Thành phố ở Việt Nam: Quy Nhơn như câu ca ngân giữa núi cao biển sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vợ chồng tôi đã sống ở Quy Nhơn đúng 10 năm, đủ để Quy Nhơn ngấm vào tôi hết mức có thể.

Nếu kể xa xôi hơn, thì tôi đã biết Quy Nhơn từ năm tôi 8 tuổi, theo mẹ vào Quy Nhơn để đi tập kết ra Bắc.

Ngày ấy tôi còn nhỏ, Quy Nhơn cũng chưa "lớn" như sau này. Kỷ niệm duy nhất tôi còn nhớ, là khi đám trẻ con chờ đi tập kết với tôi chạy từ trung tâm thị xã nhỏ bé vượt qua một trảng cát nắng hừng hực, chạy tới sân bay dã chiến chỉ để xem… máy bay của Ủy ban giám sát đình chiến. Máy bay hồi ấy thật cũ kỹ, nhưng với đám trẻ chúng tôi là một kỳ quan. Bởi từ nhỏ tới lúc ấy tôi chưa bao giờ được nhìn gần một chiếc máy bay.

Đó là lần thứ nhất tôi gặp Quy Nhơn.

Bãi biển ở Quy Nhơn

Bãi biển ở Quy Nhơn

Lần thứ hai gặp Quy Nhơn cũng khá bất chợt. Sau hòa bình thống nhất năm 1975, tôi tình cờ "bám càng" theo đoàn nhà văn miền Trung đi từ Sài Gòn qua nhiều tỉnh Nam Trung bộ rồi tới Quy Nhơn. Ngủ lại thị xã này một đêm, nghe gió biển và sóng biển, sáng hôm sau lại lên đường ra Quảng Ngãi.

Lần thứ ba tôi chính thức về Quy Nhơn vào tháng 10 năm 1979. Trước đó vợ tôi đã về nhận công tác tại Báo Nghĩa Bình, tôi về sau nhận việc ở Hội Văn nghệ Nghĩa Bình (đã tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi). Hai vợ chồng được phân một căn hộ tập thể 12 mét vuông. Thế là bắt đầu đời sống gia đình. Lúc ấy đã trưởng thành qua chiến tranh, đã làm thơ, và có thể coi là nhà thơ trẻ, nhưng tính tôi còn hồn nhiên lắm.

Vừa qua chiến trường Nam bộ chưa lâu, cực khổ quen rồi, nên sống ở căn phòng "nắng dột nắng mưa dột mưa" đối với tôi cũng bình thường. Vợ tôi cũng quen chịu đựng cực khổ trong những tháng năm học tập ở miền Bắc, nên ngày tháng cứ trôi qua.

Một góc đầm Thị Nại ở Quy Nhơn

Một góc đầm Thị Nại ở Quy Nhơn

Quy Nhơn bắt đầu ngấm vào tôi từ tình cảm bạn bè, từ những đường phố nhỏ mà tôi cùng các bạn thân vẫn đạp xe đi chơi. Bất kể ngày hay đêm.

Và bắt đầu từ những tác phẩm tôi viết trong tình trạng đời sống rất nhiều khốn khó. Nhưng Quy Nhơn đúng là đất thơ, đất tạo những điều kiện tự nhiên để có những nhà thơ.

Quy Nhơn như câu ca ngân giữa núi cao biển sóng

Quy Nhơn như câu ca ngân giữa núi cao biển sóng

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ở Quy Nhơn và Bình Định đã xuất hiện cả một "trường phái thơ", với những nhà thơ hàng đầu Việt Nam như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn… Có cả Bích Khê, một nhà thơ lớn từ Quảng Ngãi quê tôi cũng vào Quy Nhơn kết bạn với "trường thơ" Quy Nhơn. Mình sinh sau đẻ muộn, cũng làm thơ, lại được sống trên mảnh đất đã tạo dựng nhiều tài năng thơ như Quy Nhơn, thì thật may mắn.

Và bắt đầu hình thành trong tôi cụm từ "Quy Nhơn thành phố thơ ca". Bây giờ nghĩ lại, thật khó gọi bất cứ thành phố nào ở Việt Nam là "thành phố thơ ca", trừ Quy Nhơn. Cái tên gọi đó, có thể hình thành từ trước năm 1945, vì nói tới thơ ca là nói tới tình bạn, những người bạn thân trong đời và trong thơ.

Các hiện vật liên quan đến nhà thơ Yến Lan được trưng bày tại nhà lưu niệm của nhà thơ này

Các hiện vật liên quan đến nhà thơ Yến Lan được trưng bày tại nhà lưu niệm của nhà thơ này

Thế hệ đến sau như chúng tôi cũng không thể khác. Ngày chúng tôi sống thân quý nhau và làm thơ, Quy Nhơn vẫn là một thị xã nhỏ và nghèo. Những nhà thơ, những người yêu thơ cũng rất nghèo, nhưng chơi với nhau thật ấm áp.

Tính tình tôi khá lông bông, nên những năm ấy, hình như tôi ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Đạp xe chơi lang thang trong Quy Nhơn với bạn bè rất vui thú, vì thế, tôi cũng viết được nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm còn lại tới bây giờ.

Quy Nhơn về đêm

Quy Nhơn về đêm

Dù Quy Nhơn còn nghèo, nhưng vẻ đẹp trời cho của thành phố này thì vẫn nguyên vẹn. Nhiều đêm tôi với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và bạn bè thân đi chơi lang thang rất khuya, đạp xe qua từng con phố nhỏ vắng người.

