Thăm lại Ngã ba Đồng Lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào những ngày giữa cuối tháng 6 năm nay, tôi lại có dịp về thăm quê hương của 10 cô gái anh hùng liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). “Hướng dẫn viên” của tôi lần này là nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Lê Hữu Quý. Biết đã khá lâu tôi mới lại về với Ngã ba Đồng Lộc, anh phát huy hết khả năng của… một hướng dẫn viên chủ nhà. Trên ô tô, anh đã tranh thủ “hướng dẫn, thuyết minh” bao điều kỳ diệu và huyền bí về nơi nằm lại của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc…
 Du khách thắp hương tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong. Ảnh: Đ.M.P
Du khách thắp hương tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong. Ảnh: Đ.M.P
Năm 2016, tôi cũng có dịp ghé qua tỉnh Hà Tĩnh. Thành phố và bãi biển Thiên Cầm là nơi chúng tôi dừng chân. Mấy bạn cùng đi khi ấy ai nấy đều không tiếc lời khen ngợi sự phát triển quá nhanh của một vùng đất vốn rất nghèo của dải đất miền Trung. Trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, người quê xứ Nghệ này rất anh hùng. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, mọi người, mọi nhà đều dốc hết sức người, sức của góp phần không nhỏ cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Hòa bình rồi, hết địch họa thì lại đến thiên tai. Nghèo khổ đeo bám, nhất là một thời gian dài trong cơ chế bao cấp… Thế mà giờ đây TP. Hà Tĩnh đã vươn lên, phát triển vượt bậc và toàn diện. Một thành phố được quy hoạch bài bản, đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất và xã hội căn cơ. Nói chuyện với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho biết, Hà Tĩnh giờ đã khá rồi, năm vừa qua thu ngân sách đạt gần 9.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ đó là một con số mơ ước của nhiều địa phương. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Thạch đưa chúng tôi thăm một vùng quê còn rất hoang sơ, trong lành, đang được quy hoạch đầu tư phát triển dịch vụ thương mại và du lịch ven biển. Anh đãi chúng tôi món lạ là… mực nhảy. Mực mà nhảy, lạ thật chứ, ý nói đến loài mực rất đặc trưng của vùng biển Hà Tĩnh, tươi-ngon-thơm-mát-bổ, mà du khách đã một lần thưởng thức thì không thể quên và tôi là một trong số đó.
Lòng vòng quanh ngoại ô thành phố một hồi lâu, tôi miên man suy nghĩ về một Hà Tĩnh vượt qua nghèo khó vươn lên. Rồi liên tưởng đến một đô thị Phố núi Pleiku của chúng ta, mục tiêu gần sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thế mà còn nhiều bề bộn lắm, quy hoạch chắp vá, đầu tư hạ tầng không đồng bộ, bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi nhu cầu của nền kinh tế và xã hội ngày càng phát triển. Lúc này, anh Lê Hữu Quý nhắc bạn lái xe ngoặt về hướng tỉnh lộ 3, đến Ngã ba Đồng Lộc. Một vùng quê trù phú hiện ra, bầu trời trong xanh không một gợn mây, chợt nhớ về lời một bài hát năm xưa: “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…”. Con đường thẳng tắp, bê tông nhựa phẳng phiu, 2 bên là ruộng, là vườn, cây trái xanh um, nói lên sự đủ đầy của cuộc sống người dân ở nơi đây. Như hiểu ra tôi đang nghĩ gì, anh Quý bảo: “Nếu là người chưa biết ít nhiều về vùng đất này thì khó có thể hình dung mấy mươi năm về trước là “vùng trắng” vì bom đạn Mỹ dội xuống hàng ngày, hàng đêm suốt mấy năm ròng rã”.
