Thành phố ở Việt Nam: Hà Giang giữa mây và đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Riêng năm 2012, tôi đã 3 lần lên Hà Giang. Với những người đi du lịch thì thành phố Hà Giang chỉ là điểm dừng chân. Đích tới của họ là cao nguyên đá Đồng Văn. Từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn theo quốc lộ 4C, mất khoảng 150 km, qua Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc tới Đồng Văn.

Không phải mục đích chính là du lịch, tôi lên Hà Giang để đi hết cả tỉnh này, lấy cảm xúc và tài liệu viết một trường ca về người Mông.

Năm 2014, tôi đã hoàn thành trường ca Đám mây hình người thợ săn và con chó, một trường ca khiến tôi rất ưng ý, vì đó là trường ca đầu tiên của người Việt viết về người Mông.

Phải bày tỏ ở đây lòng biết ơn sâu sắc của tôi với anh Tuấn, người đã hết lòng giúp tôi trong mấy chuyến đi cực kỳ hiệu quả lên Hà Giang. Sau khi tôi in trường ca này mấy năm thì anh Tuấn qua đời do lâm trọng bệnh. Không gặp được một người bản địa Hà Giang tốt và nhiệt tình như thế, làm sao tôi hoàn thành được tác phẩm mà mình ấp ủ.

Vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang

Vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang

Với tôi, thì Hà Giang là một tổng thể, gồm cả cao nguyên đá Đồng Văn, nằm lơ lửng giữa mây và đá. Có lúc, cảm giác như Hà Giang là bông hoa tam giác mạch nở bên dưới đám mây lang thang: bông hoa tam giác mạch/ nở viền khuất chân trời/ đám mây màu phiêu bạt/ thả neo vào chơi vơi (Đám mây hình người thợ săn và con chó).

Bằng tình yêu của mình với mảnh đất này, tôi cũng đã "thả neo" vào Hà Giang. Kinh ngạc và mê mẩn, đó là cảm giác ban đầu của tôi khi gặp cao nguyên đá Đồng Văn: trên quê mình đá tươi tốt bao nhiêu/ đá là của để dành/ là vàng của đất/ là bài ca cháy khát/ dưới mây trời/ giọng khèn bè nén hơi/ ngàn ngạt/ đá hát/ đá hát/ đá hát/ hai quả núi sinh đôi hình cặp vú/ đầy căng/ hai người yêu tìm nhau qua tiếng hú/ mênh mang/ đá sinh đá sinh đá sinh đá/ đá mẹ bồng con/ đá vợ yêu chồng/ đá mồ côi thất lạc/ đá sum vầy mở hội xông xênh/ đá ngẩn ngơ ngồi giữa chênh vênh/ đá nguyên thủy đá đang thành hình/ trong một thế giới không sắp đặt (Đám mây hình người thợ săn và con chó).

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tặng áo ấm cho trẻ em vùng biên giới ở Hà Giang

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tặng áo ấm cho trẻ em vùng biên giới ở Hà Giang

Đi Hà Giang thì phải thưởng thức ẩm thực của xứ sở địa đầu này. Tới Quản Bạ ăn mèn mén, tới Yên Minh uống rượu ngô, còn tới Mèo Vạc thì ăn thắng cố. Mèn mén phải ăn trong nhà người Mông mới ngon. Còn rượu ngô và thắng cố thì tốt nhất là uống và ăn ngoài chợ.

Tôi đã thực hiện lời khuyên này từ "người dẫn đường" là anh Tuấn. Đúng là mèn mén nên ăn trong nhà bà con người Mông, vì mèn mén phải ăn kèm dưa nương mới đúng vị. Còn rượu ngô và thắng cố thì vô tư, uống rượu ngô ăn thắng cố ngoài chợ là hợp cảnh hợp tình nhất.

Chợ trên Hà Giang còn hơn một cái chợ, vì đó là nơi giao lưu, nơi trao đổi ân tình, nơi những người yêu cũ gặp lại nhau để kể lể bao điều, nơi khèn bè và kèn lá lên tiếng. Những tình cảm dễ thương nhất đều được thể hiện ngoài chợ. Là người làm thơ gặp những cảnh những tình đó không viết được thơ hay thì còn gì để nói nữa, phải không ạ?

Chợ phiên Lũng Pù (phiên chợ vùng cao ở Mèo Vạc, Hà Giang)

Chợ phiên Lũng Pù (phiên chợ vùng cao ở Mèo Vạc, Hà Giang)

Trong một lần lên Hà Giang, tôi đề nghị với anh Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam, kêu gọi một công ty may ở Thái Nguyên ủng hộ những bộ quần áo chống rét mùa đông cho các cháu bé ở một trường thuộc xã biên giới Quản Bạ. Mọi chuyện thiện nguyện đã diễn ra hết sức tốt đẹp và cảm động. Trưa đó chúng tôi ăn mèn mén với dưa nương ở nhà anh Hùng - một trưởng thôn trẻ rất năng động của vùng biên giới.

Đúng là mèn mén phải ăn kèm dưa nương mới ngon. Người Mông mỗi buổi sáng lên nương đều mang theo mèn mén, trên nương đã sẵn dưa, đứng bóng họ ăn trưa rất đơn giản như vậy, rồi tiếp tục làm việc.

Người Mông là một dân tộc luôn chọn nơi rất cao trên núi để dựng nhà ở. Chính vì tập tục ở nhà lưng chừng núi như vậy mà vừa rồi nhiều trận mưa lớn kéo dài đã khiến đất lở đá trôi cuốn theo luôn những ngôi nhà có kiến trúc rất đẹp của họ.

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn có tuổi thọ hàng triệu năm, những nhà khảo cổ còn tìm được trên những mảng đá núi dấu tích của biển. Hàng triệu năm trước biển đã ở trên cao nguyên đá này, hay cao nguyên đá còn nằm sâu trong lòng biển, điều đó chưa ai biết chắc.

Vì cao nguyên toàn đá nên người Mông phải mang từng gùi đất lên núi, bỏ đất vào giữa những hốc đá để trồng ngô. Bao nhiêu mồ hôi công sức đổi một bát ngô, rồi bao nhiêu bát ngô đổi một vò rượu ngô. Tất cả đều từ ngô. Mèn mén ngô, rượu ngô, những nụ cười mùa thu hoạch cũng từ ngô. Kiên nhẫn như những cô gái Mông ngồi dệt ba năm mới xong cho mình một chiếc váy cưới. Tôi nghĩ, tất cả đó là hoạt động sáng tạo. Vì chỉ có sáng tạo mới kiên nhẫn như vậy.

Hà Giang là niềm ngưỡng mộ của tôi và của bao khách từng du lịch tới đây.

Thành phố nhỏ nhưng cao nguyên đá lớn. Những quả ngô nhỏ nhưng ý chí của con người lớn. Đó là Hà Giang.

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

Nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao phía Bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800 m đến 1.200 m so với mực nước biển. Đây là vùng tập trung nhiều ngọn núi cao.

Hà Giang có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan.

Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2021 ước 887.086 người, trong đó dân số khu vực thành thị 140.327 người, chiếm 15,82%.

Thái Thanh (tổng hợp)

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.