Thành phố ở Việt Nam: Hội An như giấc mơ trần thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bây giờ, Hội An đã là một thành phố du lịch tầm thế giới. Nhưng thành phố nào cũng được làm nên bởi con người, nhất là những người có công lớn làm nên tầm vóc thành phố ấy.

Với Hội An, có 3 nhân vật mà tôi rất ngưỡng mộ, vì họ có công với Hội An.

Đầu tiên là Kiến trúc sư người Ba Lan Kazik. Ông Kazik là "nhà phát hiện Hội An", người đã mê đắm Hội An ngay từ lúc nơi này mới là thị xã, nhỏ nhắn, mảnh mai như một cô con gái nhà lành. Ông Kazik đã nhận ra tầm vóc thực sự của Hội An, và đã đưa thành phố này ra thế giới, tới với những thành phố du lịch tầm cỡ thế giới.

Một góc phố cổ Hội An nhìn từ trên cao

Một góc phố cổ Hội An nhìn từ trên cao

Người thứ hai là cụ Bội Liên - một nhà Hội An học khiêm nhường nhưng am hiểu Hội An từ chân tơ kẽ tóc. Ngày cụ Bội Liên còn sống, tôi đã từng tới thăm và trò chuyện với cụ về Hội An. Ngày đó, Hội An chưa lớn như bây giờ, nhưng vẫn là một Hội An thanh bình, nhỏ nhẹ, thật thà. Qua câu chuyện của cụ Bội Liên, tôi đã hiểu thêm những điều cần hiểu về Hội An.

Người thứ ba mà tôi rất ngưỡng mộ là anh Nguyễn Sự. Không phải vì anh Sự từng là chủ tịch, rồi bí thư thành phố Hội An, mà vì anh là người yêu Hội An ngay lành nhất, vô tư nhất. Không có một chút "lợi ích nhóm" nào dính vào con người từng làm lãnh đạo này cả. Anh Nguyễn Sự là người có công rất lớn đưa Hội An tới tầm vóc như bây giờ. Đưa và giữ cho Hội An không thay đổi bản chất, dù phát triển tới đâu, thành phố vẫn là một Hội An như xưa cũ.

Di tích chùa Cầu sau khi trùng tu

Di tích chùa Cầu sau khi trùng tu

Vừa qua, về chuyện trùng tu chùa Cầu, anh Nguyễn Sự đã có "lời nhắc nhở" in trên báo mà tôi thấy cần trích một đoạn để bà con thấy rõ hơn tấm lòng của một người từng là lãnh đạo Hội An đã yêu thành phố mình như thế nào: "Những xôn xao về chùa Cầu vừa qua cho chúng ta thấy người dân Hội An và cả du khách đều rất quan tâm tới di tích, di sản cha ông.

Đó là điều đáng mừng, vì đó là tình yêu, chính tình yêu đó đã giữ cho đô thị cổ Hội An tồn tại qua mấy trăm năm. Có yêu thì mới để ý, mới đủ tinh tế nhận ra sự đổi khác của di tích, trong đó có chùa Cầu. Và khi lên tiếng cũng là thể hiện trách nhiệm. Những ý kiến góp ý về chùa Cầu mấy ngày qua cũng là lời nhắc nhở tích cực cho cơ quan quản lý di sản, chính quyền Hội An. Rằng mọi sự khi đụng đến di tích, di sản đều phải hết sức cẩn trọng."

Đã yêu thì phải giữ, là như vậy.

Tôi đã đề cử ba nhân vật yêu Hội An. Bây giờ xin đề cử một "nhân vật đặc biệt" nữa, mà người tới Hội An đều yêu, đó là… trái bắp nấu.

Bán bắp nướng ở phố cổ Hội An

Bán bắp nướng ở phố cổ Hội An

Những trái bắp nấu ở Hội An vẫn còn, vẫn được bán với giá 5.000 đồng/quả, cái giá mà cách đây 20 năm đã khiến mấy anh em quê bắp sông Trà - Quảng Ngãi chúng tôi cười suốt. Vì lúc đó ở quê tôi, có thể mua 5.000 đồng 3 trái bắp nấu cũng ngon như vậy. Nhưng cô bán bắp nấu ở Hội An đã nhẹ nhàng giải thích cho chúng tôi: Sở dĩ có giá ấy vì bắp nấu Hội An là "bắp di sản". Chúng tôi gật đầu, chịu. Di sản có khác. Đó chính là thương hiệu của Hội An.

Cách đây đã nhiều năm, lúc ấy Hội An chưa có tên trên bản đồ du lịch thế giới, tôi có bài viết Hội An, một giấc mơ trần thế. Bây giờ nhìn lại, thấy đúng. Nhưng đó là giấc mơ đã hiện thực hằng ngày hằng đêm.

Tôi có những người bạn Việt kiều mỗi khi có cơ hội về Việt Nam đều tới Hội An, một điểm dừng không bao giờ họ bỏ qua.

Một thành phố du lịch đẳng cấp phải là một thành phố văn hóa, cư dân trong thành phố ấy phải sống có văn hóa. Hội An và người Hội An đã sống như vậy. Và họ biết giữ gìn văn hóa như giữ gìn những ngôi nhà cổ của mình.

Du khách tham quan phố cổ Hội An

Du khách tham quan phố cổ Hội An

Sẽ là thiếu sót nếu tôi quên nhắc tới một cư dân đặc biệt của Hội An bây giờ, đó là nhà văn Nguyên Ngọc. Anh Nguyên Ngọc quê chính gốc ở Hội An, sau bao nhiêu năm tham gia 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, rồi bao nhiêu năm sống ở Hà Nội, gia đình anh Nguyên Ngọc đã dời về định cư ở Hội An. Dù chị Tâm vợ anh đã mất, anh Ngọc đã trên 90 tuổi, nhưng bố con anh vẫn sống trong một phố nhỏ bên rìa Hội An. Và từ ngôi nhà nhỏ ấy, những bài viết thông tuệ, sắc sảo và đầy xúc cảm của một nhà văn lớn cao tuổi vẫn tiếp tục đến với người đọc.

Một thành phố như Hội An không làm cho người ta choáng, mà làm cho người ta yêu. Cứ nhỏ nhẹ, mềm mỏng, không đao to búa lớn, mà cứ thực sự lớn trong lòng du khách.

Sông Hoài - Hội An về đêm

Sông Hoài - Hội An về đêm

Tôi đã nhiều lần cùng anh Nguyên Ngọc ăn những bữa cơm nhỏ nhẹ bên bờ sông Hoài, hay trên bờ biển Hội An. Gió sông hay gió biển ở đây thường dịu mát, không ào ã. Những người phục vụ quán cũng luôn nhỏ nhẹ với khách, không bao giờ hô to nói lớn. Và chúng tôi ngồi chuyện trò cũng nhỏ nhẹ, giống như tính cách của thành phố này.

Hội An giản dị thinh lặng như một trái bắp nấu, và như một giấc mơ trần thế.

Hội An là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam từ năm 2008.

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1.4.2009, dân số toàn thành phố có 88.933 người, trong đó nữ có 45.269 người, chiếm tỷ lệ 50,90%, bình quân nhân khẩu gần 4 người/hộ. Địa bàn thành thị có 68.639 người, trong đó có nữ 34.794 người, chiếm tỷ lệ 50,69%, bình quân nhân khẩu hơn 4 người/hộ.

Ở Hội An có hơn 1.350 di tích, trong đó có 1.273 di tích kiến trúc nghệ thuật. Trong đó, quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ được xem là hạt nhân cơ bản, một "bảo tàng sống".

Hội An gần như quanh năm bốn mùa đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống. Thành phố này còn có những làng nghề nổi tiếng như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng khai thác Yến Thanh Châu, làng trồng rau Trà Quế, làng hến - bắp Cẩm Nam, các làng chài Thanh Nam, Đế Võng...

Những năm gần đây, Hội An tiếp tục có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và cả nước.

Thái Thanh (tổng hợp)

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.