Vài câu chuyện giữa khách và chủ nhà Lê Hữu Quý về vùng quê của những người anh hùng xứ Nghệ chưa kịp dứt thì quãng đường chừng hơn 20 cây số từ TP. Hà Tĩnh đến Ngã ba Đồng Lộc đã trôi vèo. Cụm công trình văn hóa-lịch sử, du lịch tâm linh ở đấy hiện ra. So với 5 năm về trước, khi tôi đến đây dâng nén nhang lòng đến hương hồn 10 cô gái-chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc, cụm công trình này đã khác một trời một vực, đã được đầu tư xây dựng bài bản, tôn nghiêm. Dưới rừng cây xanh ngăn ngắt, nơi chúng tôi dừng lại trước tiên là nơi an nghỉ ngàn thu của những người nữ anh hùng thanh niên xung phong thuở nào với khói hương nghi ngút. Anh Quý đưa tôi đến từng ngôi mộ và chỉ dẫn rằng đây là mộ Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, đây là Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc… Tất cả họ, 10 cô gái ấy tuổi đời còn quá trẻ, người lớn nhất chỉ mới 24, người em út của Tiểu đội-Võ Thị Hà vừa tròn 17 tính đến lúc các chị ngã xuống nơi này. Buổi chiều định mệnh ấy, 16 giờ 40 phút ngày 24-7-1968, Mỹ dội bom trong khi các chị đang làm nhiệm vụ trên mặt đường. Nghe anh Quý kể mà nước mắt tôi lưng tròng…
 Hố bom Mỹ thả xuống Ngã ba Đồng Lộc làm 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh chiều ngày 24-7-1968. Ảnh: Đ.M.P
Hố bom Mỹ thả xuống Ngã ba Đồng Lộc làm 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh chiều ngày 24-7-1968. Ảnh: Đ.M.P
Trong khi tôi kính cẩn dâng những nén nhang lên từng phần mộ và cầu mong cho linh hồn các chị siêu thoát nơi suối vàng, phù hộ độ trì cho muôn năm quốc thái dân an thì một đoàn khách mới cũng vừa đến. Họ sắp mấy hàng ngang ngay ngắn và trật tự dâng hoa, dâng hương trước cụm tượng đài của các chị. Tìm hiểu thì biết, đó là hơn 50 thầy-cô giáo ở Trường THCS Phú Minh (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) do cô Hiệu trưởng Trần Thị Hương làm trưởng đoàn, tranh thủ dịp nghỉ hè cùng nhau về viếng các liệt sĩ. Bấy giờ chỉ mới hơn 9 giờ mà đã rất đông khách thập phương đến thắp hương. “Đoàn của cô giáo Hương đã là đoàn thứ 15”-chị Trương Thị Thúy, nhân viên quầy bán hàng lưu niệm tại đây, nhẩm tính. Nguyễn Thúy Huyền, bạn cùng làm với chị Thúy, cho biết thêm: “Nếu tính số người về đây mà đăng ký qua Ban Quản lý Khu di tích để có người hướng dẫn, thuyết minh thì bình quân mỗi ngày khoảng trên 1.000, còn đến tự do thì con số gần gấp 3 lần như thế. Đa số họ là thầy-cô giáo, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh…”. Tôi may mắn được hỏi chuyện cô giáo Phạm Thị Thanh Nga, người cùng đoàn với cô Hương, cô Nga bảo đây là lần đầu tiên về viếng hương hồn 10 cô gái Đồng Lộc. “Biết và nghe qua sách sử, báo chí chỉ là một phần. Chỉ khi đến tận nơi, tự mình thắp nén hương tận đáy lòng mình dâng lên từng ngôi mộ của các chị, tôi mới thỏa lòng mong ước bấy lâu”-cô giáo Nga cho biết.
Khi viết bài này, sáng 15-7-2018, để rõ thêm vài chi tiết, tôi đã liên lạc với anh Hà Văn Thạch thì được biết tin vui. Đó là anh đang có mặt tại Ngã ba Đồng Lộc dự lễ khánh thành Đền thờ các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Anh Thạch cho hay, đây là công trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968-24/7/2018) nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…
Ngã ba đồng lộc
Ngã ba Đồng Lộc
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mạn phép được trích dẫn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về Đồng Lộc: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một trọng điểm địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Quân và dân ta, nhất là lực lượng thanh niên xung phong trên trận tuyến Ngã ba Đồng Lộc, đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, dưới mưa bom bão đạn ngày đêm ác liệt vẫn thường xuyên đảm bảo thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Nhiều anh hùng liệt sĩ đã oanh liệt ngã xuống để lại tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác” (trích trong Khúc anh hùng ca Ngã ba Đồng Lộc, NXB Quân đội nhân dân-2016, trang 5).
Đoàn Minh Phụng 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.