"Thân cò" ở rừng dừa Bảy Mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dưới tán dừa xanh thẫm là những đôi tay miệt mài mưu sinh. Đối với một số phụ nữ, rừng dừa Bảy Mẫu ở Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) không chỉ là nơi kiếm cơm qua bữa, mà đã là một phần đời của họ...

Từ cầu Cửa Đại, phóng tầm mắt về phía bờ bắc sông Thu Bồn đã thấy bạt ngàn dừa. Rừng dừa Bảy Mẫu cách trung tâm TP.Hội An chỉ chừng 10 phút đi xe, tựa như đôi tay mềm mại ôm lấy phố cổ. Ở đó có những người phụ nữ hằng ngày vẫn bám lấy rừng dừa để mưu sinh.

 

Đứng quan sát trên cầu Cửa Đại, rừng dừa nước bạt ngàn dường như
Đứng quan sát trên cầu Cửa Đại, rừng dừa nước bạt ngàn dường như "ôm" lấy phố cổ Hội An.

“4 tiếng ướt, 4 tiếng ráo”

Trên những chiếc ghe cũ kỹ, họ luồn lách qua rừng dừa nước dày đặc, chọn cho mình những cành lá còn xanh, nguyên vẹn rồi chặt về đem bán cho thương lái. “Đa số người mua lá dừa thường dùng để làm mái lợp khu nghỉ dưỡng hay đồ thủ công mỹ nghệ. Nên mình phải chọn những cành còn khỏe, xanh và nguyên vẹn mới bán được”, bà Trần Thị Lợi (thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh) giải thích.

Bà Lợi 50 tuổi đời nhưng có đến 40 tuổi nghề. "Thâm niên" là thế, nên bà thuộc làu những khu nào, khoảnh nào dừa mới mọc, khoảnh nào đã có người làm. Nhưng có vào sâu rừng dừa mới biết rõ nguyên tắc của những người vung dao cắt dừa. “Làm cái nghề này luôn phải theo nguyên tắc “một mẹ một con”, nghĩa là khi cắt tàu dừa thì phải để lại ngọn chính, chỉ chặt những cành đã trưởng thành. Có như vậy, dừa mới tiếp tục sinh sôi nảy nở, nếu cắt hết tàu lá thì cây sẽ chết dần”, bà giải thích. Có lẽ đây là lý do sau bao nhiêu năm, qua bao nhiêu lần cắt tỉa, rừng dừa Bảy Mẫu vẫn cứ như lá phổi xanh nguyên vẹn, giữ cho Hội An được trong lành.

Cắt xong tàu lá, họ khuân lên ghe rồi tiếp tục lội bộ dìu ghe lặc lè nương theo dòng nước để vào bờ. Có những đoạn nước ngập đến ngang đầu, những phụ nữ yếu phải bám vào ghe để bơi. “Chúng tôi gọi nghề này là “4 tiếng ướt, 4 tiếng ráo”. Từ sáng sớm đã tay dao tay rựa dầm mình trong nước cho đến khi mặt trời đứng bóng mới lên bờ. Lại hì hục vận chuyển về bờ, rồi còng lưng chẻ, tước đôi tàu lá ra, phơi khô mới đưa đến nơi tập kết để bán cho thương lái”, bà Lê Thị Lên (57 tuổi, ngụ thôn Thanh Tam Đông) cho biết.

 

Kéo tàu dừa về bãi tập kết.
Kéo tàu dừa về bãi tập kết.

Nghề này xem ra khá lạ, chẳng phải cạnh tranh, giành giựt nhau mà ngược lại ai cũng đã có cho riêng mình một khoảnh. “Cả rừng rộng mấy chục héc ta, chèo ghe cả ngày không hết, giành nhau làm chi? Thậm chí còn ngó trước ngó sau để hỗ trợ nhau nữa đó chớ”, bà Lên cười nói.