Cảm giác mình đạp xe trên phố nhưng biển ngay bên cạnh mình, cảm giác ấy thật lạ. Theo nhịp xe đạp chậm rãi nhưng có tiết tấu, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã âm thầm tự hát một ca khúc về thành phố biển này.

Âm nhạc quyện vào thơ, thơ chuyển điệu từng bước đi của âm nhạc, ca khúc về Quy Nhơn hình thành dần một cách nhẹ nhàng, bất chợt, nhưng đầy cảm xúc. Đó là Quy Nhơn như nó đang hiện hữu đúng thời gian ấy:

Như câu ca ngân giữa núi cao biển sóng

Dâng lan hương thơm ngát lên trong chiều êm

Quy Nhơn bình yên thân quen từng giọng nói

Những con đường vắng bạn bè về đêm khuya

Hàng cây ca hát xanh biếc trong mưa

Bờ cát lưới thưa đóa hoa trong sương mờ.

(Quy Nhơn thành phố thơ ca - nhạc và lời Nguyễn Thụy Kha)

Phố biển Quy Nhơn

Phố biển Quy Nhơn

Còn nhớ, vào năm 1985, nhiều anh em văn nghệ chúng tôi từ tình yêu Quy Nhơn đã quyết định phải làm một cái gì đó cho thành phố này. Chúng tôi đã họp nhau, viết một đề án rút gọn thành bản kiến nghị xây dựng Quy Nhơn thành vùng đất tôn vinh thơ ca. Vùng đất ấy có điểm nhấn là Ghềnh Ráng, nơi có phần mộ Hàn Mặc Tử, có con đường ven biển sẽ mang tên Xuân Diệu…

Đó chính là kiến nghị xây dựng "Quy Nhơn thành phố thơ ca" với những ý tưởng đầy lãng mạn nhưng không thiếu hiện thực. Bản kiến nghị này được chúng tôi đánh máy thành mấy bản, thu góp được 40 chữ ký, trong đó có những văn nghệ sĩ ở Quy Nhơn như nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn, như kỹ sư kiêm nhạc sĩ Trần Hinh, và nhiều anh em khác. Có cả những văn nghệ sĩ không ở Quy Nhơn như Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng nhiệt tình ký tên vào.

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Đồi Thi Nhân, P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Đồi Thi Nhân, P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn

Chúng tôi gửi kiến nghị này cho lãnh đạo Quy Nhơn và rất được các anh hoan nghênh. Chúng tôi cũng nói rõ trong kiến nghị, là những ý tưởng này chắc chắn sẽ được thực hiện, nhưng không phải vào thời điểm 1985 ấy. Đúng như vậy thật.

Sau này, vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi tôi vào lại Quy Nhơn, thì đã hiển hiện trước mắt tôi một "thành phố thơ ca" như chúng tôi đã từng mơ ước và tưởng tượng. Đường ven biển đẹp nhất Quy Nhơn đã mang tên Xuân Diệu. Và Ghềnh Ráng đã được trùng tu xây dựng để tôn vinh Hàn Mặc Tử.

Chính bản kiến nghị mà tôi chấp bút như một bài thơ này đã được nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha lấy làm cảm hứng để viết nên ca khúc "Quy Nhơn thành phố thơ ca" rất tuyệt vời.

Giải đua mô tô nước thế giới 2024 tại đầm Thị Nại (Quy Nhơn), tháng 3.2024

Giải đua mô tô nước thế giới 2024 tại đầm Thị Nại (Quy Nhơn), tháng 3.2024

Bây giờ thì Quy Nhơn đã là một thành phố du lịch đúng nghĩa. Ý tưởng của lãnh đạo Bình Định biến đầm Thị Nại thành điểm hội tụ của thành phố Quy Nhơn là một ý tưởng thật hay, thật đẹp.

Khó có thành phố nào mà ở giữa thành phố lại nổi lên một đầm nước lợ với diện tích quá rộng và đầy tôm cá, lại là nơi tổ chức những cuộc đua thể thao quốc tế trên đầm như vậy. Quy Nhơn đã làm được những cuộc đua thể thao quốc tế này thu hút hàng vạn khách thể thao và du lịch về tham dự.

Một thành phố thơ ca và du lịch đầy sắc xanh: xanh biển, xanh trời, xanh lá xanh cây, và chắc chắn, tâm hồn con người ở đây cũng tuyệt vời xanh mát. Còn gì hơn nữa?

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng “lão đại” Trần Lê Hùng lại chọn con đường khác. Với ông, già thì già, máu tươi có thể thiếu chứ “máu đi”, máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Người cuối cùng lưu giữ bờ xe nước

Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng độc đáo của người Quảng Ngãi từ những năm giữa thế kỷ 18. Không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đây còn là công trình công phu, mang tính mỹ thuật cao, đã đi vào thi ca, nhạc họa.
Ghi ở Măng Bút

Ghi ở Măng Bút

Tinh thần của Chiến thắng Măng Bút 50 năm trước sẽ tiếp tục lan tỏa, sẽ tiếp tục truyền niềm tin và khát vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Măng Bút vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

Kon Pne: Nỗi buồn… xã vùng I

(GLO)- Được mệnh danh là xã xa nhất tỉnh Gia Lai, Kon Pne (huyện Kbang) cách TP. Pleiku 200 km; còn từ trung tâm huyện vào nơi từng được ví như “ốc đảo” này cũng phải mất trên 80 km. Vậy mà, Kon Pne lại được “thăng hạng”, từ xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) trở thành xã vùng I...