Thăng trầm cây mía-Kỳ 2: Luẩn quẩn "chặt-trồng, trồng-chặt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thực tế mía không còn là cây trồng đem lại sự ấm no như trước đây, nhiều hộ dân bắt đầu ồ ạt chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, nhiều nhất là cây mì. Vòng luẩn quẩn “chặt-trồng, trồng-chặt” bao giờ kết thúc khi ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung?
Ồ ạt chặt phá mía
Chúng tôi vừa có chuyến thực tế dọc theo tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn các huyện phía Đông, Đông Nam tỉnh và tỉnh lộ 662B (từ trung tâm huyện Ia Pa đến xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)-nơi trước đây là những cánh đồng mía bạt ngàn. Thế nhưng, những cánh đồng mía ấy nay chỉ còn trong ký ức. Rất nhiều diện tích mía đã bị người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng các cây khác, kể cả mía tơ. Trong đó, cây trồng được người dân “chọn mặt gửi vàng” là mì bởi giá thu mua loại nông sản này những năm gần đây tương đối cao và ổn định. Ngoài ra, người dân cũng chọn một số cây trồng ngắn ngày khác như: bắp, đậu đỗ, điều và một số loại cây ăn quả.
 4 ha mía trước đây đã được ông Trần Văn Tạm (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) chuyển sang trồng điều xen mì. Ảnh: Q.T
4 ha mía trước đây đã được ông Trần Văn Tạm (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) chuyển sang trồng điều xen mì. Ảnh: Q.T
Sau 2 vụ mía liên tiếp không thu được đồng lãi nào, thậm chí phải bù lỗ, vụ mùa 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) đã quyết định chặt bỏ 6 ha mía để chuyển sang trồng mì với hy vọng “vận may” sẽ mỉm cười. Ông Thanh cho hay: Giá mía liên tục giảm mạnh, trong khi đó chi phí vật tư, phân bón, công lao động ngày càng cao nên gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Niên vụ mía vừa rồi, thu không bù đắp được chi phí đầu tư nên trung bình mỗi héc ta mía ông lỗ mất 10 triệu đồng. “Không thể gắn bó được với cây mía, gia đình tôi đành chọn cây mì làm “cứu cánh” dù chỉ là tự phát chứ không ký hợp đồng sản xuất với bất kỳ nhà máy nào. Bởi vì nếu trồng các cây trồng khác, chẳng hạn như cây bắp thì rủi ro còn cao hơn, do vùng này khí hậu khá khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra hạn hán, trồng bắp không may gặp hạn vào đúng thời kỳ trổ cờ thì coi như mất trắng”-ông Thanh chia sẻ.
Đó cũng là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn thôn Thắng Lợi 4 nói riêng và tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) nói chung. Ông Trần Văn Tạm (thôn Thắng Lợi 4) cũng đã phá bỏ 4 ha mía để chuyển sang cây trồng khác. Ông Tạm cho hay: “Gia đình tôi trước đây có trồng gần 5 ha mía. 2 năm trở lại đây, do giá mía xuống thấp nên tôi đã phá bỏ 4 ha cây mía để chuyển sang trồng điều xen mì”. Còn hộ bà Nguyễn Thị Bắc (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) thì dành phần lớn diện tích mía đã được phá bỏ (gần 7 ha) để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như: cam, dừa xiêm lùn, quýt đường, na Thái, chanh không hạt… Ngoài ra, bà còn dành một phần diện tích để trồng các loại cây ngắn ngày như: khoai môn sáp, mì... để lấy ngắn nuôi dài.
Theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, nếu tính năng suất bình quân mỗi héc ta đạt 60 tấn mía, với giá 700 ngàn đồng/tấn/10 chữ đường như niên vụ mía 2018-2019 thì sau khi trừ đi các chi phí, người nông dân không có lãi hoặc lỗ 1-3 triệu đồng/ha. Do đó, nhiều hộ đã phá bỏ cây mía để chuyển sang các cây trồng khác, chủ yếu là cây mì và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: na Thái, thanh long, dứa… Tính đến nay, diện tích mía bị người dân phá bỏ để chuyển sang trồng mì trên địa bàn huyện là hơn 500 ha.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, diện tích mía hiện nay của huyện chỉ còn 7.160,5 ha, giảm hơn 1.238 ha so với niên vụ mía 2018-2019 và dự kiến con số này vẫn sẽ tiếp tục giảm. Còn tại huyện Phú Thiện, diện tích mía bị người dân phá bỏ đến thời điểm này đã hơn 1.000 ha. Trong đó, chỉ tính riêng xã Ia Sol, diện tích phá bỏ đã là 526 ha để chuyển sang trồng 430 ha mì, 80 ha đậu đỗ các loại và 16 ha điều. Người trồng mía huyện Ia Pa cũng đã phá bỏ hơn 1.000 ha để chuyển sang trồng mì, điều, đậu các loại… Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng mới gần 4.000 ha mía. Tuy nhiên đến nay, các địa phương mới chỉ trồng được hơn 900 ha, đạt 23% kế hoạch. Trong khi đó, tổng diện tích mì toàn tỉnh đến nay đã đạt hơn 69.000 ha, tăng 4.000 ha so với kế hoạch.
Coi chừng lại “giải cứu”
Theo nhận định của ngành chức năng, việc người dân ồ ạt chặt bỏ cây mía để chuyển sang cây khác, đặc biệt là cây mì như hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Dù những năm gần đây cây mì có giá tương đối cao và ổn định nhưng đầu ra của cây trồng này lại không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 4 nhà máy chế biến tinh bột mì (gồm Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm và Đầu tư Fococev, Nhà máy sản xuất tinh bột mì thuộc Tập đoàn Vạn Phát) với tổng công suất 66.000 tấn/năm. Trong khi đó, bình quân tổng sản lượng mì toàn tỉnh luôn đạt trên dưới 1,2 triệu tấn/năm, một con số khá lớn so với sức tiêu thụ của 4 nhà máy trên. Do đó, vấn đề “giải cứu” nông sản có nguy cơ lặp lại trên cây mì nếu tình trạng người dân ồ ạt chuyển diện tích cây mía sang trồng cây mì diễn ra trong thời gian tới.
2Hàng loạt diện tích mía nay đã được người dân chuyển sang trồng mì. Ảnh: Quang Tấn
Hàng loạt diện tích mía nay đã được người dân chuyển sang trồng mì. Ảnh: Quang Tấn
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI, ông Võ Anh Tuấn-Bí thư Huyện ủy Ia Pa-cho rằng: Ngành Nông nghiệp huyện Ia Pa nói riêng và tỉnh ta nói chung hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Giá cả các mặt hàng nông sản hiện nay khá bấp bênh và xuống thấp. Điển hình là giá mía nguyên liệu liên tiếp giảm trong 2 năm qua; giá mì tuy ổn định hơn nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao do phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên cây mì và cây mía cũng diễn biến khá phức tạp, trên cây mía là bệnh trắng lá và cây mì là bệnh khảm lá. Đây đều là những loại dịch bệnh rất dễ lây lan và chưa có thuốc đặc trị... Do đó, UBND tỉnh, ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới, đặc biệt là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên các loại cây trồng và tìm đầu ra ổn định cho nông sản. 
Hệ lụy từ vòng luẩn quẩn “chặt-trồng, trồng-chặt”, phá vỡ quy hoạch dẫn đến phải kêu gọi hỗ trợ, “giải cứu” cho người nông dân trên địa bàn tỉnh từng xảy ra không ít. Tuy nhiên, phải “giải cứu” thế nào để nông dân phát triển bền vững, có thu nhập ổn định vẫn đang là bài toán khó cần sự chung tay giải đáp từ phía chính quyền địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp và nông dân. 
 QUANG TẤN-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.