Lên, xuống cùng con nước

Một ngày của những phụ nữ cắt tàu dừa thường bắt đầu từ 5 giờ sáng hoặc sớm hơn, tùy thuộc vào thủy triều hôm đó. Họ bơi ghe len lỏi khắp rừng dừa, có lúc phải chèo hơn 5 km mới đến nơi thu hoạch. Họ phải đi sớm vì lúc đó nước lớn dễ đẩy ghe, đợi đến trưa nước xuống thì rất vất vả. Dầm nửa thân người dưới nước, lưng và đầu lại phơi nắng, không ít người kéo xong tàu dừa lên bờ là ngất xỉu.

Đã vậy, họ lại đối mặt với nỗi cơ cực không thể gọi tên, khi cả ngày phải dầm mình hụp lặn dưới làn nước lạnh ngắt, tay chân bị nước ăn da, gây lở loét, ngứa ngáy... Xoay trở dưới nước trong một không gian chật hẹp để cắt tàu dừa, họ đôi khi gặp tai nạn lặt vặt cũng khó chịu không kém, khi bị cọng dừa sắc lẻm cứa rách mặt mũi, tay chân, lúc chân lội bùn thường xuyên giẫm phải miểng chai. “Mấy hôm trước, có một chị lội ghe chất đầy tàu lá dừa về, đến chỗ nước sâu bị sụp chớp nước, chới với giữa dòng. Cũng may lúc đó có người đi ghe qua cứu. Nhưng chúng tôi còn biết làm gì ngoài nghề cắt tàu dừa?”, bà Nguyễn Thị Hoàng (62 tuổi) trải lòng.

 

Tước dừa để phơi.
Tước dừa để phơi.

Đồng hồ chỉ 13 giờ, bữa cơm trưa ở rừng dừa mới bắt đầu. Quần quật suốt buổi sáng, đây là thời điểm duy nhất để hàng chục phụ nữ nghỉ ngơi lấy lại sức. Họ khoe với nhau về thành quả của buổi sáng, hay truyền tai nhau về những phận đời gắn liền xứ dừa. Bữa ăn dọn ngay trên đầm, "mâm cơm" chẳng có gì ngoài quả trứng, nhúm rau... Loáng cái đã xong, họ lại lao xuống nước trước khi thủy triều xuống mạnh...

Rừng dừa Bảy Mẫu từng vang danh trong thời chiến, ai ngờ thời bình lại tạo sinh kế cho bao phận người. Lau nhanh những giọt mồ hôi lẫn bùn đất dính trên mặt, bà Hoàng bảo đa số phụ nữ ở thôn Thanh Tam Đông bám trụ ngót 30 năm với nghề. Mà cũng chỉ có phụ nữ mới theo nghề, bởi chuyện cắt tỉa đòi hỏi sự cần mẫn, chịu khó, khéo tay.

Mỗi tàu dừa cắt xong, phơi khô bán được 10.000 - 15.000 đồng. Nếu chịu khó làm việc, một ngày có thể kiếm được từ 300.000 - 350.000 đồng, một khoản tiền khá lớn đối với họ. Tuy vậy, thu nhập của nghề này cũng rất bấp bênh, "lên xuống" theo con nước. Họ chỉ có thể mưu sinh vào mùa nước nổi. “Mỗi tháng làm được chừng 10 - 15 ngày thôi. Khi nước lên ngập nửa thân dừa mới kéo ghe đi được. Tính ra, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu đâu”, bà Lợi nhẩm tính.

Xưa nay, lá dừa nước chủ yếu dùng để lợp nhà. Bây giờ du lịch phát triển, lá dừa được ưa chuộng để lợp nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh dừa... Đây là lúc nghề "vượng" nhất. “Gần 50 năm qua, tôi luôn bám víu lấy rừng dừa này, nhờ nó mới có tiền lo cho gia đình và con cái ăn học. Nghề cắt tàu dừa cũng giải quyết được nhiều việc làm cho hàng chục chị em ở đây”, bà Lên tâm sự.

Chiều đến, xứ dừa thẫm màu hoàng hôn, những phụ nữ áo sờn vai và nón lá cũ kỹ lại khăn gói ra về. Bóng của họ kéo dài theo màu xanh của xứ dừa Bảy Mẫu.

Mạnh Cường/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.