kể từ ngày UBND TP. Pleiku bàn giao toàn bộ khu đất cho nhà đầu tư và thời gian hoàn thành không quá 24 tháng. Song cho tới nay, dự án này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ.

Ngoài 2 dự án trên, nhiều dự án khác ở tỉnh ta cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ như: dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng, dự án khu đô thị Cầu Sắt, khu nhà ở xã hội Trà Đa, khách sạn Hùng Vương, khách sạn Hoàng Nhi, Khu Công nghiệp Nam Pleiku, đường Lý Tự Trọng nối dài, đường 17-3 nối dài, dự án hạ tầng suối Hội Phú (giai đoạn 3)...

“Phải nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho các dự án”

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại cuộc họp nghe các sở, ngành và địa phương báo cáo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày 4-5 vừa qua. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với từng dự án. Cụ thể, dự án Khu Du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, tỉnh đồng ý chủ trương gia hạn 9 tháng để nghiên cứu, lập quy hoạch. Đối với các dự án chậm tiến độ như: khu dân cư SH-Land, khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng, khu đô thị Cầu Sắt, khách sạn Hùng Vương, khách sạn Hoàng Nhi, tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới (51 Lý Nam Đế, TP. Pleiku), khu nhà ở xã hội Trà Đa, Khu Công nghiệp Nam Pleiku, đường Lý Tự Trọng nối dài, đường 17-3 nối dài, hạ tầng suối Hội Phú (giai đoạn 3)... Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ kịp thời, đồng thời đôn đốc các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án.

Đặc biệt, tiến độ triển khai thực hiện các dự án mà Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đề nghị được đầu tư đang là mối quan tâm lớn của dư luận. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo, đối với dự án sân golf Đak Đoa, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được giao nhiệm vụ tiếp cận mặt bằng, thăm dò, khảo sát địa hình, địa chất để lấy thông tin nhằm hoàn thiện các bước chuẩn bị cho tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị; kinh phí thực hiện do nhà đầu tư chi trả. Còn dự án khu tháp đôi đường Quang Trung-Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku), Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND TP. Pleiku lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan liên quan, chủ động thực hiện việc xác định giá đất để triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.

Cũng nằm trong các dự án mà Tập đoàn FLC đề nghị được đầu tư, dự án khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku), UBND TP. Pleiku được yêu cầu khẩn trương có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo thực hiện dự án. Đối với dự án khu đất Kho CK 54 (xã Trà Đa, TP. Pleiku), UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Pleiku chủ động phối hợp, khẩn trương kiểm tra đề xuất việc phê duyệt chủ trương và xây dựng, thẩm định dự toán; đề xuất tạm ứng nguồn kinh phí để thực hiện hạng mục rà phá bom mìn, đôn đốc tiến độ rà phá bom mìn.

Tại hội nghị chuyên đề về tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đoàn kết, năng động, thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành và địa phương thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư như cam kết; tích cực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

 

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.