Thành tựu mới của Trung Quốc trong chinh phục không gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa công bố phát hiện mới trên sao Hỏa nhờ dữ liệu thu thập từ xe thám hiểm Chúc Dung, xác nhận những sự thay đổi môi trường sao Hỏa thông qua hoạt động của gió và cát.
Xe thám hiểu Chúc Dung chụp ảnh cùng thiết bị hạ cánh trên sao Hỏa ngày 11-6-2021. Ảnh: CNSA

Xe thám hiểu Chúc Dung chụp ảnh cùng thiết bị hạ cánh trên sao Hỏa ngày 11-6-2021. Ảnh: CNSA

Phát hiện này có thể hé lộ thêm những dự đoán thay đổi về khí hậu trong tương lai trên Trái đất. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Trong số các hành tinh trong hệ Mặt trời, sao Hỏa được coi là giống với Trái đất nhất. Các nhà khoa học tin rằng trạng thái hiện tại và lịch sử thay đổi môi trường của sao Hỏa có thể hé lộ "tương lai của Trái đất".

Để làm rõ vấn đề, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao cùng các thiết bị khác trên xe thám hiểm Chúc Dung. Thông qua phân tích chuyên sâu, các nhà nghiên cứu phát hiện bằng chứng quan trọng cho thấy sự nhất quán với các lớp phủ bụi băng được tìm thấy ở vĩ độ cao trên sao Hỏa, chứng minh khu vực xe thám hiểm Chúc Dung hạ cánh có thể đã trải qua hai giai đoạn khí hậu chính. Hai giai đoạn này được đánh dấu bằng sự thay đổi hướng gió, với sự thay đổi gần 70 độ từ đông bắc sang tây bắc.

Ngoài ra, những cồn cát sáng hình lưỡi liềm trên sao Hỏa cũng biến thành những dải cát sẫm màu chạy dọc. Sự thay đổi này xảy ra vào cuối kỷ băng hà cuối cùng trên sao Hỏa, cách đây khoảng 400.000 năm. Sự thay đổi độ nghiêng trục của sao Hỏa được cho là dẫn đến sự chuyển đổi khí hậu toàn cầu từ kỷ băng hà sang thời kỳ gian băng - thời kỳ nhiệt độ trung bình ấm hơn làm tan băng và xen kẽ với các thời kỳ băng hà trong kỷ băng hà.

Nghiên cứu góp phần vào sự hiểu biết và cung cấp góc nhìn mới về lịch sử khí hậu cổ đại của sao Hỏa, giải quyết những hạn chế quan trọng khi mô phỏng khí hậu trên sao Hỏa và cung cấp những hiểu biết về những thay đổi khí hậu của Trái đất trong tương lai.

Khám phá trên một lần nữa cho thấy sự phát triển vượt bậc của khoa học vũ trụ Trung Quốc. Trong đó có các thành tựu xuất sắc như: hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, các chuyến bay có phi hành đoàn, trạm vũ trụ Thiên Cung, chương trình mặt trăng, khám phá liên hành tinh…

Các nhà phân tích cho rằng chính sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ XXI dẫn đến kế hoạch đầu tư lớn hơn vào các chương trình không gian và nhờ đó mà nước này đạt dược những thành tựu ấn tượng trong hơn hai thập kỷ qua.

Có thể bạn quan tâm