Thành phố ở Việt Nam: Huế dễ thương, Huế dịu dàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên ra Huế là tháng 6.1975. Mới hòa bình, sau những xáo trộn và chạy loạn ghê gớm, nhưng Huế vẫn rất nhẹ nhàng. Dường như người Huế đã quen với những tàn phá trong chiến tranh, nên họ khổ sở mà vẫn bình thản.

Mấy anh em tôi từ Đà Nẵng ra Huế thăm anh Đồng, người bạn thân vừa từ chiến khu Trị Thiên về Huế. Nhà bạn ở tạm tại 65 đường Phan Đình Phùng, con đường chạy dọc sông An Cựu.

Vừa gặp bạn xong, chúng tôi đã nhảy ào xuống sông An Cựu tắm cho mát. Hồi đó sông vẫn còn khá trong xanh sạch sẽ, anh em tha hồ bơi lội. Trên nhà, anh Đồng cùng anh Quang Hà và Trần Phá Nhạc chuẩn bị bữa liên hoan mừng hội ngộ sau 5 năm xa cách. Bữa tiệc thật vui, kéo dài từ trưa tới tận khuya.

Buổi tối, có thêm Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và vài người bạn Huế tới chơi, bữa rượu càng tưng bừng. Sau này, anh Trịnh Công Sơn nói bữa rượu chào Huế của chúng tôi "đậm chất Thủy Hử". Cũng đúng vậy. Anh em văn nghệ từ chiến khu về gặp anh em văn nghệ trong thành, vui hồn nhiên như các bậc giang hồ trong Thủy Hử.

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao

Hôm sau, tôi và Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai đi lang thang cho biết Huế. Thành phố quá dễ thương, nhất là khi chúng tôi ra tới Đập Đá, gặp một quán chè sát sông Hương có bụi trúc phía trước. Anh em tấp vào ăn chè. Có tới hơn 10 loại chè, mà loại chè nào cũng rất ngon, anh em chúng tôi không phải dân hảo ngọt mà ăn mỗi người tới 5 ly.

Nhìn Trần Vũ Mai mặt vuông chữ điền cắm cúi ăn chè, ngồi sát bụi trúc, lại nhớ câu thơ Hàn Mặc Tử "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Chẳng biết hồi xưa Hàn thi sĩ có ngồi ở quán này ăn chè không mà để lại câu thơ dễ thương đến thế.

Gặp Huế lần đầu, tôi cũng không ngờ, chỉ cuối năm 1975, tôi lại gặp Huế ở Hà Nội. Đó là một cô gái Huế dịu dàng mà tôi mới gặp đã thương ngay. Rồi chúng tôi yêu nhau. Rồi thành vợ thành chồng. Tôi chính thức là con rể của Huế. Từ năm 1976, tôi đã thường xuyên về Huế. Đứa con đầu lòng của vợ chồng tôi sinh ở Huế. Quê vợ tôi đã thành quê tôi.

Du khách tham quan Đại nội Huế

Du khách tham quan Đại nội Huế

Người ta nói Huế phát triển chậm. Nhưng vì là cố đô, nhiều khi phát triển chậm lại hay hơn phát triển nhanh. Huế vẫn giữ lại được căn cốt cổ điển của mình, một thành phố bị tàn phá dữ dội trong chiến tranh mà vẫn còn lại như ngày nay là kỳ lạ lắm.

Bây giờ, hàng năm cứ tới tháng 5 âm lịch, cả thành phố Huế lại cùng nhau cúng tưởng niệm "Ngày thất thủ Kinh đô". Lễ cúng kéo dài hằng tuần, hương khói khắp các phố, không nhà nào không cúng. Đó là lễ cúng của cả thành phố, duy nhất trong cả nước.

Tôi thích những phố nhỏ ở Huế, mình cứ đi mà không sợ lạc, vì cứ nhắm hướng bắc là gặp sông Hương, nhắm hướng nam là chạm sông An Cựu. Thành phố bây giờ mở rộng hơn rất nhiều, nhưng không làm phai đi màu sắc những phố nhỏ ở trung tâm.

Sông Hương là niềm tự hào của người dân Huế

Sông Hương là niềm tự hào của người dân Huế

Nói tới Huế là phải nói ngay tới những món ăn kinh điển như bún bò Huế, bánh canh Huế, các loại bánh truyền thống của Huế như bánh nậm, bánh bột lọc, bánh khoái, bánh bèo, bánh ướt… Tính ra có tới hơn 15 món bánh Huế mà mỗi loại bánh ngon mỗi kiểu, kết lại thành một "hợp xướng bánh Huế" vừa độc đáo vừa dân dã.

Ngày tôi tới nhà bà chị cả của vợ tôi ở Huế, năm 1976 ấy, đời sống vô cùng khó khăn, bà chị chuyên làm bánh ướt để bán. Bánh ướt không khó làm nhưng làm cho ngon thì khó. Bà chị Bích làm món bánh ướt này cực ngon, bán rất chạy, đủ tiền nuôi cả một đàn con 9 đứa.

Bún bò Huế là món ăn nổi tiếng gắn liền với thành phố Huế

Bún bò Huế là món ăn nổi tiếng gắn liền với thành phố Huế

Còn bún bò Huế thì nổi tiếng khắp Việt Nam rồi. Tôi có đứa cháu gái ở Quảng Ngãi cứ lâu lâu lại chạy ra Huế chỉ để ăn bún bò Huế tại cố đô cho đã thèm. Đủ biết, sức hút của bún bò Huế ghê gớm thế nào.

