Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh để 'Đảng mạnh', 'dân tin'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cùng với quá trình xây dựng, lan tỏa những "bông hoa tốt," Đảng cũng “kiên quyết, kiên trì", “không có vùng cấm," đẩy lùi, thanh lọc ra khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng.
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2023). Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân củng cố đội hình, triệu người như một, quyết tâm xây dựng “Đảng mạnh," tăng cường niềm tin của nhân dân nhằm hiện thực hóa di huấn của Người cũng là khát vọng của toàn dân tộc, đó là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới."

Sức mạnh của Đảng là từ bản chất cách mạng chân chính, từ sự toàn tâm, toàn ý, gắn bó máu thịt, phục vụ nhân dân. Đó cũng là nền tảng căn bản quyết định để nhân dân đặt trọn niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đất nước đã hòa bình, thống nhất được gần 50 năm và có hơn 35 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với trước đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Đảng cũng nhận thức còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Trong đó có nguy cơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân… Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng…”

Do đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về chấp hành chủ trương, chính sách, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải thực hành “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân," sử dụng thường xuyên có hiệu quả “vũ khí sắc bén” tự phê bình và phê bình, qua đó góp phần làm cho Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh.” Có vậy, “dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng".

Người chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Một đảng viên trẻ đọc lời tuyên thệ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Một đảng viên trẻ đọc lời tuyên thệ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ."

Tổng Bí thư từng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII: "Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội".

Với tầm quan trọng đó của việc nêu gương, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định về trách nhiệm này của cán bộ, đảng viên như: Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 08-Qđi/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh," Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII...

Tại Quy định số 08-Qđi/TW, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

Trong xu thế trên, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những tấm gương “cán bộ nào, phong trào đó," “cán bộ đi trước, làng nước theo sau", thực sự có sức lan tỏa trong xã hội. Đó là những “bông hoa đẹp," từng ngày vun góp, tạo ra “rừng hoa đẹp” cho đất nước.

Có thể kể đến hình ảnh những cán bộ, đảng viên là y, bác sỹ, lực lượng vũ trang, cán bộ đoàn thể tiên phong, không quản hy sinh mất mát trong cuộc chiến chống COVID-19, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam hay hình ảnh những Bí thư đảng ở cơ sở gương mẫu đi đầu, vận động nhân dân hiến đất xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn.

Ở tầm lãnh đạo cấp cao, người dân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực không ngừng, không nghỉ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với quá trình xây dựng, lan tỏa những "bông hoa tốt", Đảng cũng “kiên quyết, kiên trì," “không có vùng cấm," không có ngoại lệ, đẩy lùi, thanh lọc ra khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có nêu: từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Giải đáp băn khoăn của người dân về việc số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật ngày càng tăng, có ảnh hưởng đến uy tín, sức mạnh của Đảng hay không, trong cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Những việc xử lý sai phạm trong thời gian vừa qua là "chẳng đặng đừng" nhưng bắt buộc phải làm để cho môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, để giá trị làm ra phải thuộc về người làm ra nó, thuộc về xã hội, đất nước; để loại bỏ ra khỏi bộ máy cơ quan quản lý nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất".

“Chúng ta không lo thiếu cán bộ, thiếu người tài, vì Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có giải pháp thu hút người hiền tài vào bộ máy Nhà nước để luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao", Chủ tịch nước nêu rõ.

Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, một nội dung quan trọng là Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.

Về việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.

Mục đích là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi," "tự sửa," tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Có thể nói, với thực tế sinh động đang diễn ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới nhân dân rằng, “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác", do đó, Đảng không ngừng làm cho mình “là đạo đức, là văn minh", trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đảm đương lãnh đạo thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như tâm nguyện của Bác Hồ và ước vọng của toàn dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

(GLO)- Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1/11/1949-1/11/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh: Giữ vững truyền thống kiên trung, bất khuất

Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai: Giữ vững truyền thống kiên trung, bất khuất

(GLO)- Với phẩm chất kiên trung, bất khuất, các cựu tù chính trị yêu nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn là tấm gương sáng để truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ. Và, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh là nơi gắn kết nghĩa tình, tích cực chăm lo đời sống hội viên.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

(GLO)- Với vai trò là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ, những năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

(GLO)- 

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại Hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. 

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

(GLO)-

Sáng 26-9, Đoàn Kiểm tra 1355-QĐNS/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Thượng tướng Trịnh Văn Quyết-Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

(GLO)- Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

(GLO)- Thời gian qua, Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng trẻ hóa đội ngũ cấp ủy chi bộ khu dân cư. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, ham học hỏi và chủ động ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc, đội ngũ này đã tạo ra “làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở.