Thành phố ở Việt Nam: Bến Tre 'dừa ơi ta nhớ lắm nghe'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thì Bến Tre, chứ còn ai! Nghe bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ai cũng muốn có dịp về thăm Bến Tre. Tôi cũng vậy.

Nhưng phải đợi tới năm 1982, nhân kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Hội nghị khoa học quốc gia đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu do Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM, thừa ủy quyền của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, phối hợp cùng tỉnh Bến Tre tổ chức vào ngày 29 và 30.6.1982.

Dù không có giấy mời, tôi cũng rất tự tin đi xe đò từ Quy Nhơn vào để tìm cách xuống Bến Tre dự cuộc hội nghị. Lý do vì tôi được Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM nhận in trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc mà tôi hoàn thành năm 1981. Trong trường ca ấy có nhiều đoạn tôi viết về Nguyễn Đình Chiểu.

Hồi đó, được in một trường ca là mừng lắm, vì có tiền nhuận bút. Vào TP.HCM, tôi tới ngay Nhà xuất bản Văn nghệ gặp ông Hà Mậu Nhai - giám đốc, hỏi xem tác phẩm mình được in tới đâu, có thể ứng một ít tiền để đi Bến Tre không. Ông Nhai cảm thương tôi đi đường xa, túi lại không tiền, nên nói kế toán ứng cho tôi một số tiền, do sách đang in chưa xong.

Cây cầu 7 Oai bắc qua rạch Cái Mít (Bến tre) do Báo Thanh Niên ủng hộ xây dựng năm 2023. Ảnh Nhật Thịnh

Cây cầu 7 Oai bắc qua rạch Cái Mít (Bến tre) do Báo Thanh Niên ủng hộ xây dựng năm 2023. Ảnh Nhật Thịnh

Ban tổ chức hội nghị có xe đón đại biểu về Bến Tre dự hội nghị. Tôi thuộc dạng "đi đại" chứ không phải đại biểu, nhưng hồi đó cũng chẳng ai hỏi giấy mời, nên tôi xuống Bến Tre suôn sẻ.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Bến Tre.

Sau này, qua thế kỷ 21, tôi mới có nhiều dịp về Bến Tre mà không cần giấy mời. Vì tôi đi với nhà thơ Chim Trắng, một người anh và người bạn thân thiết của tôi. Anh Chim Trắng quê Bến Tre, tự lái xe ô tô đưa tôi về thăm quê hương anh. Và địa chỉ cụ thể mà chúng tôi ghé thăm là lão nhà văn Trang Thế Hy. Năm đó ông Tư Sâm (tên thân mật của nhà văn nổi tiếng này) đã cao tuổi. Lại đang sống một mình ở xóm dừa sát Châu Thành, Bến Tre. Thời gian đó cầu Rạch Miễu đang thi công chưa xong, nên từ Mỹ Tho qua Bến Tre phải đi phà.

Những lần về Bến Tre như thế đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc.

Thứ nhất là chúng tôi rất thương lão nhà văn Trang Thế Hy. Ông sống một mình, vợ đã qua đời, ngôi nhà cô độc trong vườn dừa, ông già lủi thủi suốt ngày "đêm nghe dừa rụng ngày nhìn chuột rơi".

Thứ hai là sau khi đi vòng quanh thị xã Bến Tre (nay thành phố Bến Tre), chọn một quán ăn khá dễ chịu, ngồi nhìn quanh, tôi lại cảm thương cho Bến Tre vì sao tới lúc ấy vẫn còn lơ xơ quá. Gọi là chậm phát triển. Nhưng nếu chúng ta biết, Bến Tre là quê hương của cuộc Đồng Khởi vĩ đại đầu năm 1960, "Bến Tre đi trước", chẳng lẽ bây giờ lại "tiếp tục về sau"?

Đường giao thông ở Bến Tre cũng chưa đủ rộng đủ lớn để kết nối. Bến Tre còn nghèo, quà lưu niệm cho du khách chỉ có đũa dừa và kẹo dừa, thì làm sao giàu lên được.

Anh Chim Trắng hiểu tình cảm của tôi với Bến Tre, nên thổ lộ: "Dân Bến Tre có tới 80% là gốc Quảng Ngãi đấy ông à". Hóa ra, người đồng hương của tôi ở xứ dừa này lại đông đảo đến thế sao? Dân Quảng Ngãi cũng chăm chỉ làm như dân Bến Tre, mà cũng "nghèo lâu" như dân Bến Tre.

Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa. Ảnh: Phương Nam

Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa. Ảnh: Phương Nam

Trước đây mỗi lần đi phà qua Bến Tre, tôi lại nhìn thấy Cồn Phụng. Nghe nói đó là nơi tu tập của ông Đạo Dừa, từ ngày còn chưa hòa bình. Ông Đạo Dừa là kỹ sư tốt nghiệp bên Pháp, nhưng về nước lại chọn Cồn Phụng quê hương ông để tu tập. Và đạo của ông mang tên là Đạo Dừa.

Nghe nói, hồi chiến tranh, Cồn Phụng của ông Đạo Dừa là nơi thanh niên Bến Tre hay lánh vào để trốn đi lính cho phía chính quyền cũ. Ông Đạo Dừa che chở cho tất cả những thanh niên trốn lính.

Bến Tre còn là quê hương của "Bà Tướng" lừng danh Nguyễn Thị Định. Khi Nguyễn Văn Tý viết nhạc phẩm Dáng đứng Bến Tre, hình như nhạc sĩ đã hướng tới bà Nguyễn Thị Định - thủ lĩnh của "Đội quân tóc dài Bến Tre" nổi tiếng:

Ai đứng như bóng dừa

tóc dài bay trong gió

có phải người còn đó

là con gái của Bến Tre

năm xưa đi trong đạn bom

đi như nước lũ tràn về

Rồi:

mỗi lúc đi xa

dừa ơi ta nhớ lắm nghe

vườn trái trái xum xuê

biển khơi tôm cá đầy ghe

nhớ con sông dài

Hàm Luông bến ta quen ghé

Mỗi lần nghe bài hát này trên YouTube do ca sĩ Ngọc Yến hát, tôi lại xúc động. Bến Tre dù còn khó khăn, nhưng lại có được bài hát quá hay, bài hát để đời về xứ dừa, về những người con gái tóc dài mang dáng vóc cây dừa, dịu dàng và can đảm.

Cầu Rạch Miễu ở Bến Tre. Ảnh Công Hân
Cầu Rạch Miễu ở Bến Tre. Ảnh Công Hân

Bây giờ thì Bến Tre đã có cầu Rạch Miễu 1, rồi sắp khánh thành cầu Rạch Miễu 2, đường giao thông cũng được làm mới rộng rãi thênh thang hơn.

Thành phố Bến Tre vẫn xanh mát bóng dừa, đón rất nhiều đoàn khách du lịch về đây thăm những vùng đất văn hóa và lịch sử, thăm Cồn Phụng của ông Đạo Dừa, thăm Mỏ Cày quê hương cách mạng, ngồi lai rai bên bờ sông Hàm Luông, ăn những món đặc sản Bến Tre, trong đó thể nào cũng có món "con đuông trong bộng dừa" chiên xù.

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.