Làm bánh truyền thống ở Huế hầu hết là những gia đình nghèo. Các loại bánh họ làm đều được bán với giá rẻ, vậy mà họ sống được nhờ nghề làm bánh.

Tương truyền ngày xưa các ông vua ở Kinh đô Huế thích ăn cơm với… muối. Nên mới sinh ra món ẩm thực… muối, có tới hơn 10 loại muối khác nhau để phục vụ trong Hoàng cung. Đủ biết, những món ngon ở Huế không phải sơn hào hải vị, mà món ngon hầu hết đều dân dã giản dị.

Món bánh lọc Huế dân dã

Món bánh lọc Huế dân dã

Đó là một nền tảng vững chắc để Huế làm du lịch, phục vụ cho vừa lòng đủ loại khách. Bây giờ mỗi lần ra Huế, tôi lại được các cháu vợ tôi mời những bữa cơm rau dưa ăn rất ngon và rất tốt cho sức khỏe, nhất là với những người lớn tuổi.

Huế dịu dàng thanh lịch, người Huế nói năng lễ độ, thành phố hôm nay xe ô tô cá nhân rất nhiều nhưng Huế vẫn không ồn ào. Khách du lịch bây giờ có thể đi chơi rất khuya, sáng đêm luôn cũng được. Chẳng bù với hồi trước, tôi rất ngạc nhiên vì người Huế tắt đèn đi ngủ sớm, mới 9 giờ đêm thành phố đã im lìm như chìm vào giấc mộng rồi.

Chợ Đông Ba là một biểu tượng của thành phố Huế

Chợ Đông Ba là một biểu tượng của thành phố Huế

Bây giờ Huế làm du lịch đã biết cách giữ khách. Không như nhiều năm trước, khách du lịch cứ lấy khách sạn ở Đà Nẵng rồi ra Huế chơi trong một ngày, sáng đi chiều về, không nghỉ lại. Huế thất thu du lịch vì như vậy.

Tôi ở Quảng Ngãi nhưng bây giờ vẫn ăn canh rau tập tàng Huế do đứa cháu dâu ngoan hiền từ Huế gửi vô. Không chỉ có mắm ruốc ngon, rau tập tàng ở Huế cũng rất ngon, đó là tổng hợp của nhiều loại rau dại, các mẹ, các chị hái rồi bán ở nhiều chợ nhỏ.

Huế cố đô dịu dàng và chân thật. Ngay giọng nói của người con gái Huế đã thể hiện đặc chất ấy của thành phố. Ngày sau hòa bình, bà chị vợ tôi mỗi lần đi chợ Đông Ba đều mặc áo dài, khiêm nhường và kín đáo. Không chỉ các em nữ sinh mới mặc áo dài đi học, những phụ nữ lớn tuổi cũng mặc áo dài đi chợ. Huế vậy đó.

Những cô gái dịu dàng, khiêm nhường, kín đáo trong tà áo dài ở Huế

Những cô gái dịu dàng, khiêm nhường, kín đáo trong tà áo dài ở Huế

Tôi nhớ đoạn mở đầu bài thơ dài rất nổi tiếng của cố nhà thơ Huế Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính), Bài thơ của một người yêu nước mình, viết thời chiến tranh chống Mỹ:

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày

ra đứng ngoài đường

Gió thổi những bông nứa trắng bên sông

Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua

Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà

Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé

Tôi yêu đất nước này như thế

Mỗi buổi mai

Bầy chim sẻ ngoài sân

Gió mát và trong

Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng…

Huế dễ thương như thế đó.

Huế từng là kinh đô (cố đô Huế) của Việt Nam dưới triều Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945).

Hiện nay, Huế là một trong những trung tâm về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ nổi bật của khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.

Đây là thành phố hiếm hoi của nước ta sở hữu 5 danh hiệu UNESCO ở Việt Nam, bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Theo niên giám thống kê đến năm 2022, dân số tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 1,1 triệu người (578.223 nam; 582.001 nữ). Trong đó có hơn 612.000 người sinh sống ở thành thị và hơn 547.000 người sinh sống ở vùng nông thôn.

Ngày 1.7.2021, Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27.4.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức có hiệu lực.

Sau khi điều chỉnh, thành phố Huế có hơn 265,99 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số hơn 652.000 người; 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã; tỉnh Thừa Thiên - Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; có 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn.

Thái Thanh (tổng hợp)

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng “lão đại” Trần Lê Hùng lại chọn con đường khác. Với ông, già thì già, máu tươi có thể thiếu chứ “máu đi”, máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng độc đáo của người Quảng Ngãi từ những năm giữa thế kỷ 18. Không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đây còn là công trình công phu, mang tính mỹ thuật cao, đã đi vào thi ca, nhạc họa.
Ghi ở Măng Bút

Ghi ở Măng Bút

Tinh thần của Chiến thắng Măng Bút 50 năm trước sẽ tiếp tục lan tỏa, sẽ tiếp tục truyền niềm tin và khát vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Măng Bút vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

(GLO)- Được mệnh danh là xã xa nhất tỉnh Gia Lai, Kon Pne (huyện Kbang) cách TP. Pleiku 200 km; còn từ trung tâm huyện vào nơi từng được ví như “ốc đảo” này cũng phải mất trên 80 km. Vậy mà, Kon Pne lại được “thăng hạng”, từ xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) trở thành xã vùng I...